07:06, 16/06/2011

Những ước mơ về một “tương lai xanh”

Diễn ra từ ngày 12 đến 14-6 tại khu vực công viên bờ biển Trần Phú (đoạn trước Nhà khách Hải Quân), cuộc thi vẽ tranh nghệ thuật kết nối cộng đồng với chủ đề “Bảo vệ môi trường” và đắp phù điêu trên cát với chủ đề “Biển đảo quê hương em”....

Diễn ra từ ngày 12 đến 14-6 tại khu vực công viên bờ biển Trần Phú (đoạn trước Nhà khách Hải Quân), cuộc thi vẽ tranh nghệ thuật kết nối cộng đồng với chủ đề “Bảo vệ môi trường” và đắp phù điêu trên cát với chủ đề “Biển đảo quê hương em” của Nhà Thiếu nhi (NTN) tỉnh là một trong những đóng góp đặc sắc cho Festival Biển năm nay. Không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh quê hương Khánh Hòa xinh đẹp và thân thiện, gần 400 bức tranh vẽ cá nhân cùng 1 bức vẽ tập thể và 10 bức phù điêu cát còn thể hiện những ước mơ hồn nhiên, trong sáng của TN về một “tương lai xanh”.

Có mặt tại bãi biển Trần Phú (đoạn trước Nhà khách Hải Quân, số 58 đường Trần Phú, TP. Nha Trang) khoảng 4 chiều ngày 14-6, chúng tôi như bị cuốn vào không khí nô nức của TN trong hội thi đắp phù điêu trên cát. Bên bờ biển dài tít tắp với những con sóng nhẹ nhàng xô vào bờ, hàng chục TN đang miệt mài và say sưa bên bức phù điêu cát của mình. Các nhóm “đàn anh đàn chị” (khoảng 14 - 15 tuổi) đắp những chiếc phù điêu lớn, các nhóm “đàn em” (khoảng 6 - 10 tuổi) đắp những chiếc phù điêu nhỏ hơn. Khi được hỏi về tác phẩm của nhóm mình, em Võ Đức Minh Nhật cho biết: “Chúng em đang đắp hình Rùa, vừa là một trong những sinh vật biển, vừa là linh vật của nước ta”. Còn nhóm em Nguyễn Thị Tú Oanh, Phạm Minh Tiến và Huỳnh Như An Tuệ, khi được hỏi tại sao các em tạo hình bạch tuột, các em chỉ tay về phía những cánh diều nghệ thuật đang chao lượn trên bầu trời Quảng trường 2-4 trả lời: “Tụi em nhìn theo hình mẫu con diều bay kia”. Ngoài những sinh vật biển, các TN còn chú tâm thể hiện về hình tượng biển, đảo và Trường Sa. Sau khi nghiên cứu tạo hình không thành công về cánh chim - biểu tượng của tự do, hòa bình và hoa sen - biểu tượng về Bác Hồ, đồng thời là quốc hoa của Việt Nam (theo kết quả tại cuộc bầu chọn quốc hoa Việt Nam tối 12-6 tại TP. Hồ Chí Minh), nhóm bạn Lê Như Trường quyết định tạo hình quần đảo Trường Sa. Đồng ý tưởng với các em, nhóm bạn Huỳnh Võ Thảo Ngọc cũng tạo hình quần đảo Trường Sa với những đụn cát tạo thành những hòn đá giữ chân cho cột mốc, phía trên là lá cờ Tổ quốc lồng lộng tung bay. Dưới cùng là hình ảnh chú cá heo và một em bé. Các em lý giải: “Đây là cá chở bé ra thăm Trường Sa”…

Các thiếu nhi đang say sưa đắp phù điêu Bạch tuột trên bờ biển.
Trong khi đó, đã bước sang ngày thứ 3, khuôn viên cuộc thi vẽ tranh tại công viên vẫn giữ nguyên “sức nóng”. Kết thúc ngày 12 và 13-6, Ban tổ chức đã thu về hơn 200 bức tranh vẽ cá nhân chủ đề “Bảo vệ môi trường” và tiến hành trao giải cho 40 cá nhân xuất sắc. Đồng thời, bức vẽ kết nối cộng đồng cùng chủ đề do 20 TN lớp chuyên Vẽ thực hiện trên nền vải khổ 1,5mx10m cũng đã hoàn thiện. Bức tranh nghệ thuật bằng màu nước bình thường nhưng thật sống động với toàn vẹn hình ảnh về đất liền - nơi có những em bé đang thu dọn rác và vui đùa cùng sóng biển xanh trong; có đại dương - nơi có những người với nụ cười rạng ngời khi thả cá về với biển, lặn xuống đáy đại dương thu nhặt rác, xung quanh là rất nhiều sinh vật biển tung tăng bơi lượn quanh những vòm san hô rực rỡ; có hải đảo - nơi bình yên, trong lành của cây cối, chim muôn và các loài động vật quý hiếm như: voi, sư tử…

Các thiếu nhi tham gia hội thi vẽ tranh cá nhân tại công viên.
Có thể nói, cuộc thi vẽ tranh và đắp phù điêu cát đã tạo điều kiện cho các TN bày tỏ quan điểm, suy nghĩ và góc nhìn của mình về cuộc sống. Rất hồn nhiên, chân thật nhưng thật sâu sắc, những bức vẽ về những TN hay người dân chung tay thu nhặt rác, trồng và chăm sóc cây xanh với những khẩu hiệu: “Hãy bỏ rác vào thùng”, “Bỏ rác vào thùng bảo vệ môi trường biển” hoặc bức vẽ các em nhỏ cùng bạn bè, ba mẹ, ông bà vui chơi trong ánh bình minh bên bờ biển, dưới bầu trời cao lồng lộng; hoặc sâu sắc hơn nữa là những bức vẽ lên án các hành động phá hoại môi trường như: đánh bắt cá bằng lưới điện, hậu quả tràn dầu, khai thác rừng trái phép… đều nói lên ước mơ rất thật của các em về một “tương lai xanh”, về một môi trường lành mạnh bền vững cho sự phát triển của đất nước, các thế hệ tương lai.

Không chỉ là điều kiện để các em phát huy tư duy, trí tuệ; lòng tự hào về biển đảo quê hương và ý thức bảo vệ, gìn giữ môi trường như thông điệp “Trí tuệ xanh cho sự phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam của Bộ Tài nguyên và Môi trường”, cuộc thi còn là nơi để các TN thỏa sức vui chơi sau một năm học căng thẳng, đồng thời học tập, giao lưu lẫn nhau, góp phần nâng cao kỹ năng hoạt động xã hội. Sự đồng hành của ba, mẹ, ông bà và các em TN trong 3 ngày thi cũng là một dấu ấn đẹp về văn hóa gia đình, cộng đồng, góp phần vào thành công cho hội thi nói riêng, Festival Biển 2011 nói chung. Nhiều du khách trong nước và quốc tế tỏ ra rất thích thú với hoạt động này và tham gia cùng với các em. Bà Lê Thị Ngọc Thanh, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Lần đầu tiên đến Nha Trang đúng vào dịp Festival Biển, tôi thấy các chương trình của lễ hội thật hoành tráng, công phu, độc đáo và ấn tượng. Đặc biệt, hội thi vẽ tranh nghệ thuật và đắp phù điêu cát dành cho TN thật hay, ý nghĩa. Nó góp phần nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, đồng thời lôi kéo các em không tham gia vào các trò chơi bạo lực như game online hay các tệ nạn xã hội khác. Tôi mong sao TP. Hồ Chí Minh cũng như các thành phố lớn trong nước tạo ra những sân chơi thú vị như thế này trong điều kiện của mình”.

NGỌC THẢO