05:06, 15/06/2017

Quốc tế nỗ lực giải quyết khủng hoảng vùng Vịnh

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ và Ngoại trưởng Mỹ cùng có động thái xoa dịu căng thẳng ngoại giao xoay quanh Qatar.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ và Ngoại trưởng Mỹ cùng có động thái xoa dịu căng thẳng ngoại giao xoay quanh Qatar.
 
Trước việc căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh đã bước sang tuần thứ hai và các hậu quả của nó đã bước đầu tác động đến nền kinh tế Qatar và cả thế giới, ngày 14/6, cộng đồng quốc tế và các cường quốc tiếp tục nỗ lực để giải quyết cuộc khủng hoảng ở vùng Vịnh bằng con đường ngoại giao.
 
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 14/6 đã tới Morocco trong chuyến công du đầu tiên của ông tới khu vực Bắc Phi kể từ khi đắc cử. Tại đây, Tổng thống Macron đã khẳng định, Pháp đang tiếp tục những nỗ lực ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh hiện nay.
 
Phát biểu tại cuộc hội kiến Quốc vương nước chủ nhà Mohammed VI ở thủ đô Rabat, Tổng thống Macron cho biết, Pháp mong muốn các bên đối thoại và vùng Vịnh cần phải ổn định do các nước này là những bên liên quan của các cuộc khủng hoảng tại Syria và Libya.
 
“Chúng ta không có lợi ích khi căng thẳng giữa Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất với Qatar leo thang”, ông nói. “Vì vậy, chúng tôi hy vọng rằng các nước Vùng Vịnh cần bình tĩnh và ổn định bởi vì nó liên quan đến các cuộc khủng hoảng khác như ở Libya và Syria.”
 
Hiện nỗ lực khác nhằm tìm ra giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng tại vùng Vịnh cũng đã được tăng cường với chuyến thăm Qatar cùng ngày của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu. Tại Qatar, ông Cavusoglu đã có cuộc gặp với Tiểu vương Tamim bin Hamad al-Thani, kêu gọi các bên đối thoại để giải quyết khủng hoảng.
 
Theo kế hoạch, chặng dừng chân tiếp theo của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là Kuwait, quốc gia Trung Đông cũng đang nỗ lực làm trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng vùng Vịnh. Cuối cùng, Ngoại trưởng Cavusoglu cũng sẽ tới Saudi Arabia.
 
“Tôi sẽ đến thăm Saudi Arabia”, ông  Cavusoglu cho biết. “Chúng tôi sẽ thảo luận cách thức mà chúng tôi có thể đóng góp và việc làm thế nào để giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay giữa các nước vùng Vịnh.”
 
Cùng ngày, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin cho rằng, cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh đang gây tổn hại tới thế giới Hồi giáo và Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực hỗ trợ giải quyết vấn đề này thông qua con đường ngoại giao.
 
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Kalin cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi viện trợ lương thực cho Qatar sau khi các nước láng giềng tại vùng Vịnh cắt đứt quan hệ với nước này và áp đặt các biện pháp trừng phạt vì cho rằng Qatar hậu thuẫn khủng bố và tìm cách tăng cường quan hệ với đối thủ khu vực là Iran.

 

Khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar với các nước vùng Vịnh là một trong những chủ đề nghị sự khi ông Macron gặp Quốc vương Marocco. Ảnh: AFP.
Khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar với các nước vùng Vịnh là một trong những chủ đề nghị sự khi ông Macron gặp Quốc vương Marocco. Ảnh: AFP.
 
 
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson gặp Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert, sau cuộc gặp giữa quan chức ngoại giao hai nước, đã  có tiến bộ trong nỗ lực giải quyết căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh. Ông Nauert nhấn mạnh: "Điều tồi tệ nhất đã qua."
 
Trước đó, hôm  5/6 vừa qua, 6 quốc gia Arab và vùng Vịnh, gồm Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Yemen và chính phủ  Libya (được quốc tế công nhận) đồng loạt chấm dứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Cuộc khủng hoảng ngoại giao tiếp tục leo thang ngày 9/6 khi Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Ai Cập và Bahrain liệt 59 cá nhân và 12 tổ chức có liên quan Qatar vào danh sách khủng bố.
 
Đây có thể xem là "giọt nước tràn ly", bởi mối bất hòa giữa Qatar với các nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), nòng cốt là Saudi Arabia, cùng với Ai Cập vốn dĩ đã "âm ỉ" trong thời gian dài. Các nước Arab và vùng Vịnh lâu nay cáo buộc Qatar hỗ trợ về chính trị, truyền thông và tài chính cho các nhóm đối địch ở nhiều nước cũng như các tổ chức khủng bố, cực đoan tại Libya, Ai Cập, Syria, Yemen và Tunisia, trải dài tới tận Trung Á, Bắc Phi và vùng Sừng châu Phi, với mục tiêu “gây bất ổn và mở rộng ảnh hưởng” trong khu vực. Tuy nhiên, phía Qatar luôn bác bỏ các cáo buộc trên./.
 
Theo VOV