07:09, 26/09/2013

Đồng lòng hiến đất làm đường

Đoạn đường vào khu sản xuất Suối Chì nối dài thuộc thôn Suối Cốc (xã Sơn Tân, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) vừa được nghiệm thu, đưa vào sử dụng. Có được con đường này là nhờ người dân đã tự nguyện hiến đất để làm.

Đoạn đường vào khu sản xuất Suối Chì nối dài thuộc thôn Suối Cốc (xã Sơn Tân, huyện Cam Lâm) vừa được nghiệm thu, đưa vào sử dụng. Có được con đường này là nhờ người dân đã tự nguyện hiến đất để làm.


Dẫn chúng tôi đi trên tuyến đường vào khu sản xuất Suối Chì, anh Mấu Dương Sĩ - cán bộ phụ trách giao thông, thủy lợi của xã Sơn Tân cho biết: “Đường được thực hiện từ nguồn vốn Chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi của tỉnh và vốn đối ứng của huyện. Năm 2012, đường đã hoàn thành giai đoạn 1 với tổng kinh phí đầu tư hơn 1,9 tỷ đồng”. Tuy nhiên, sau khi làm xong giai đoạn 1 với chiều dài gần 2km, việc đi vào khu sản xuất của người dân vẫn chưa được thông suốt, thuận lợi bởi đoạn cuối của con đường này vốn chỉ là một lối mòn đi qua địa hình có nhiều gộp đá phức tạp. Chính vì thế, việc vận chuyển nông sản của hơn 40 hộ dân có rẫy trong khu vực Suối Chì vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là vào những ngày mưa. Quyết tâm của chính quyền địa phương là phải sớm làm xong toàn tuyến đường để tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển nông sản của nhân dân. “Khi cấp trên đồng ý duyệt kinh phí hơn 1,7 tỷ đồng để làm đoạn đường còn lại, chúng tôi mừng lắm. Nhưng theo dự toán công trình thì số kinh phí trên chỉ đủ để thực hiện các hạng mục của công trình. Bài toán khó đặt ra cho chúng tôi là với một địa hình không thuận lợi, lại đi qua đất rẫy của người dân, trong khi nguồn vốn có hạn thì làm sao có thể triển khai thi công đúng tiến độ”, ông Cao Minh Sao - Chủ tịch UBND xã Sơn Tân chia sẻ.


Để tháo gỡ khó khăn đó, lãnh đạo xã đã tổ chức gặp gỡ 5 hộ dân có rẫy nằm trong phạm vi đoạn đường đi qua. Khi biết được việc đường sẽ mở đi qua rẫy sản xuất của gia đình mình, tất cả các hộ dân đều đồng ý hiến đất để làm đường mà không đòi hỏi một khoản tiền đền bù nào đối với đất cũng như tài sản trên đất. “Bao năm nay, cứ vào vụ thu hoạch bắp, mì hay đào, người dân chúng tôi đều phải gùi về nhà rất cực khổ. Bây giờ, Nhà nước cho làm con đường, chúng tôi góp thêm một phần. Đường được mở không những thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển nông sản của mình bây giờ, mà con cháu về sau cũng được hưởng lợi”, ông Bo Bo Khanh, người dân hiến đất bộc bạch. Cùng suy nghĩ đó, các gia đình: Anh Tro Ri, ông Cao Minh Liên, anh Mấu Bông, anh Nguyễn Văn Tiên đều tự nguyện hiến phần đất rẫy đang canh tác của gia đình cho chính quyền địa phương làm đường.

1
Đoạn đường vào khu sản xuất Suối Chì nối dài được người dân hiến đất để làm.


Được sự đồng thuận của người dân, đầu tháng 3-2013, đoạn đường vào khu sản xuất Suối Chì nối dài được chính thức thi công. Để thực hiện con đường, 80 cây đào trên đất sản xuất của người dân đã bị chặt bỏ với giá trị khoảng 29 triệu đồng; người dân cũng đã hiến hơn 3.500m2 đất (tương đương số tiền 25,5 triệu đồng). Sau 3 tháng thi công, đoạn đường dài hơn 700m, mặt bê tông rộng 3m, lề đường mỗi bên 1m đã hoàn thành. Đầu tháng 9, đoạn đường trên đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng, toàn tuyến đường vào khu sản xuất Suối Chì chính thức được thông tuyến. Từ đây, việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân thuận tiện hơn, không còn cảnh phải gùi từng gùi nông sản vượt qua những gộp đá hiểm trở. “Đoạn đường làm xong, người dân chúng tôi vui lắm. Từ nay, tôi đã có thể đi xe máy vào đến rẫy, không phải vất vả trèo dốc, lội suối như trước nữa”, anh Mấu Bông chia sẻ.


Theo ông Trần Vĩnh Hạnh - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Cam Lâm, đơn vị chủ đầu tư dự án, việc người dân tự nguyện hiến đất làm đường vào khu sản xuất Suối Chì nối dài đã tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều cho chủ đầu tư lẫn đơn vị thi công. Công trình được hoàn thành đúng thời hạn. Đây có thể xem là tiền đề để việc triển khai thi công những tuyến đường vào khu sản xuất sau này ở xã Sơn Tân được thuận lợi hơn.


Sơn Tân là xã miền núi có 228 hộ, 923 khẩu, trong đó đồng bào Raglai chiếm 92% dân số, tỉ lệ hộ nghèo toàn xã chiếm 26,1%. Thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, diện mạo Sơn Tân đã có nhiều thay đổi. Hiện 100% đường liên thôn đã được bê tông hóa, 70% đường vào khu sản xuất được xây dựng kiên cố, đảm bảo thuận lợi cho việc vận chuyển nông sản. Hệ thống trường học, trạm y tế, điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt hợp vệ sinh được đảm bảo. Có được kết quả đó, ngoài sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, còn có sự đồng thuận cao của người dân khi triển khai thực hiện các công trình.


N.TÂM