02:11, 30/11/2016

Kỳ 3: Lúng túng trong quản lý hành chính

Hiện nay ở một số khu tái định cư đã xảy ra tình trạng dở khóc dở cười khi người ở một nơi còn hộ khẩu lại một nẻo.

Kỳ 3: Lúng túng trong quản lý hành chính


Hiện nay ở một số khu tái định cư (TĐC) đã xảy ra tình trạng dở khóc dở cười khi người ở một nơi còn hộ khẩu lại một nẻo.


Nhà một nơi, hộ khẩu một nẻo


Đến một số khu TĐC trên địa bàn tỉnh, chúng tôi luôn nghe người dân phàn nàn chuyện nhà ở một nơi, hộ khẩu một nẻo. Chẳng hạn như khu TĐC Vĩnh Trung - Vĩnh Hiệp (xã Vĩnh Hiệp) khởi công xây dựng từ tháng 12-2014, phục vụ khoảng 120 hộ bị giải tỏa bởi dự án đường Cao Bá Quát - Cầu Lùng. Đến nay, 100 hộ từ xã Vĩnh Trung và xã Vĩnh Thái đã chuyển về khu TĐC này sinh sống nhưng hộ khẩu của họ vẫn còn ở xã cũ. Điều này kéo theo nhiều khó khăn cho người dân trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến hành chính… Khi ở đây xảy ra ẩu đả thì công an 2 xã Vĩnh Trung, Vĩnh Hiệp đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Vĩnh Hiệp thì cho rằng người của xã Vĩnh Trung thì để xã Vĩnh Trung giải quyết, trong khi xã Vĩnh Trung cho rằng sự việc xảy ra trên địa bàn Vĩnh Hiệp thì xã Vĩnh Hiệp giải quyết. “Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền về những bất cập này, nhưng không hiểu sao quyền lợi chính đáng của người dân vẫn không được giải quyết. Cũng chưa có một cuộc họp nào để thông báo cho dân biết là chúng tôi thuộc xã nào. Đợt Tết Trung thu vừa rồi, xã Vĩnh Trung phát quà cho các cháu nhưng riêng trẻ em ở khu TCĐ này không có, trong khi xã Vĩnh Hiệp cũng không quan tâm vì không thuộc khẩu của xã”, bà Bùi Thị Thi, người dân ở đây cho hay.

 

Người dân khu tái định cư Vĩnh Trung - Vĩnh Hiệp gặp rắc rối do người một nơi, khẩu một nẻo
Người dân khu tái định cư Vĩnh Trung - Vĩnh Hiệp gặp rắc rối do người một nơi, khẩu một nẻo


Theo ý kiến của người dân tại khu TĐC, do thuận tiện về địa lý hành chính cộng với thói quen trước đây nên họ mong muốn khu TĐC Vĩnh Trung - Vĩnh Hiệp giao hẳn cho xã Vĩnh Trung quản lý. Được biết, đầu năm 2016, UBND TP. Nha Trang đã tiến hành xác định lại ranh giới theo Chỉ thị 364 về giải quyết những tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính. Sau khi đo đạc, UBND xã Vĩnh Trung kiến nghị UBND TP. Nha Trang cắt khu TĐC Vĩnh Trung - Vĩnh Hiệp về cho xã Vĩnh Trung quản lý vì khu đất này chia cắt con sông với xã Vĩnh Hiệp. Tuy nhiên, lãnh đạo xã Vĩnh Hiệp lại không đồng ý.


Tháng 4-2015, hơn 200 hộ từ đồi Trại Thủy (phường Phương Sơn, TP. Nha Trang) đã chuyển về ở tại khu TĐC Đất Lành (xã Vĩnh Thái, TP. Nha Trang) cũng rơi vào tình trạng người ở một nơi, hộ khẩu một nẻo. “Sau khi nhận tiền bồi thường, người dân đã bốc thăm nhận đất và tiến hành xây dựng nhà cửa ổn định cuộc sống. Khu TĐC này được xây dựng bài bản với hệ thống hạ tầng khá tốt nên người dân rất phấn khởi. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là hộ khẩu người dân vẫn nằm ở phường Phương Sơn. Từ khu TĐC Đất Lành đến đồi Trại Thủy gần 5km nên việc đi lại làm giấy tờ khó khăn. Bên cạnh đó, con em đi lại học tập cũng khá vất vả”, ông Trương Quang Hoàng, người dân ở khu TĐC Đất Lành cho hay.

 

 Khu tái định cư Ruộng Dỡ Trong thưa thớt
Khu tái định cư Ruộng Dỡ Trong thưa thớt


Đã 2 năm chuyển về sinh sống tại khu TĐC đèo Cả (thôn Tây Bắc 2, xã Đại Lãnh) nhưng hiện nay hộ khẩu của gia đình ông Đặng Văn Bình vẫn ở nơi ở cũ là thôn Tây Nam 2. Ông Bình cho hay: “Chính vì nhà ở một nơi, hộ khẩu ở một nẻo nên mọi thủ tục, giấy tờ cần giải quyết mất nhiều thời gian. Đơn cử chuyện xin giấy tờ xác minh cho con đi học, tôi cũng phải chạy đi, chạy lại nhiều lần giữa nơi ở cũ và mới. Bởi trưởng thôn nơi ở cũ cho rằng, tôi đã chuyển đi nơi khác ở thì đến đó xác minh. Nhưng khi đem đơn đến trưởng thôn nơi ở mới thì họ lại nói tôi chưa chuyển khẩu về đây nên không thể xác nhận được. Chỉ có việc nhỏ ấy mà tôi như quả bóng bị đá đi, đá lại”.


Trong câu chuyện với người dân ở khu TĐC đèo Cả, chúng tôi được biết, nơi đây như trở thành một thế giới riêng. Toàn bộ rác thải sinh hoạt của các hộ không được thu gom nên kéo theo hệ quả xấu là ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, vì không được quản lý chặt chẽ nên tình trạng trộm cắp, mâu thuẫn thường xuyên xảy ra và không có ai đến giải quyết.


Còn bất cập, lúng túng


Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Đình Thú - Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh cho biết: “Vấn đề hộ khẩu, quản lý về mặt hành chính ở khu TĐC đèo Cả đang bộc lộ nhiều bất cập, gây nên sự lúng túng cho chính quyền cũng như khó khăn cho người dân. Đa số họ về đây ở nhưng hộ khẩu vẫn còn ở nơi ở cũ, nên vẫn được xem là thuộc quản lý của khu dân cư trước đây”. Cũng theo ông Thú, chỉ khi nào Ban quản lý dự án hầm đường bộ đèo Cả hoàn thiện cơ sở hạ tầng và các thủ tục bàn giao lại cho địa phương quản lý thì khi đó xã mới tiến hành làm thủ tục chuyển hộ khẩu về nơi ở mới cho người dân. Bên cạnh đó, sẽ tiến hành thu gom rác thải, thành lập tổ an ninh trật tự để giải quyết những vấn đề phát sinh trong khu TĐC. Còn hiện nay, rác thải, an ninh trật tự thì người dân tự xử lý, chỉ trừ những vấn đề lớn xã mới đứng ra giải quyết.

 

Người dân khu tái định cư đèo Cả đã nhiều lần kiến nghị về nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh nhưng chưa được giải quyết
Người dân khu tái định cư đèo Cả đã nhiều lần kiến nghị về nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh nhưng chưa được giải quyết


Trong khi đó, ông Phùng Xuân - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hiệp cho rằng: “Theo Luật Cư trú, người dân đến xã Vĩnh Hiệp định cư trong vòng 12 tháng phải thực hiện các thủ tục xin nhập khẩu. Tuy nhiên, đến nay, đa số hộ dân ở khu TĐC này vẫn còn hộ khẩu ở xã Vĩnh Trung. Tình trạng này dẫn đến một số bất cập trong công tác quản lý. Tuy nhiên, chúng tôi không thể ép buộc họ nhập khẩu về xã của mình”.


Ông Nguyễn Văn Danh - Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết: Không chỉ khu TĐC Vĩnh Trung - Vĩnh Hiệp, mà nhiều khu TĐC trên địa bàn thành phố cũng có tình trạng “người một nơi, khẩu một nẻo”. “Tôi đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn xây dựng quy chế phối hợp quản lý các khu TĐC trên địa bàn thành phố. Quy chế này đã xây dựng xong và thông qua một lần. Hiện nay, Phòng Tài nguyên - Môi trường đang gấp rút hoàn chỉnh dựa trên ý kiến đóng góp của các xã, phường để thành phố thông qua chính thức. Sau khi ban hành quy chế, các địa phương căn cứ vào đó để thực hiện việc quản lý và khắc phục tình trạng “người một nơi, khẩu một nẻo” như hiện nay”, ông Danh nói.


Trong nhiều lần đi kiểm tra việc thực hiện các khu tái định cư trên địa bàn tỉnh, đồng chí Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhắc đi nhắc lại rằng: Khi di dời người dân đến nơi ở mới thì điều kiện sống phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ. Đây là chủ trương xuyên suốt nhiều năm qua của lãnh đạo tỉnh. Tuy nhiên, thực tế vì những nguyên nhân chủ quan và khách quan mà các khu tái định cư hiện nay chưa thực sự đảm bảo đời sống cho người dân. Rất mong lãnh đạo tỉnh sớm có những chỉ đạo cụ thể, sát sao để người dân có thể yên tâm định cư.


 Nhóm PV

 

Kỳ 1: Nỗi lo hạ tầng

 

Kỳ 2: Khó chuyện sinh kế