12:11, 19/11/2016

Những người đưa đò ở Trường Sa

Nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Báo Khánh Hòa giới thiệu đến bạn đọc câu chuyện 2 thầy giáo trẻ sinh năm 1990 dạy học ở Trường Sa. Họ đã dành tuổi thanh xuân của mình để cống hiến cho sự nghiệp ươm mầm tri thức nơi biển đảo của Tổ quốc.

Nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Báo Khánh Hòa giới thiệu đến bạn đọc câu chuyện 2 thầy giáo trẻ sinh năm 1990 dạy học ở Trường Sa. Họ đã dành tuổi thanh xuân của mình để cống hiến cho sự nghiệp ươm mầm tri thức nơi biển đảo của Tổ quốc.


Góp sức trẻ


Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, thầy Lê Xuân Quyết, giáo viên Trường Tiểu học Song Tử Tây, xã Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa đã chứng kiến nhiều trẻ em có hoàn cảnh như mình không được cắp sách đến trường. Từ nhỏ, Quyết đã ước mơ trở thành một thầy giáo giỏi, mang cái chữ đến cho trẻ em nghèo. Tốt nghiệp Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang năm 2012 (nay là Trường Đại học Khánh Hòa), chàng trai quê gốc Thanh Hóa nhận công tác tại Trường Tiểu học Vạn Thọ 2, huyện Vạn Ninh. Tháng 3-2013, khi biết tin Sở Giáo dục và Đào tạo tuyển dụng giáo viên ra giảng dạy tại Trường Sa, thầy Quyết đã viết đơn tình nguyện xin ra đảo dạy học, lòng tràn đầy hăng hái và quyết tâm. Theo thầy, phải đi để trải nghiệm, đi bởi Trường Sa chính là nơi mình cần đến để cống hiến cho Tổ quốc một phần sức trẻ của mình.

 

Thầy Lê Xuân Quyết bên học sinh thân yêu
Thầy Lê Xuân Quyết bên học sinh thân yêu


Cho đến bây giờ, thầy Quyết vẫn chưa thể nào quên được cảm xúc của giờ phút cầm giấy báo trúng tuyển trên tay và bật khóc; càng không thể quên lần đầu tiên đặt chân lên vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc sau một hành trình trên biển kéo dài 14 ngày. Ngắm nhìn những cánh quạt năng lượng quay tròn, những cây phong ba hiên ngang vươn mình trong gió, trong lòng người thầy giáo trẻ dâng lên một cảm xúc thiêng liêng khó tả và rất đỗi tự hào. Tự hào về Tổ quốc tươi đẹp, tự hào vì được mang trong mình trách nhiệm ươm mầm tri thức cho những trẻ em nơi đầu sóng ngọn gió.


Thầy Quyết chia sẻ, những ngày đầu công tác, đảo không có trường riêng, lớp học chỉ là nhà tạm đơn sơ mượn của bộ đội. Những ngày nắng nóng, không có quạt điện, học sinh ngồi học mà áo đẫm mồ hôi. Nhiều đêm mất điện, thầy Quyết phải ngồi dưới ánh đèn đường hoặc thắp nến mỗi khi trời mưa để soạn giáo án và chấm bài cho học sinh. Cuối năm 2015, niềm vui đến với thầy và trò khi nhà trường được ngành Giáo dục TP. Hồ Chí Minh tài trợ xây dựng một ngôi trường mới khang trang, thoáng mát với nhiều trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập và sân chơi rộng rãi.

 

Thầy Lê Xuân Quyết bên các học sinh thân yêu. Ảnh do nhân vật cung cấp
Thầy Lê Xuân Quyết bên các học sinh thân yêu. Ảnh do nhân vật cung cấp


Hơn 3 năm gắn bó với biển đảo, một trong những điều mà thầy Quyết trăn trở nhất là: “Học trò nơi đảo xa không có điều kiện va chạm với cuộc sống nhộn nhịp như học sinh ở đất liền, nên nhận biết về thế giới quan và kỹ năng sống của các em còn hạn chế”. Vì vậy, thầy Quyết luôn cố gắng tạo nên những giờ học sinh động qua nhiều tranh ảnh, trò chơi mô phỏng để tạo hứng thú cho các em cũng như giúp các em mở mang hiểu biết. “Những món quà từ đất liền gửi ra, dù chỉ là một ổ bánh mì, hay hộp bút chì màu cũng rất quý đối với các em học sinh nơi đây. Dịp Trung thu năm ngoái, tôi cùng một giáo viên đã nghĩ ra cách tận dụng những sọt nhốt gia cầm rồi trang trí tạo thành đầu lân, dùng trống trường để khuấy động không khí. Người dân, thầy giáo, chiến sĩ trên đảo đã ngẫu hứng cùng vào vai nghệ sĩ biểu diễn những tiết mục vui nhộn, mang đến một Trung thu cho các bé tràn ngập tiếng cười. Những kỷ niệm đó tôi sẽ chẳng thể nào quên được”, thầy Quyết tâm sự.


Mong tiếp tục được cống hiến


Cùng tuổi đời với thầy Quyết, thầy Nguyễn Ngọc Hạ cũng đã có hơn 3 năm công tác ở Trường Tiểu học Sinh Tồn, xã Sinh Tồn, huyện Trường Sa. Sinh ra ở xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tuổi thơ của Hạ gắn liền với nắng, gió, với mùi mặn nồng của biển cả. “Từ nhỏ, vì thần tượng các thầy, cô giáo của mình, lại rất yêu trẻ con nên tôi đã chọn nghề giáo. Thời còn là sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, tôi đã mơ ước sau khi ra trường sẽ được mang tri thức, sức trẻ của mình đến với các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Khi nghe thông tin tuyển giáo viên ra công tác tại Trường Sa, tôi đã không ngần ngại viết đơn tình nguyện để thực hiện ước mơ đó”, thầy Hạ nhớ lại.

 

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Hạ (thứ 3 từ trái sang). Ảnh do nhân vật cung cấp
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Hạ (thứ 3 từ trái sang)


Điều tuyệt vời nhất mà thầy Hạ có được khi đến với Trường Sa là được gặp những công dân nhí của đảo, những cô cậu học trò vừa tinh nghịch, đáng yêu, vừa ngoan hiền, lễ phép, lại vừa có chút rắn rỏi, cứng cáp được luyện rèn từ môi trường biển đảo. Những ngày đầu, vì chưa quen với việc dạy lớp ghép có cả học sinh mầm non và tiểu học nên thầy Hạ không tránh khỏi bỡ ngỡ. Số lượng học sinh ít, nên việc tổ chức các hoạt động giáo dục cũng chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Chưa kể thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, thường xuyên gặp những cơn bão nên việc dạy và học cũng bị ảnh hưởng. Dù vậy, những khó khăn không làm người thầy giáo trẻ nản lòng, ngược lại, đó là động lực để thầy Hạ gắn bó nơi đảo xa với tâm niệm: “Các em nhỏ có thể xa đất liền, nhưng không bao giờ xa rời con chữ”.


Thầy Hạ cho biết, những năm qua, công tác giáo dục ở xã đảo luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền, cha mẹ học sinh, các tổ chức xã hội. Đầu năm 2014, được sự tài trợ của Quỹ học bổng Vừ A Dính, một trường tiểu học mới khang trang đã được khánh thành trên nền ngôi trường cũ. Đây không chỉ là niềm vui của thầy và trò, mà còn là niềm hạnh phúc chung của tất cả mọi người đang sinh sống ở đảo. Cùng với sự đồng lòng, quyết tâm của cả tập thể, các tổ chức chính trị, thầy và trò Trường Tiểu học Sinh Tồn đã gặt hái những thành tích đáng khích lệ. Tiêu biểu là em Nguyễn Trần Anh Luân, học sinh của trường đã nhận được học bổng từ Quỹ Vừ A Dính để chuyển về đất liền, tiếp tục học tập tại TP. Hồ Chí Minh.


Đối với thầy Hạ, hạnh phúc mà nghề đưa đò mang đến rất đỗi giản dị, nhưng không gì có thể đổi được.  Đó là niềm vui mỗi ngày được nghe tiếng trẻ thơ tập đọc ê a giữa muôn trùng sóng nước, hay chỉ là một bức tranh do học sinh vẽ chính thầy giáo của mình làm quà tặng nhân ngày 20-11. Khi khác, niềm vui lại là bó rau, con cá... những món quà tuy nhỏ nhưng chứa đựng những tình cảm chân thành mà phụ huynh, học sinh dành cho giáo viên. Người thầy giáo trẻ ấy đã viết những dòng xúc động gửi tới các học sinh của mình: “Tôi mong sẽ tiếp tục được cống hiến nhiều hơn cho Trường Sa. Bởi tôi yêu những nụ cười trong sáng, hồn nhiên của các em, yêu mảnh đất thiêng liêng nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc. Tôi mong, các em hãy như những mầm xanh, đâm chồi nảy lộc thể hiện sức sống mãnh liệt của Trường Sa, hiên ngang như cây phong ba, bão táp trước giông bão và dịu dàng dễ thương như đóa hoa bàng vuông nở rộ. Hãy nhớ một điều, lúc nào các thầy cũng bên cạnh để chắp cánh, đưa đò cho các con đến bến bờ tri thức mới”.


HOÀNG NGÂN - MẠNH HÙNG


 



Ông Bùi Đình Dương - Chủ tịch UBND huyện Trường Sa: Huyện Trường Sa hiện có 3 trường học ở thị trấn Trường Sa, xã đảo Song Tử Tây và xã đảo Sinh Tồn. Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, công tác giáo dục của huyện từng bước đi vào hoạt động có hệ thống hơn. Đội ngũ giáo viên gồm 6 người đều được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn, đồng thời cũng rất nhiệt tình, tâm huyết với công việc và học sinh. Tuy điều kiện dạy và học còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng các thầy đã làm hết khả năng của mình. Tôi rất thấu hiểu và đánh giá cao những hy sinh thời trai trẻ của các thầy. Vừa qua, thầy Lê Xuân Quyết và Nguyễn Ngọc Hạ vinh dự là 2 trong số 42 giáo viên vùng biển đảo của cả nước được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2016 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức.