12:06, 03/06/2016

Kỳ 3: Xây dựng đề án đẩy mạnh sử dụng vật liệu xây không nung

Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa, ông Lê Đức Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết đã giao Sở Xây dựng chủ trì thực hiện Đề án "Phát triển vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2016 - 2020". Mục đích đề án nhằm đẩy mạnh sử dụng vật liệu xây không nung, tiến tới chấm dứt tình trạng sản xuất gạch đất sét nung hiện nay. 
 

Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa, ông Lê Đức Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết đã giao Sở Xây dựng chủ trì thực hiện Đề án “Phát triển vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2016 - 2020”. Mục đích đề án nhằm đẩy mạnh sử dụng vật liệu xây không nung, tiến tới chấm dứt tình trạng sản xuất gạch đất sét nung hiện nay. 
 
- Xin ông cho biết hiện trạng sử dụng vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh hiện nay?
 
- Trên địa bàn tỉnh hiện có 16 cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung đang hoạt động. Ngoài ra, một số cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, hoạt động mang tính tự phát. Các doanh nghiệp (DN) trên chủ yếu sản xuất sản phẩm gạch xi măng - cốt liệu (gạch block), kết hợp sản xuất gạch Terrazzo. Theo quy định của Bộ Xây dựng, kể từ năm 2016, các công trình sử dụng vốn Nhà nước phải sử dụng toàn bộ gạch xây không nung (trừ các cấu kiện đặc biệt), và các công trình sử dụng nguồn vốn khác từ 9 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung loại nhẹ. Qua báo cáo tổng hợp của Sở Xây dựng, hầu hết các công trình sử dụng vốn ngân sách đều chấp hành tốt Thông tư 09 của Bộ Xây dựng về áp dụng vật liệu xây không nung. Hiện nay, tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung tại các công trình giáo dục đạt 76%; công trình y tế đạt 68,8%; các công trình sử dụng các nguồn vốn khác trên 9 tầng, nhà ở gia đình, do chủ đầu tư tự thực hiện chưa có số liệu thống kê, báo cáo chính thức nhưng cũng đã bắt đầu sử dụng vật liệu xây không nung.
 
- Hiện nay, có nhiều DN sản xuất vật liệu xây không nung bước đầu đã tìm được thị trường nhưng cũng có DN gặp khó khăn, thậm chí phải chuyển đổi ngành nghề. Theo ông nguyên nhân vì sao, giải pháp cụ thể trong thời gian tới như thế nào?
 
- Hiện nay, thị trường Khánh Hòa đang có nhu cầu cao về vật liệu xây không nung, sản phẩm của các DN sản xuất đều được tiêu thụ theo nhu cầu của thị trường, chủ yếu sử dụng gạch xi măng cốt liệu. Các DN đã đầu tư dây chuyền công nghệ mới để sản xuất gạch đạt tiêu chuẩn, tuân thủ các quy định của Nhà nước về hợp chuẩn, hợp quy, sản phẩm đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, bên cạnh những DN hoạt động có hiệu quả trong lĩnh vực này, vẫn còn một số DN khác gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. 
 
Dự án Nhà khách T78 là công trình nhà nước, bắt buộc sử dụng vật liệu xây không nung.
Dự án Nhà khách T78 là công trình nhà nước, bắt buộc sử dụng vật liệu xây không nung.
 
Theo tôi, nguyên nhân chủ yếu do nhận thức của các nhà đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu về sử dụng vật liệu xây không nung còn hạn chế, còn thói quen sử dụng gạch nung truyền thống. Một số DN đầu tư dây chuyền công nghệ trình độ trung bình, thiếu đồng bộ, công nhân kỹ thuật chưa được đào tạo bài bản. Các nhà máy phải vừa sản xuất vừa điều chỉnh, khắc phục hạn chế nên sản phẩm làm ra với giá thành tăng, khó cạnh tranh. Sản phẩm sản xuất không đạt chất lượng, chất lượng không đồng đều vẫn đưa ra thị trường tiêu thụ đã tác động tiêu cực đến vật liệu xây không nung. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ chuyển đổi từ sản xuất gạch đất sét nung sang gạch không nung, tiến tới chấm dứt hoạt động các lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh chậm hoàn thành, ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ gạch không nung.
 
Để khắc phục tình trạng trên, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp chính về cơ chế chính sách, về khoa học công nghệ và thông tin tuyên truyền. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố lập Đề án Phát triển vật liệu không nung trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, trong đó phải cụ thể hóa các cơ chế chính sách, các nhóm giải pháp về công nghệ, hỗ trợ DN, các ưu đãi về thuế, vốn, đất đai… để DN yên tâm đầu tư phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, phải thực hiện công bố đơn giá xây dựng công trình tỉnh Khánh Hòa; tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 22 ngày 23-12-2013 của UBND tỉnh về lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến và lò đứng liên tục trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, DN, các cấp quản lý về tầm quan trọng khi sử dụng vật liệu xây không nung thông qua các hội thảo, hội nghị, trên các phương tiện thông tin truyền thông của tỉnh…
 
- Mặc dù tỉnh có chủ trương không phát triển, tiến tới chấm dứt hoạt động các lò gạch nung ở xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa, nhưng nhiều năm nay vẫn chưa thực hiện được. Xin ông cho biết nguyên nhân vì sao? Thời gian tới, lãnh đạo tỉnh sẽ xử lý vấn đề này như thế nào?
 
- Thực hiện Quyết định 567 ngày 28-4-2010 về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 và Chỉ thị số 10 ngày 16-4-2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 22 ngày 23-12-2013 về lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến và lò đứng liên tục. 
 
Theo đó, các cơ sở sản xuất gạch thủ công trên địa bàn thị xã Ninh Hòa không thuộc đối tượng cơ sở gây ô nhiễm phải di dời theo đề án được UBND tỉnh duyệt, mà phải thực hiện chấm dứt hoạt động hoặc chuyển đổi công nghệ sản xuất sang gạch không nung. Điều này ảnh hưởng đến lộ trình chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công do các hộ sản xuất gặp khó khăn về kinh phí khi chuyển đổi hoạt động. Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND thị xã Ninh Hòa nghiên cứu, tham mưu các chính sách hỗ trợ phù hợp, bảo đảm chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công theo lộ trình của Chính phủ.
 
- Xin ông cho biết định hướng của tỉnh trong việc phát triển vật liệu xây không nung hiện nay?
 
- UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng làm chủ đầu tư lập Điều chỉnh Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, dự kiến quy hoạch hoàn thành trong năm 2016. Đây là cơ sở để các sở, ngành và địa phương tổ chức quản lý, lập kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng và vật liệu xây không nung theo mục tiêu quy hoạch và điều kiện thực tế của địa phương. Sở Xây dựng còn được giao chủ trì lập Đề án “Phát triển vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2016 - 2020” nhằm phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh, phù hợp với quy hoạch. 
 
Bên cạnh đó, hiện nay UBND tỉnh đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành về chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa năm 2016. Mục đích để rà soát, đánh giá việc chấp hành quy định pháp luật của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn các đơn vị chấp hành đúng quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; chấn chỉnh các sai sót, kiến nghị xử lý đối với các đơn vị có hành vi vi phạm trong quá trình hoạt động liên quan đến lĩnh vực vật liệu xây dựng. 
 
- Xin cảm ơn ông!
 
NHẬT THANH (Thực hiện)