02:09, 04/09/2013

Trả lại vẻ đẹp cho bãi biển Nha Trang

Bãi biển Nha Trang thơ mộng, xinh đẹp, là linh hồn, là thương hiệu của TP. Nha Trang. Thời gian gần đây, dọc theo công viên biển tình trạng buôn bán hàng rong lại tái  diễn khiến vẻ đẹp của bãi biển phần nào bị phai mờ. Trả lại vẻ đẹp cho bãi biển Nha Trang là mong muốn của người dân và du khách …

Bãi biển Nha Trang thơ mộng, xinh đẹp, là linh hồn, là thương hiệu của TP. Nha Trang. Thời gian gần đây, dọc theo công viên biển tình trạng buôn bán hàng rong lại tái  diễn khiến vẻ đẹp của bãi biển phần nào bị phai mờ. Trả lại vẻ đẹp cho bãi biển Nha Trang là mong muốn của người dân và du khách …


“Nhà hàng hải sản di động” trên bãi biển


Chiều về, gió biển thổi vào lồng lộng, hòa quyện với  tiếng sóng rì rào, biển Nha Trang là địa điểm lý tưởng để hàng ngàn người dân, du khách vui chơi, ngắm cảnh, tập thể dục... Tuy nhiên, đây cũng là lúc bãi biển xuất hiện nhiều gánh hàng hải sản di động nhếch nhác làm ô nhiễm không gian trong lành của biển. Vừa bước chân vào công viên biển đoạn đối diện với đường Tuệ Tĩnh, chúng tôi được 2, 3 nữ “đầu bếp” vây lấy, mời chào: “Anh ơi, xuống bãi cát ngắm biển, nhậu đi anh. Chúng em có nhiều loại hải sản, bia rượu phục vụ tại chỗ với giá bình dân…”. Thấy chúng tôi chần chừ, một phụ nữ nước da ngăm đen, trạc 35 tuổi vừa níu kéo vừa chỉ về hướng bãi biển: “Bếp em ở đằng kia, ai bán cũng như nhau, mua giúp em. Nếu không mua hải sản nhậu thì tụi em cho thuê bạt, chỉ cần 20.000 đồng là ngồi vui chơi thoải mái”.

 

Những cửa hàng hải sản bán công khai trên bãi biển.
Những cửa hàng hải sản bán công khai trên bãi biển.


Tại bãi cát sau Công viên Phù Đổng có 4 - 5 gánh hàng hải sản được bày biện như những gian hàng san sát nhau. Mỗi “gian hàng” ở đây gồm có: Thùng đá, thùng đựng hải sản cùng cả chục thùng sơn làm bệ kê, phía trên bày các loại hải sản như: Tôm, mực, cá, ốc, sò… kèm theo là bếp than hồng nghi ngút khói. Mỗi “gian hàng” có từ 4 đến 5 người phục vụ. Người dắt khách, người nướng, người chạy đưa bia, đưa mồi như con thoi. Ở đây, tuy nhiều thực khách đã có người “dắt tay” nhưng chủ các “gian hàng” khác cũng không ngừng mời chào, giành giật khách. Điều này gây nên cảnh chèo kéo ồn ào cả một đoạn bãi biển. Các loại hải sản bày bán thoạt nhìn khá hấp dẫn, nhưng xem kỹ thì không còn tươi, trước khi chế biến, người bán lại chỉ nhúng rửa sơ sài qua thùng nước đen ngòm (do nước được sử dụng quá nhiều lần). “Hải sản thế này thì khó đảm bảo chất lượng, ăn coi chừng đau bụng” - một du khách khách đang chọn hàng nói với vẻ e ngại.

 

Ông Ngô Khắc Thinh - Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang: 4 nhà vệ sinh thông minh được ngân sách đầu tư hàng trăm triệu đồng đặt dọc bãi biển nhưng chưa hẳn “thông minh” khi khách không có tiền xu để sử dụng. Hơn nữa, khi khách sử dụng cũng hay bị trục trặc nên dẫn đến nhiều chuyện “dở khóc, dở cười”. Về bãi giữ xe, dọc biển có 12 bãi có thu phí, 9 bãi người dân tự giữ. Thực tế, đã có tình trạng giữ xe trái ranh giới quy định tại các bãi này và thu phí quá mức quy định, không thực hiện niêm yết công khai giá dịch vụ, dẫn đến việc thường xuyên xảy ra cãi cọ giữa khách gửi xe với các chủ giữ xe.

Nhiều đoạn bãi biển khác tại TP. Nha Trang cũng trong tình cảnh tương tự. Đến 19 giờ, các quầy hàng di động đã đầy khách, bạt trải đầy bãi cát. Thực khách ăn nhậu tiện tay đã vứt vỏ đồ uống, vỏ hải sản ra bãi cát gây nên tình trạng bừa bộn, rất mất mỹ quan. Nhiều người còn “giải quyết” nhu cầu cá nhân ngay trên bãi cát, gây khó chịu cho những người ra biển thư giãn. “Bãi biển Nha Trang đã thành “nhà hàng hải sản” di động mất rồi” - ông Nguyễn Văn Hương (phường Lộc Thọ) ngao ngán nhận xét. Ông Ngô Khắc Thinh - Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang thừa nhận, việc bán hàng rong trên bãi biển Nha Trang đang diễn ra khá phức tạp. Thời gian qua, tuy các cơ quan chức năng đã rất nỗ lực nhưng tình trạng này vẫn chưa được xử lý đến nơi đến chốn.


 Tiềm ẩn nhiều nguy cơ


Tình trạng bán hàng rong trên bãi biển nếu không chấn chỉnh việc kịp thời sẽ dẫn đến mất vệ sinh bãi biển, mất an toàn vệ sinh thực phẩm vì không thể kiểm tra, kiểm soát. Đó là chưa kể đến tình trạng chèo kéo, tranh giành khách lẫn nhau trên bãi biển… Việc này sẽ làm ảnh hưởng tới văn minh đô thị và hình ảnh của TP. Nha Trang.

 

Dù cắm quá dày che khuất tầm nhìn.
Dù cắm quá dày che khuất tầm nhìn.


Ngoài ra, đi dọc công viên bờ biển, nhiều người không khỏi bức xúc khi có nhiều đoạn bãi biển bị các doanh nghiệp đặt dù, ghế dày đặc, san sát nhau, gây cản tầm nhìn. Nhiều đoạn dù cố định bằng tranh, lá dừa nước cũ kỹ xen lẫn với dù di động màu trắng tạo nên một hình ảnh không đẹp mắt. Ông Nguyễn Văn Hương (đường Lê Hồng Phong, phường Phước Hòa) bức xúc: “Bãi biển Nha Trang rất đẹp; thế nhưng, người ta lại đặt dù san sát, không những che hết tầm nhìn của người đi ngắm biển mà còn làm xấu đi hình ảnh bãi biển”. Ông Ngô Khắc Thinh cho biết: “Trong quy định, khoảng cách 2 dù tối thiểu là 5m; nhưng qua kiểm tra đã phát hiện nhiều doanh nghiệp kê dù với khoảng cách chỉ 2,5m nên thấy dù dày đặc”.

 

Nhiều tấm bạc trải sẵn trên bãi biển để phục vụ du khách gây mất vẻ đẹp của bãi biển.
Nhiều tấm bạc trải sẵn trên bãi biển để phục vụ du khách gây mất vẻ đẹp của bãi biển.


Bà Phan Thị Thanh Trúc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết, trong quan điểm phát triển và định hướng khai thác du lịch đều xác định, bờ biển dọc đường Trần Phú là bãi biển chung, phục vụ công cộng là chính. Tuy nhiên, cũng có một số khu vực nhất định với tỷ lệ phù hợp để phục vụ các nhu cầu chính đáng của du khách. Quan điểm du lịch là làm sao để phục vụ du khách càng nhiều càng tốt, nhưng đằng sau đó còn cảnh quan, mỹ quan và chất lượng dịch vụ. Vì vậy, tổng thể trên bờ biển không nên “nén” quá nhiều dịch vụ. Trên bãi biển, cho phép cắm dù để du khách ngắm cảnh, tắm nắng. Tuy nhiên, cần có tỷ lệ phù hợp để vừa đảm bảo cảnh quan, vừa phục vụ được nhu cầu của du khách. Thực tế vừa qua, dù được cắm quá dày nên không đẹp mắt và không đồng bộ. Vừa rồi, UBND tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt, sẽ có quy hoạch cụ thể, giảm dần mật độ.

 

Bà Phan Thị Thanh Trúc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch: Từ góc nhìn du lịch, nhà vệ sinh là một nhu cầu thiết yếu của du khách và người dân. Nhà vệ sinh phục vụ kém, du khách sẽ đánh giá thấp về thành phố du lịch. Ở các thành phố du lịch phát triển, nhà vệ sinh rất  sạch sẽ, đẹp, văn minh.

Một điều nữa cũng khiến nhiều du khách phiền lòng, đó là việc thiếu nhà vệ sinh. Chị Nguyễn Thị Hòa, xã Vĩnh Trung kể: Chị cùng gia đình thường xuyên xuống bãi biển chơi nhưng không dám ở lâu, vì chuyện đi vệ sinh đã từng là nỗi ám ảnh của cả gia đình chị. Đợt đó, cả nhà phải nháo nhào chạy đi kiếm nhà vệ sinh vì đứa con 10 tuổi của chị bị đau bụng. Thế nhưng, tìm mãi không hề có biển chỉ dẫn vị trí nhà vệ sinh gần nhất. Khi tìm được nhà vệ sinh trong một công viên gần đó thì nhà vệ sinh đã bị khóa cửa. Đã vậy, nhân viên giữ xe còn đòi thu 5.000 đồng, trong khi xe máy cả nhà tự giữ lấy…

 

Nhà vệ sinh thông minh không còn “thông minh”.
Nhà vệ sinh thông minh không còn “thông minh”.


Sẽ lập lại trật tự?

 

Ông Phùng Sâm - Đội trưởng Đội Thanh niên xung kích TP. Nha Trang: Trên bãi biển Nha Trang có tình trạng “bảo kê” cho các đối tượng bán hàng dọc bãi biển, đã khiến tình hình ngày càng phức tạp và không thể xử lý triệt để. Do bờ biển kéo dài nên khi lực lượng Thanh niên xung kích đi khỏi, các đối tượng bán hàng rong lại xuất hiện. Khi lực lượng tiến hành lập biên bản xử lý, những đối tượng đã có hành vi chống trả quyết liệt, thậm chí đánh lại lực lượng chức năng. Mới đây nhất, ngày 31-8, các đối tượng này đã làm 2 người của Đội Thanh niên xung kích bị trọng thương.

Do vị trí, tầm quan trọng của bãi biển đường Trần Phú nên khu vực này luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo rất sâu sát của lãnh đạo tỉnh cũng như TP. Nha Trang. UBND TP. Nha Trang đã chỉ đạo phải chấm dứt tình trạng bán hàng rong, chèo kéo du khách ở bãi biển. Theo đó, Phòng Quản lý đô thị sẽ tổ chức lực lượng kiểm tra, xử lý và báo cáo thành phố. Mặt khác, UBND TP. Nha Trang đã yêu cầu Đội Thanh niên xung kích làm việc với đơn vị khai thác các nhà vệ sinh thông minh bố trí người trực để đổi từ tiền giấy sang tiền xu. Thời gian qua, để lập lại trật tự, TP. Nha Trang đã xử phạt 7 trường hợp đặt dù quá dày, vượt quá khu vực quy định; xử phạt 3 trường hợp giữ xe thu quá mức quy định. Đội Thanh niên xung kích đã chấm dứt hợp đồng đối với bãi giữ xe gần quán bar Sailing Club vì nâng giá. UBND TP. Nha Trang cũng đã đề xuất UBND tỉnh trong năm 2014 sẽ không cho phát sinh thêm số lượng dù cố định đối với các đơn vị cũ và đơn vị xin cấp mới; chỉ xem xét, giải quyết việc sử dụng bãi biển để tổ chức hoạt động đặt dù, ghế nằm đối với khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao trở lên thay vì 3 sao như hiện nay. Để khắc phục các dù cố định bị hư hỏng, mục nát, che khuất tầm nhìn, diện tích chiếm dụng lớn và khó khăn khi dọn vệ sinh, từ năm 2015, mỗi năm, các đơn vị phải giảm 20% số lượng dù cố định và thay thế bằng dù di động.


Đối với nhà vệ sinh, ông Phùng Sâm - Đội trưởng Đội Thanh niên xung kích TP. Nha Trang cho biết: “Hiện nay, các điểm nhà vệ sinh sử dụng tiền xu đã giao cho Công ty PE quản lý, khai thác và bảo trì. Qua kiểm tra cho thấy, những điểm nhà vệ sinh này thường xuyên bị hỏng hóc nên việc đáp ứng nhu cầu của người dân còn hạn chế”.     Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đã đề nghị UBND tỉnh cho thí điểm xây dựng một khu nhà vệ sinh chất lượng cao tại công viên bờ biển đường Trần Phú. “Nhà vệ sinh mà chúng tôi muốn xây dựng có chất lượng cao tương xứng với vẻ đẹp nơi đây, nhằm đưa thêm dịch vụ để phục vụ nhân dân tốt hơn. Bãi biển Nha Trang có hạn, trong khi đó, nhu cầu của người dân ngày càng lớn, vì vậy phải sắp xếp, bố trí để làm sao các dịch vụ ngày càng tốt hơn” - bà Trúc cho biết.


L.K - T.L