06:08, 31/08/2013

Sức sống của một vùng căn cứ cách mạng

Giống như những vùng đất cách mạng khác trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, 38 năm sau ngày giải phóng, vùng căn cứ cách mạng Hòn Dữ (xã Khánh Đông, huyện Khánh Vĩnh) đang từng bước chuyển mình, đẩy lùi đói nghèo và ngày càng khởi sắc.

Giống như những vùng đất cách mạng khác trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, 38 năm sau ngày giải phóng, vùng căn cứ cách mạng (CCCM) Hòn Dữ (xã Khánh Đông, huyện Khánh Vĩnh) đang từng bước chuyển mình, đẩy lùi đói nghèo và ngày càng khởi sắc.

 

4911
Trụ sở UBND xã Khánh Đông được xây dựng khang trang, sạch đẹp.


 

Gặp người dân công năm ấy

 

1783
Ông Cao Rai kể về quãng thời gian hoạt động cách mạng tại căn cứ cách mạng Hòn Dữ.


“Ở đây không ai rành về Hòn Dữ bằng ông già Cao Rai” - một người dân địa phương nói thế khi chúng tôi hỏi thăm về những người đã từng tham gia hoạt động cách mạng tại Hòn Dữ. Để gặp được ông, chúng tôi phải mất gần 2 giờ vất vả, đi xuyên qua 3 con suối tới căn chòi lá của gia đình ông nằm vắt vẻo trên sườn núi. Ông Nguyễn Xuân Long - Phó Chủ tịch HĐND xã Khánh Đông, người dẫn đường cho chúng tôi kể: “Sinh ra và lớn lên tại thôn Suối Thơm (khu vực Hòn Dữ), vợ chồng ông Cao Rai đều tham gia hoạt động cách mạng từ thời còn thanh niên. Giờ đây, tuy đã già nhưng họ vẫn bám núi, bám rừng để làm kinh tế”.

 

4901
Ông Cao Rai (thứ 2 từ trái qua) chỉ cho con cháu biết về địa điểm căn cứ cách mạng Hòn Dữ.


Vừa leo đến căn chòi lá, chưa kịp thở lấy hơi, chúng tôi đã bắt gặp niềm vui khi nhà có khách trên khuôn mặt ông Cao Rai. “Người dưới tỉnh leo núi mệt lắm phải không, nhưng không khổ, không mệt bằng hồi trước chúng tôi làm cách mạng đâu” - ông nói. Bên vạt bắp vừa mới thu hoạch, ông Cao Rai kể cho chúng tôi nghe về quãng thời gian ông bà làm cách mạng: “Tôi không nhớ rõ năm sinh của mình nên cũng không biết là đi theo Bác Hồ, theo cách mạng từ năm bao nhiêu tuổi. Chỉ biết lúc đó, đôi chân còn mạnh, đôi vai còn chắc nên mỗi đêm vẫn gùi trên lưng hàng chục ký lương thực, súng, đạn từ đồng bằng lên căn cứ”. Ông Cao Rai hoạt động tại CCCM Hòn Dữ trong 5 năm. Lúc đó, ông là một dân công vận chuyển lương thực, vũ khí từ các xã đồng bằng của huyện Diên Khánh lên CCCM Hòn Dữ. Cũng có những thời điểm, ông làm nhiệm vụ cứu thương cho bộ đội. “Chúng tôi thường đi thành từng đội khoảng 20 - 30 người. Từ 4 giờ chiều hàng ngày, cơm nước xong là cả đội xuất phát đi xuống đồng bằng. Dù trời mưa, chúng tôi cũng mò mẫm đi trong rừng, người này nối gót người kia trong im lặng. Chỉ có những ám hiệu như tiếng chim cú, ánh sáng chớp chớp của bật lửa làm tín hiệu liên lạc. Vào những đêm rằm, trăng sáng, sợ bị địch phát hiện nên đội được nghỉ”. Sau 5 năm hoạt động tại căn cứ, ông trở về thôn tiếp tục hoạt động cách mạng. Ông vẫn tham gia vận chuyển vũ khí, canh gác và cùng người dân trong thôn vót chông bố phòng.


Quãng thời gian hoạt động cách mạng của bà Cao Thị Vân (vợ ông Cao Rai) gắn liền với con đường 301 nối từ chiến khu Hòn Hèo (Ninh Hòa) lên Hòn Dữ. Hồi đó, bà là bộ đội địa phương có nhiệm vụ dẫn đường cho lực lượng vũ trang. Bà Vân nhớ lại: “Khi được cán bộ phát cho khẩu súng AK và giao nhiệm vụ, tôi vừa mừng vừa lo. Có lần, địch cho máy bay càn quét gần tuần lễ nhưng tôi vẫn hoàn thành nhiệm vụ mà không bị địch phát hiện. Bộ đội đi đến đâu phải lấy lá cây lấp dấu vết đến đó; ban ngày không được hút thuốc vì sợ có mùi sẽ bị lộ”.


Căn cứ cách mạng quan trọng

 

4906
Bia căn cứ cách mạng Hòn Dữ tại thôn Suối Thơm, xã Khánh Đông.


CCCM Hòn Dữ nằm trên một địa bàn khá rộng thuộc miền núi cao, nơi giáp ranh giữa huyện Khánh Vĩnh, Diên Khánh và thị xã Ninh Hòa. Tuy nhiên, khu vực quan trọng, tập trung nhiều cơ quan chỉ huy được phân bố chủ yếu tại địa phận thôn Suối Thơm, xã Khánh Đông. CCCM Hòn Dữ nằm trên một quần thể núi trùng điệp với nhiều đỉnh núi cao lớn như: Hòn Dữ, Hòn Bà (hay còn gọi là Hòn Lớn), Đá Treo… Đây là khu rừng già nguyên sinh, có nhiều gộp đá rộng rãi, có nguồn nước tự nhiên xung quanh các sườn núi. Dưới chân núi có nhiều khu đất rộng, bằng phẳng để lập các trại sản xuất lương thực, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hòn Dữ còn nằm trên tuyến đường giao thông chiến lược quan trọng của liên khu V và Trung ương. Cùng với vùng núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa), Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận), phía Đông Bắc Lâm Đồng, Đắk Lắk, CCCM Hòn Dữ tạo thành một quần thể liên hoàn vùng chiến khu kháng chiến của khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Từ Hòn Dữ cũng dễ dàng liên lạc với các vùng dân cư đông đúc của Khánh Hòa như: Ninh Hòa, Diên Khánh. Vì vậy, CCCM Hòn Dữ đã được hình thành từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp và trở thành nơi tập trung quan trọng của lực lượng cách mạng. Nhiều cuộc họp quan trọng của cơ quan Tỉnh ủy Khánh Hòa, Huyện ủy Diên Khánh lúc bấy giờ đã được tổ chức tại đây.

Tháng 1-2013, UBND tỉnh quyết định xếp hạng CCCM Hòn Dữ là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Khu vực bảo vệ di tích được xác định theo biên bản và bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa.


Đến cuối năm 1962, lực lượng quân sự của tỉnh đã phát triển mạnh gồm: Tiểu đoàn Sông Lô, Đại đội người dân tộc 548, đội đặc công, trung đội trinh sát, đội công binh… Địch cũng nhận thấy vị trí quan trọng của miền núi với phong trào cách mạng ở Khánh Hòa, vì vậy chúng cho máy bay thường xuyên oanh tạc, đánh phá núi rừng Khánh Vĩnh, phá các chính sách kháng chiến của ta. Đáng chú ý là vào tháng 6-1963, địch mở cuộc càn quét với quy mô lớn mang tên “Chiến dịch Thiềm đầu thủy” nhằm đánh tan các cơ quan đầu não của tỉnh. Theo tài liệu của Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh, trong trận này, địch đã huy động 2 trung đoàn chủ lực và 3 tiểu đoàn tăng cường với hơn 2.600 quân, 23 máy bay trực thăng cùng máy bay trinh sát, đại đội trọng pháo 105 ly. Dựa vào thế núi hiểm trở, lực lượng du kích, bộ đội chủ lực và quân dân các huyện miền núi đã chiến đấu dũng cảm, đương đầu với máy bay, đạn pháo tối tân của địch. Lực lượng cách mạng đã làm cho địch bị tổn thất nặng nề và buộc phải rút lui vào tháng 8-1963. Vào những năm 1966 - 1969, lực lượng cách mạng của ta tiếp tục đương đầu với nhiều trận càn quét lớn của địch và đều thu được thắng lợi vẻ vang. Cũng trong thời gian này, phong trào sản xuất ở căn cứ phát triển mạnh mẽ. Ông Nguyễn Văn Hiển, nguyên cán bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Diên Khánh trong những năm 1973 - 1975 chia sẻ: “Bên cạnh nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ chính trị, cán bộ, chiến sĩ của lực lượng vũ trang, các cơ quan, đoàn thể đóng tại CCCM Hòn Dữ đã cùng đồng bào dân tộc thiếu số tăng gia sản xuất để phục vụ kháng chiến.


 Cán bộ vừa vận động, giác ngộ quần chúng theo Đảng, theo cách mạng, vừa hướng dẫn, giúp đỡ quần chúng sản xuất; còn quần chúng nhân dân thì ra sức bảo vệ, nuôi giấu cán bộ và tích cực sản xuất”. Ngoài ra, các lớp bổ túc văn hóa, xóa mù chữ cho cán bộ, người dân cũng được mở. CCCM Hòn Dữ đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho phong trào cách mạng chung của tỉnh, góp phần vào thắng lợi của cả nước vào mùa xuân năm 1975.


Khánh Đông đổi mới

 

4952
Trường Tiểu học xã Khánh Đông được xây dựng kiên cố.


Khi chiến tranh lùi xa, những người dân xã Khánh Đông đã bắt tay vào tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống. Được Đảng và Nhà nước hỗ trợ đất đai, xây dựng nhà cửa kiên cố, đồng bào dân tộc thiểu số đã quen dần với việc định canh định cư để tập trung sản xuất. Đây được xem là cách duy nhất để đẩy lùi cái nghèo đã bám lấy người dân nhiều năm qua. Minh chứng cho những đổi thay của vùng đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở căn cứ Hòn Dữ là tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm. Bà Tô Thị Thanh Tâm - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Đông cho biết: “Hiện nay, mô hình sản xuất trồng keo lai giâm hom kết hợp với chăn nuôi gia súc đang được người dân triển khai có hiệu quả. Nhờ vậy, số hộ nghèo giảm rõ rệt, từ 176 hộ năm 2011 (chiếm 18,5% dân số) giảm còn 86 hộ năm 2012 (chiếm 11,5%). Thu nhập bình quân đầu người đạt 9,5 triệu đồng/năm”.

 

2696
Những gộp đá rộng trong căn cứ cách mạng Hòn Dữ


Đến với CCCM Hòn Dữ vào thời điểm này, chúng tôi nhận thấy không khí và sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và người dân trong xây dựng nông thôn mới. Lãnh đạo địa phương luôn chú trọng việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết, vận động nhân dân tham gia thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, bộ mặt của xã có nhiều thay đổi. Những con đường bê tông trải dài từ trung tâm xã đến các thôn: Suối Thơm, Suối Cau, Suối Sâu, Suối Ốc; trụ sở UBND xã được xây dựng khang trang, sạch đẹp; trường học chống lũ được đầu tư kiên cố… Hơn 98% hộ dân ở xã Khánh Đông đã dùng điện chiếu sáng, 84% hộ dân dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Các công trình xây dựng cơ bản đã góp phần phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Bằng nội lực của địa phương, đến nay, xã Khánh Đông đã hoàn thành được 8/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, công tác vận động trẻ ra lớp đúng tuổi, phổ cập giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm. Xã có 3 điểm trường tiểu học và 4 điểm trường mẫu giáo. Năm học 2012 - 2013, tổng số học sinh gần 299 em, trong đó có 36,1% học sinh khá giỏi.

 

1
Thượng nguồn Suối Thơm trên núi Hòn Dữ


38 năm sau ngày giải phóng, CCCM Hòn Dữ đang từng bước đổi thay, chuyển mình. Hình ảnh căn cứ địa oanh liệt năm xưa giờ đã được lấp đầy bằng những cánh rừng keo xanh bạt ngàn. Cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện, ổn định.

 

MẠNH HÙNG - HOÀNG DUNG