11:06, 17/06/2013

Trách nhiệm của chủ doanh nghiệp đối với người lao động bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp

Cháu tôi làm công nhân cho một doanh nghiệp tư nhân. Vừa rồi, cháu bị tai nạn lao động rất nặng phải đi cấp cứu nhưng phía Công ty không hề quan tâm, chăm sóc. Thậm chí, giám đốc còn nói, nếu sức khỏe cháu tôi không đảm bảo thì sẽ hủy hợp đồng, mọi chi phí do bảo hiểm trả. Thế nhưng, tôi biết doanh nghiệp này không đóng bảo hiểm cho cháu tôi. Xin hỏi pháp luật quy định về việc này thế nào?

- Hỏi: Cháu tôi làm công nhân cho một doanh nghiệp tư nhân. Vừa rồi, cháu bị tai nạn lao động (TNLĐ) rất nặng phải đi cấp cứu nhưng phía Công ty không hề quan tâm, chăm sóc. Thậm chí, giám đốc còn nói, nếu sức khỏe cháu tôi không đảm bảo thì sẽ hủy hợp đồng, mọi chi phí do bảo hiểm trả. Thế nhưng, tôi biết doanh nghiệp này không đóng bảo hiểm cho cháu tôi. Xin hỏi pháp luật quy định về việc này thế nào?


Trần Văn Quang (Nha Trang)


- Trả lời: Theo quy định của Bộ Luật Dân sự cũng như hướng dẫn của Nghị định 44/2013/NĐ-CP ngày 10-5-2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về hợp đồng lao động (HĐLĐ) (có hiệu lực từ 1-7-2013), người lao động (NLĐ) bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp mà có tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc thì người sử dụng lao động (NSDLĐ) và tổ chức BHXH có trách nhiệm giải quyết các chế độ cho NLĐ theo quy định của pháp luật.


Trong trường hợp NSDLĐ không tham gia BHXH bắt buộc, BHYT bắt buộc cho NLĐ, NSDLĐ đó có trách nhiệm:


a) Thanh toán chi phí từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với NLĐ. Cụ thể là thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả đối với NLĐ tham gia BHYT và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với NLĐ không tham gia BHYT.


b) Trả đủ tiền lương theo HĐLĐ cho NLĐ bị TNLĐ hoặc bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị;


c) Bồi thường hoặc trợ cấp cho NLĐ theo quy định sau: NLĐ bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của NLĐ và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được NSDLĐ bồi thường với mức như sau:
- Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo HĐLĐ nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;


- Ít nhất 30 tháng tiền lương theo HĐLĐ cho NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân NLĐ bị chết do TNLĐ.


Trường hợp do lỗi của NLĐ thì NLĐ cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định trên.


NSDLĐ không được đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ bị TNLĐ, BNN trong thời gian điều trị, trừ trường hợp NLĐ bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo HĐLĐ không xác định thời hạn, đã điều trị 6 tháng liên tục đối với NLĐ làm theo HĐLĐ xác định thời hạn và quá nửa thời hạn HĐLĐ đối với người làm theo HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.


Luật gia MINH HƯƠNG