11:06, 17/06/2013

Một số điểm mới của Luật Xử lý vi phạm hành chính

Ngày 1-7-2013, Luật Xử lý vi phạm hành chính chính thức có hiệu lực và thay thế cho Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính đã tồn tại 24 năm.

Ngày 1-7-2013, Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) chính thức có hiệu lực và thay thế cho Pháp lệnh XLVPHC đã tồn tại 24 năm. Những quy định của Luật được đánh giá là đầy đủ, toàn diện về XLVPHC đồng thời được hy vọng là một công cụ hữu hiệu để quản lý xã hội trong thời kỳ mới…


Những năm qua, vấn đề vi phạm trật tự quản lý hành chính ngày càng phức tạp. Nhiều lĩnh vực bị vi phạm nghiêm trọng như: giao thông, xây dựng, quản lý thị trường, môi trường, y tế, du lịch... Hình ảnh người vi phạm hành chính thách thức, lăng mạ, thậm chí chống đối các lực lượng chức năng ngày một nhiều, gây bức xúc cho toàn xã hội. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là công cụ quản lý - tức là những quy định về xử phạt các VPHC - còn nhiều bất cập, chưa phát huy hết vai trò điều tiết xã hội và định hướng hành vi của xã hội. Pháp lệnh XLVPHC đã được ban hành từ năm 1989 và được sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập trước thực tiễn phát triển của xã hội. Vì thế, sự ra đời của Luật XLVPHC được đánh giá là đã đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn. Các quy định của Luật rất đầy đủ, toàn diện, khắc phục tình trạng thiếu thống nhất và chồng chéo giữa các quy định chung và các quy định của các luật khác cùng với nhiều nghị định xử phạt VPHC được đã ban hành.
Điểm đặc biệt trong luật lần này là đề cao tính răn đe trên cơ sở bảo đảm dân chủ trong trình tự, thủ tục xử phạt VPHC và áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Với những quy định này, hy vọng sẽ chấn chỉnh được tình trạng “lờn thuốc” trong lĩnh vực XLVPHC. Việc đề cao tính răn đe thể hiện qua những điểm mới sau:


Thứ nhất, Luật đã quy định thêm nhiều hình thức chế tài. Các hình thức xử phạt theo quy định hiện hành là còn thiếu và chưa phù hợp so với các loại hành vi vi phạm, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của người vi phạm. Pháp lệnh quy định chưa nhiều hình thức biện pháp khắc phục hậu quả của VPHC. Nhưng với Luật mới, chế tài hành chính được bổ sung rất nhiều hình thức khắc phục mới như: buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn; buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, phương tiện, vật phẩm; buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng và đặc biệt là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.


Thứ hai, mức phạt tiền được quy định là rất cao so với quy định cũ. Trước đây, luật quy định mức phạt chỉ dao động từ 10.000 đồng đến 500 triệu đồng nhưng theo quy định mới, mức phạt tăng từ 50.000 đồng đến 1 tỷ đồng đối với cá nhân. Nếu là tổ chức vi phạm thì phạt gấp đôi. Mức phạt của từng lĩnh vực cụ thể được quy định hẳn trong luật (trước đây là các nghị định). Nhiều lĩnh vực có mức phạt rất cao như: sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả lên đến 200 triệu đồng: khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước là 250 triệu đồng. Đặc biệt, vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ, kim loại quý, đá quý, ngân hàng, tín dụng hay vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có thể bị phạt đến 1 tỷ đồng.


Thứ ba là về thẩm quyền xử phạt. Trước đây, thẩm quyền xử phạt được quy định theo chức danh và mức phạt. Có nghĩa quy định cụ thể ai được phạt và phạt bao nhiêu. Nhưng khi có những luật mới như Luật Chứng khoán, Luật Quản lý thuế, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì rất khó quy định thêm những cá nhân có quyền xử phạt. Mặt khác, về mức phạt cố định khiến nhiều vụ việc phải dồn lên trên (nơi có thẩm quyền xử phạt cao hơn). Vì thế, Luật XLVPHC có thay đổi. Đó là quy định thẩm quyền xử phạt của các chức danh theo tỷ lệ phần trăm (%) so với các mức phạt tối đa, đồng thời có khống chế mức trần.


Bên cạnh đó, Luật cũng phân cấp thẩm quyền xử phạt theo hướng tăng thẩm quyền xử phạt cho cơ sở, là cấp trực tiếp phát hiện, thụ lý phần lớn các vụ việc VPHC, nhằm góp phần nâng cao tính kịp thời và hiệu quả của việc xử phạt VPHC, giảm tình trạng dồn việc xử phạt lên cấp trên.


Bên cạnh việc đề cao tính răn đe, Luật cũng tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền giải trình trong quá trình xem xét VPHC. Theo đó đối tượng bị xử phạt có quyền tham gia và giải trình trực tiếp hoặc bằng văn bản trong trường hợp có thể bị áp dụng hình thức phạt tiền với mức tiền phạt tương đối lớn (trên 30 triệu đồng) hoặc vi phạm có thể bị áp dụng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, đình chỉ có thời hạn hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Điều này vừa phát huy dân chủ, vừa thể hiện tính nhân đạo nhưng cũng vừa hạn chế tình trạng khiếu nại, khiếu kiện của tổ chức, cá nhân bị xử phạt.


Một vấn đề rất tiến bộ của Luật XLVPHC là việc quy định cụ thể về các thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính. Trước đây các biện pháp xử lý hành chính bao gồm: Giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục; đưa vào cơ sở chữa bệnh; quản chế hành chính. Những biện pháp này được áp dụng với những đối tượng vi phạm nhưng chưa đến mức truy cứu về hình sự. Thực chất cũng đã hạn chế quyền tự do của đối tượng vi phạm, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người, quyền tự do của cá nhân được hiến pháp quy định và bảo vệ. Việc xem xét áp dụng các biện pháp này lại do cơ quan quản lý hành chính thực hiện nên chưa đảm bảo nguyên tắc được xét xử công bằng khách quan. Vì thế trong luật quy định đối với hình thức giáo dục tại xã, phường, thị trấn thì do Chủ tịch UBND cấp xã (tức cơ quan hành chính) quyết định. Còn lại những biện pháp khác thì đều phải chuyển hồ sơ cho Tòa án xem xét để ra hình thức áp dụng biện pháp xử lý hành chính.


Đối tượng bị áp dụng cũng đã thu hẹp, chẳng hạn người bán dâm không bị đưa vào cơ sở chữa bệnh hay trẻ em từ 12 đến 14 tuổi bị chỉ bị đưa vào trường giáo dưỡng khi hành vi có dấu hiệu tội phạm nghiêm trọng, người nghiện ma túy cũng chỉ bị đưa vào cơ sở chữa bệnh khi họ từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định.


Có hiệu lực từ 1-7 tới, Luật XLVPHC được hy vọng sẽ thiết lập lại trật tự quản lý hành chính của đất nước, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, điều chỉnh hành vi của xã hội trong thời kỳ mới.


Lê Minh