09:01, 19/01/2013

1 hồ sơ, 34 năm vẫn chưa được giải quyết!

Một gia đình có người tham gia kháng chiến chống Pháp bị địch bắn cách đây 64 năm, từng nhiều lần làm hồ sơ đề nghị xét công nhận liệt sĩ, nhưng 34 năm sau, bộ hồ sơ đó mới tới được Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thị xã.

Một gia đình có người tham gia kháng chiến chống Pháp bị địch bắn cách đây 64 năm, từng nhiều lần làm hồ sơ đề nghị xét công nhận liệt sĩ, nhưng 34 năm sau, bộ hồ sơ đó mới tới được Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) thị xã.

Bộ hồ sơ bị “ngâm”  34 năm

Ông Hồ Để (sinh năm 1930, trú thôn Phước Thuận, xã Ninh Đông, thị xã Ninh Hòa) tham gia du kích chống Pháp từ năm 1947. Năm 1948, ông bị địch tra tấn và bắn chết. Năm 1978, chính quyền địa phương hướng dẫn gia đình kê khai để làm thủ tục công nhận liệt sĩ đối với ông Hồ Để. 10 năm sau, Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến chống Pháp cho ông Để, song việc công nhận liệt sĩ vẫn chưa thấy. Gia đình ông Để có hỏi chính quyền địa phương thì được biết, hồ sơ bị thất lạc do thay đổi nhân sự và được yêu cầu về làm lại. Năm 1993, gia đình ông Để lại làm hồ sơ. 3 năm sau, gia đình mới được cán bộ thương binh xã hội xã thông báo hồ sơ bị trời mưa làm ướt khi trên đường đem lên huyện nộp!

Năm 2000, gia đình ông Hồ Để lại lần thứ 3 hoàn tất hồ sơ đề nghị. Toàn bộ giấy tờ cần thiết được gia đình ông Để giao trực tiếp cho ông Phạm Văn Nhiệm, cán bộ LĐ-TB-XH xã Ninh Đông. Tuy nhiên, thay vì phải nhanh chóng xem xét hồ sơ để trình cấp trên, ông Nhiệm lại… cất trong hộc bàn, để 6 năm sau, khi gia đình ông Để bức xúc đến hỏi thì bộ hồ sơ này đã ngả màu!

 Bộ hồ sơ xin công nhận liệt sĩ cho ông Hồ Để bị “cất kỹ” nhiều năm trời.
Bộ hồ sơ xin công nhận liệt sĩ cho ông Hồ Để bị “cất kỹ” nhiều năm trời.

Sự việc này được báo cáo với lãnh đạo xã Ninh Đông. Chủ tịch UBND xã đã chỉ đạo ông Phan Văn Nhiệm phải đến xin lỗi gia đình người nộp hồ sơ; đồng thời, đề nghị gia đình làm lại hồ sơ lần thứ tư.

Năm 2006, gia đình ông Hồ Để lại tiếp tục hoàn tất bộ hồ sơ lần thứ tư. Khi đem đến nộp cho cán bộ LĐ-TB-XH xã, gia đình đã phải nhờ người đi cùng làm chứng. Tuy nhiên, vẫn phải cần tới 4 năm nữa, bộ hồ sơ này mới được xem xét. Đến năm 2012, khi hồ sơ xin công nhận liệt sĩ cho ông Hồ Để được chuyển lên Phòng LĐ-TB-XH thị xã Ninh Hòa thì cũng là lúc nó không còn đủ điều kiện nữa do vừa có nghị định mới. Bộ hồ sơ được trả về để một lần nữa, gia đình phải làm lại theo quy định hiện hành.

Thiệt thòi cho người có công

Gặp chúng tôi tại UBND xã Ninh Đông, ông Nguyễn Thanh Lài (cháu ông Hồ Để) cho biết: “Khi đất nước mới hòa bình, còn nhiều khó khăn, hồ sơ làm nhưng chưa được quan tâm đúng mực, chúng tôi còn có thể thông cảm được. Nhưng từ năm 2000 đến nay, Nhà nước đã có thêm nhiều chính sách để ghi nhận công lao của những người từng hy sinh vì Tổ quốc, song cán bộ LĐ-TB-XH xã vẫn dửng dưng, điều này thật khó chấp nhận! Hồ sơ nộp lên bị ông Phạm Văn Nhiệm “cất kỹ” trong hộc tủ tới 6 năm thì không biết nói thế nào!”.

Khi làm việc với chúng tôi, bản thân ông Phạm Văn Nhiệm cũng đã thừa nhận thiếu sót trong việc để hồ sơ quá lâu mà không giải quyết cho gia đình người có công. Lý do của sự chậm trễ này, theo ông Nhiệm, là bởi có nhiều việc và hồ sơ có nhiều điểm chưa hợp lệ nên suốt thời gian dài chưa thể trình lên Phòng LĐ-TB-XH được. Tuy nhiên, đây là những lý do khó chấp nhận được. Nếu hồ sơ không hợp lệ, với trách nhiệm của một cán bộ chuyên trách, ông Nhiệm phải hướng dẫn cụ thể để người dân bổ sung hồ sơ chứ không thể lặng lẽ “ngâm” suốt nhiều năm trời, gây thiệt thòi cho người đã khuất. Nếu bộ hồ sơ này được xem xét sớm, có thể ông Hồ Để đã được công nhận liệt sĩ. Bởi trước đây, để được công nhận liệt sĩ, hồ sơ của người có công chỉ cần có 2 nhân chứng xác nhận là đủ, nhưng hiện nay thì phải thêm một tài liệu khác (như Lịch sử Đảng bộ, giấy ghi nhận công lao…). Trong cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Ninh Đông xuất bản năm 2011 cũng ghi rõ, đồng chí Hồ Để bị Pháp bắn và moi gan năm 1948. Do chậm được xem xét nên để đáp ứng những quy định mới này, gia đình ông Hồ Để hiện phải tiếp tục làm lại hồ sơ một lần nữa.
Ông Trần Hải Đăng - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Đông thẳng thắn thừa nhận: “Dù trước đây bộ hồ sơ xin được công nhận có nhiều điểm chưa trùng khớp, song để việc này kéo dài suốt nhiều năm trời rõ ràng có trách nhiệm của cán bộ LĐ-TB-XH. Cán bộ chuyên trách trước đây đã không thực sự làm thấu đáo, thiếu tích cực…”.

Được biết, mới đây, HĐND, UBND xã Ninh Đông đã tiến hành họp bàn về việc này. Cuộc họp chỉ ra trách nhiệm của cán bộ LĐ-TB-XH và yêu cầu ông Phạm Văn Nhiệm rút kinh nghiệm sâu sắc. Đồng thời, cuộc họp cũng thống nhất nhanh chóng cùng gia đình người tham gia kháng chiến hoàn tất hồ sơ để trình lên Phòng LĐ-TB-XH thị xã nhằm giải quyết chế độ cho gia đình người có công trong thời giam sớm nhất.

ĐÌNH LÂM