E-magazine: Giải bài toán thoát nghèo cho vùng cao
.
21:51, 15/09/2023

E-magazine: Giải bài toán thoát nghèo cho vùng cao

 

Là hai trong số những huyện nghèo nhất cả nước, nhưng nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và nỗ lực vươn lên của người dân, 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh đang nỗ lực để thoát nghèo vào năm 2025.

 
 

Là hai trong số những huyện nghèo nhất cả nước, nhưng nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và nỗ lực vươn lên của người dân, 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh đang nỗ lực để thoát nghèo vào năm 2025.

 
Hạ tầng giao thông tại huyện Khánh Sơn được quan tâm đầu tư.

Ánh nắng vàng tươi những ngày đầu Thu như trải thảm lên con đường bê tông dài tít tắp dẫn chúng tôi qua từng ngọn đồi, đi sâu vào vùng sản xuất nông nghiệp ở thôn Tà Mơ (xã Khánh Thành, huyện Khánh Vĩnh). Tìm đến vườn bưởi da xanh của gia đình ông Đoàn Văn Hưởng, chúng tôi được ông chia sẻ: “Bưởi dễ trồng, dễ chăm sóc, lại cho thu hoạch quanh năm nên phù hợp với nhiều gia đình ở miền núi” - ông Hưởng bắt đầu câu chuyện với chúng tôi. Cách đây tròn 10 năm, gia đình ông Hưởng còn khó khăn nhưng nhờ tiếp cận Đề án cơ cấu cây trồng chủ lực của Nhà nước triển khai; được hỗ trợ về kỹ thuật, cây giống, nhất là sự động viên, khuyến khích của chính quyền địa phương nên gia đình đã quyết định chuyển đổi vườn rẫy tạp nhà mình sang trồng bưởi da xanh. Sau hơn 4 năm, gia đình ông đã được hưởng quả ngọt, nhanh chóng thoát khỏi danh sách hộ cận nghèo của địa phương. Hiện gia đình ông có gần 10 hecta cây bưởi đạt tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng thương hiệu bưởi da xanh Hiệu Linh, tham gia và đạt chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2022; mỗi năm thu hoạch hơn 50 tấn bưởi sạch, chủ yếu vào siêu thị, mang lại doanh thu hàng tỷ đồng.

Cũng như ông Hưởng, gia đình ông Hoàng Văn Thược - người đồng bào dân tộc Tày ở thôn A Xay (xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh) trước đây cũng là hộ nghèo; tuy nhiên, nhờ trồng bưởi da xanh và một số loại cây ăn quả khác, gia đình ông càng trở nên khấm khá. Hơn 2 ha rẫy của ông đã có 700 gốc bưởi da xanh, hơn 1.200 gốc ổi và hàng trăm cây trồng dưới hình thức thử nghiệm như: sầu riêng, táo, mít… giúp gia đình ông có được thu nhập ổn định hơn 20 triệu đồng/tháng, con cái được ăn học đàng hoàng, gia đình sung túc… Không chỉ thoát nghèo bền vững mà ông còn là gương mặt nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Ông Đoàn Văn Hưởng (bên trái) thoát nghèo và làm giàu nhờ cây bưởi da xanh.
Ông Đoàn Văn Hưởng (bên trái) thoát nghèo và làm giàu nhờ cây bưởi da xanh.

Ngược ngàn lên vùng cao Khánh Sơn, xe chúng tôi bon bon trên những cung đường nhựa phẳng lỳ vào đến trung tâm xã. Đường bê tông cũng được đầu tư vào đến từng khu dân cư, khu sản xuất. Sau một vụ mùa sầu riêng bội thu, thấp thoáng những ngôi nhà bề thế của người dân vừa mới được xây dựng xong, những chiếc ô tô cáu cạnh cũng xuất hiện ngày càng nhiều.

“Khánh Sơn bây giờ khác lắm, nhà cửa thì khang trang, rất nhiều gia đình còn xây nhà ở kiểu biệt thự vườn, rồi mua sắm được cả ô tô đắt tiền. Nhiều hộ đồng bào DTTS ở đây đã thoát nghèo bền vững cũng nhờ trồng cây ăn quả, nhất là trồng cây sầu riêng”, ông Trần Tấn Chóng, Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp quả quyết với chúng tôi như thế. Để minh chứng cho điều mình nói, ông Chóng đưa chúng tôi danh sách các hộ ra khỏi danh sách các hộ đã thoát nghèo, cận nghèo của xã Sơn Hiệp năm 2022.

Nông dân Hoàng Văn Thược ở Khánh Vĩnh chăm sóc ổi.
Nông dân Hoàng Văn Thược ở Khánh Vĩnh chăm sóc ổi.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Cao Mai Hùng ở thôn Hòn Dung. Khi chúng tôi đến, ông Hùng đang tất bật chăm sóc vườn sầu riêng của mình sau thu hoạch. Ông Hùng tâm sự, chỉ 7 năm trước, gia đình ông ăn còn chưa đủ no, mặc còn chưa đủ ấm, nào dám mơ tưởng xe máy, tivi, xây nhà… Nhờ cây sầu riêng được trồng từ năm 2017, mà đến nay, cuộc sống của gia đình ông đã đổi thay thực sự, 2 con vào đại học, cuộc sống trở nên khấm khá. “Năm 2017, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ cây giống, phân bón, trồng 140 cây sầu riêng trên diện tích khoảng 0,5 ha. Qua 2 năm thu hoạch, tôi đã có tiền làm được nhà, lo cho con ăn học, mua xe máy, tivi, tủ lạnh, đã thoát khỏi cảnh nghèo. Cây sầu riêng rất hiệu quả, nên tôi đã đầu tư chuyển đổi thêm 0,5 ha sang trồng sầu riêng”, ông Hùng chia sẻ.

Qua những xã, thôn đặc biệt khó khăn ở các huyện nghèo Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, chúng tôi càng thêm vui mừng khi nhiều hộ đồng bào DTTS các địa phương bây giờ đã biết thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo, trở thành những “triệu phú” nhờ trồng cây ăn quả. Nhiều người trong số họ trở thành những “nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Đông - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn: Nhờ phát triển cây ăn quả, nhất là sầu riêng mà tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm nhanh, trung bình mỗi năm 7%. Hiện toàn huyện có gần 2.000ha sầu riêng, sản lượng hằng năm khoảng hơn 12.000 tấn. Ước tính riêng cây sầu riêng năm nay đã mang lại cho người dân Khánh Sơn cả nghìn tỷ đồng. Những năm tới, khi các diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng cách nay chừng 4 - 5 năm sẽ cho thu hoạch, tỷ lệ hộ nghèo của huyện sẽ tiếp tục giảm nhanh và bền vững. Huyện xác định, phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao theo hướng nông nghiệp sạch, công nghệ cao, là một trong những “chìa khóa” để xóa nghèo cho người dân, trong đó sầu riêng là cây trồng chủ lực; gắn phát triển nông nghiệp với du lịch.

 

 

Nghe có nhà báo ở dưới xuôi lên, ông Mấu Thái Cư - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Khánh Sơn gọi điện thoại mời chúng tôi ghé thăm. Khi chúng tôi đề cập đến câu chuyện giảm nghèo cho đồng bào DTTS, những khó khăn của địa phương về công tác này, như: Xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng tuy đã được đầu tư nhưng vẫn chưa hoàn thiện, hay vẫn còn đồng bào DTTS chưa biết cách làm ăn để tự mình vươn lên thoát nghèo… Ông Mấu Thái Cư nói: “Phấn đấu đưa Khánh Sơn thoát khỏi danh sách huyện nghèo vào năm 2025 là quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị địa phương. Chúng tôi xác định khó, nhưng phải làm cho bằng được”.

- Không lẽ chỉ có quyết tâm là có thể xóa nghèo, thưa ông?, chúng tôi hỏi.
- Khánh Sơn từng là căn cứ địa cách mạng của tỉnh. Thung lũng Tô Hạp là “thung lũng tử thần” khiếp vía quân thù. Sau giải phóng, Khánh Sơn đã từng bước chiến thắng “giặc dốt”, “giặc đói”, chẳng lẽ chịu thua “giặc nghèo”. Huyện đã có đề án, mỗi năm sẽ giảm 7% hộ nghèo, để đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 23,7%, đáp ứng tiêu chí thoát khỏi danh sách huyện nghèo. Chuyện giảm nghèo phải là thực chất, phải nâng cao được đời sống vật chất, tinh thần của người dân, chứ không phải biến ảo số liệu để đạt được mục tiêu -  ông Mấu Thái Cư khẳng định.
Còn trong câu chuyện với ông Văn Ngọc Hường - Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, chúng tôi phần nào hiểu được khát vọng vươn tầm của địa phương miền núi còn nhiều khó khăn này, khi Đảng bộ chính quyền và người dân địa phương quyết tâm ra khỏi danh sách huyện nghèo vào năm 2025. Khát vọng ấy có khởi nguồn từ sự quan tâm “đặc biệt” của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi nhiều lần đề nghị tỉnh tập trung chỉ đạo và dành nguồn lực để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm giảm nghèo cho hai huyện miền núi Khánh Vĩnh và Khánh Sơn.

 

Một góc xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh.

Khát vọng vươn tầm của các huyện nghèo Khánh Sơn, Khánh Vĩnh còn được tiếp thêm động lực khi các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về phát triển tỉnh Khánh Hòa cũng đã có những định hướng, cơ chế đặc thù đề tỉnh Khánh Hòa tập trung nguồn lực, đầu tư cho hai huyện miền núi phát triển nhanh, bền vững, trở thành “tiểu đô thị sinh thái núi rừng”.

Chúng tôi vẫn tâm đắc với câu nói của ông Mấu Thái Cư: “Định hướng, cơ chế, chính sách đặc thù là cơ hội, là động lực cho Khánh Sơn phát triển; phải lan tỏa được đến với mỗi nhà, từng người. Để hơn ai hết, người Khánh Sơn phải khai thác mọi tiềm năng, lợi thế của mình; sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư của Trung ương, của tỉnh để đẩy nhanh tốc độ phát triển, nhất là chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển du lịch… để nâng cao thu nhập, đời sống của từng hộ dân, từ đó mới giảm nghèo bền vững được”.

 

Tuy còn nhiều khó khăn, song qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 của 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, công tác giảm nghèo của 2 huyện đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Cấp ủy, chính quyền, người dân 2 địa phương này đang tiếp tục khẩn trương triển khai nhiều biện pháp nhằm cán đích thoát khỏi huyện nghèo.

 
Học sinh Khánh Sơn vui đến trường.
Học sinh Khánh Sơn vui đến trường.

Mục tiêu giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng phát triển tỉnh, để tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đòi hỏi đến năm 2025, hai huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh phải thoát khỏi huyện nghèo. Mục tiêu này đã được Đảng bộ huyện Khánh Sơn và Đảng bộ huyện Khánh Vĩnh cụ thể hóa trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 của mỗi huyện.

Ông Mấu Thái Cư - Bí thư Huyện ủy Khánh Sơn chia sẻ: Bằng nhiều biện pháp triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo gắn với lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia phát  triển kinh tế - xã hội  vùng  đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo sự đồng thuận, chung  tay vì người nghèo của cả hệ thống chính trị và nhân dân, làm chuyển biến mạnh mẽ tư duy, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các cơ quan ban ngành và Nhân dân trong thực hiện chủ trương thoát nghèo bền vững, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo theo kế hoạch đề ra. Đầu năm 2021, toàn huyện vẫn còn 3.530 hộ nghèo (chiếm 47,43% số hộ toàn huyện) và 1.405 hộ cận nghèo (chiếm 18,88%) thì đến nay, số hộ nghèo toàn huyện giảm còn 3.062 hộ (40,6%); tổng số hộ cận nghèo là 1.398 hộ (18,54%).
 

Nông dân huyện Khánh Sơn chăm sóc chôm chôm.

Trong khi đó, ông Văn Ngọc Hường - Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết: Mục tiêu giảm nghèo của huyện thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Với sự đầu tư có tính chất tổng thể, sự chăm lo gần như mọi mặt đã cải thiện đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó nổi bật có những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả đã được nhân rộng đến người dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Với sự đồng lòng, quyết tâm thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống; thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Huyện đặt ra mục tiêu cụ thể tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 7% đến 8%, đến cuối năm 2025 trên địa bàn toàn huyện hộ nghèo còn khoảng 2.085 hộ, chiếm 17,81% trên tổng số hộ dân, đáp ứng được tiêu chí thoát khỏi huyện nghèo.

 
Một góc xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn.
Một góc xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn.

Mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ nhưng nhìn chung công tác giảm nghèo của 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh được nhận định là còn rất nhiều khó khăn, khi tỷ lệ hộ nghèo còn cao, giảm nghèo chưa bền vững. Các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng nông thôn mới hay các đề án giảm nghèo đối với 2 huyện miền núi được kỳ vọng sẽ tạo nên cú hích thúc đẩy công tác giảm nghèo của các địa phương này lại gặp một số khó khăn vướng mắc khi các chương trình, dự án có quy mô rộng lớn, với nhiều dự án thành phần và rất nhiều tiểu dự án, nội dung thành phần, có sự tham gia của rất nhiều bộ, ngành, cơ quan có liên quan; việc phân bổ nguồn vốn của Trung ương cho các địa phương và hướng dẫn triển khai thực hiện các Chương trình của các cấp còn chậm nên đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai thực hiện tại mỗi địa phương. Mặt khác, việc xác định các nhiệm vụ trọng tâm triển khai thực hiện cũng chưa sát với thực tế; nguồn lực thực hiện Chương trình còn hạn chế nên qua nửa nhiệm kỳ đại hội, mức độ hoàn thành, các tiêu chí để đưa 2 huyện miền núi ra khỏi danh sách huyện nghèo bị ảnh hưởng.

Cũng chính vì nguyên nhân này mà ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh hết sức “sốt ruột” với mục tiêu đưa 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh thoát khỏi danh sách huyện nghèo. Liên tục trong những tháng qua, người đứng đầu UBND tỉnh đã có nhiều cuộc làm việc trực tiếp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại 2 huyện miền núi. Qua làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương miền núi phải khẩn trương, quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn; có các giải pháp, phương án cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn của mỗi địa phương để triển khai hiệu quả các chương trình, nhất là chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; lồng ghép với các chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; chương trình xây dựng nông thôn mới, các đề án, chương trình đã được phê duyệt nhằm đưa 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh thoát khỏi huyện nghèo.
 

 

 
Bưởi da xanh là cây thoát nghèo của nhiều hộ dân ở Khánh Vĩnh.

Để hiện thực hóa mục tiêu đưa 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh thoát khỏi huyện nghèo, UBND tỉnh đã phê duyệt các đề án tổng thể giảm nghèo bền vững của 2 huyện này trong giai đoạn 2022-2025. Theo đó, 2 huyện miền núi sẽ được tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản. Trong đó, ưu tiên đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu, như: cầu, đường giao thông, trường học, cơ sở y tế, hạ tầng điện, công trình thủy lợi… Hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các địa phương sẽ được hỗ trợ xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình, dự án giảm nghèo, phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập ổn định… Bên cạnh đó, phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững, 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu hỗ trợ… thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo ở 2 huyện miền núi được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm nghiệp nhằm đổi mới phương thức sản xuất, tăng thu nhập. Đối với giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, đề án của các huyện sẽ tập trung giải quyết những chỉ tiêu liên quan đến chiều thiếu hụt về: việc làm; y tế; giáo dục, đào tạo; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin.   

Theo ông Văn Ngọc Hường, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, Huyện ủy Khánh Vĩnh xác định, đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, triển khai đồng bộ các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính sách giảm nghèo. Hàng năm, rà soát cụ thể từng đối tượng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo để ưu tiên bố trí nguồn lực hỗ trợ các hộ thoát nghèo bền vững. Trên cơ sở quyết định của Trung ương, của tỉnh về nguồn vốn được cấp hàng năm và giai đoạn 2022-2025, địa phương sẽ tiến hành rà soát xây dựng danh mục các dự án cần đầu tư cơ sở hạ tầng cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, rà soát kinh phí để triển khai thực hiện các mô hình, chính sách liên quan đến việc hỗ trợ các chiều thiếu hụt. Bên cạnh đó, bố trí nguồn lực của địa phương, lồng ghép và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ các chương trình, đề án khác để thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Địa phương cũng tập trung chỉ đạo các đơn vị có liên quan lập hồ sơ triển khai, sử dụng các nguồn vốn thực hiện đề án theo đúng quy định, chỉ sử dụng cho mục tiêu giảm nghèo, không sử dụng cho mục tiêu khác, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, tránh thất thoát, lãng phí.
 

Nông dân huyện Khánh Sơn vui được mùa sầu riêng.
Nông dân huyện Khánh Sơn vui được mùa sầu riêng.

Còn với huyện Khánh Sơn, để hỗ trợ người dân trong việc thoát nghèo và tạo thu nhập ổn định, huyện tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai trên địa bàn, như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình xây dựng nông thôn mới. Huyện chú trọng hỗ trợ phát triển sản xuất nâng cao thu nhập ổn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn; trong đó tập trung xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm. Địa phương hình thành vùng trồng cây ăn quả tập trung đạt chuẩn cấp mã số vùng trồng, thực hiện liên kết chuỗi giá trị, đáp ứng chế biến và xuất khẩu… góp phần hoàn thành các Chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và chương trình chuyển đổi cây trồng từ cây kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao trên địa bàn huyện.

Những ngày ở các huyện miền núi, tìm hiểu cách nghĩ, cách làm của cấp ủy, chính quyền cơ sở và nhiều hộ dân, chúng tôi ghi nhận được những cách làm hay, những việc làm thiết thực, tác động trực tiếp đến việc giảm nghèo của địa phương như: Chuyện giữ đất cho đồng bào trong cơn sốt đất ở các địa phương nông thôn miền núi để người dân có tư liệu sản xuất; chuyện gửi thanh niên người đồng bào dân tộc thiểu số vào làm việc trong các nhà vườn của đồng bào người Kinh để học hỏi kinh nghiệm làm vườn về phát triển kinh tế gia đình mình; chuyện 1 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi “kèm cặp”, giúp đỡ 2 - 3 hộ đồng bào DTTS nghèo chưa biết cách làm ăn, hay những tấm gương đồng bào DTTS làm ăn khấm khá… chúng tôi càng thêm tin tưởng Khánh Sơn sẽ sớm thoát khỏi danh sách huyện nghèo, để sớm vươn mình phát triển nhanh, bền vững, trở thành tiểu đô thị sinh thái núi rừng như mục tiêu Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị đã đề ra.
 

Bài viết - Hình ảnh: HỒNG ĐĂNG - THỦY BA
Thiết kế E-magazine: MINH KHANG

 

Xem thêm bình luận