E-magazine: Gian nan giữ đất lâm nghiệp
.
00:03, 26/08/2023

E-magazine: Gian nan giữ đất lâm nghiệp

 

Từ đầu năm đến nay, trong lâm phận các đơn vị chủ rừng nhà nước, ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ, tuy số vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp có giảm nhưng vẫn kéo dài âm ỉ và chưa có hồi kết. Thực trạng này đòi hỏi đơn vị chủ rừng, chính quyền các cấp phải vào cuộc, thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng, đất lâm nghiệp.

 

Những ngày qua, nắng như đổ lửa nhưng các nhân viên của BQL rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa vẫn túc trực, bám chốt, tuần tra giữ rừng căm xe Ninh Tây (xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa). “Anh em bảo vệ rừng căm xe Ninh Tây chia nhau, đêm thì mắc võng ngủ trong rừng để phòng các đối tượng cưa cây; ngày thì tổ chức tuần tra canh “giặc lửa”, canh cả các đối tượng vào lấn chiếm đất rừng”, ông Nguyễn Kỷ - Phó Trạm trưởng phụ trách Trạm Bảo vệ rừng Ninh Tây cho biết.

Lần giở hồ sơ các vụ lấn chiếm đất rừng căm xe Ninh Tây, ông Kỷ cho biết, mấy năm nay, BQL rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa đã dốc toàn bộ công sức để giữ diện tích rừng còn lại tại đây. So với cách đây 3-4 năm, các vụ vi phạm tại khu vực này đã giảm nhiều nhưng vẫn còn khá nhiều người dân địa phương tìm đủ mọi cách để lấn chiếm đất rừng căm xe. Trong 3 tháng gần đây, ghi nhận gần 10 vụ lấn chiếm đất rừng căm xe Ninh Tây.
 

Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa tuần tra giữ rừng căm xe Ninh Tây

Theo chân ông Kỷ vào rừng, tại lô 19, khoảnh 7, tiểu khu 70, ông chỉ cho chúng tôi hơn 2.400m2 đất rừng bị một người dân ở Buôn Tương (xã Ninh Tây) phát dọn vào giữa tháng 7 để lấy đất sản xuất; xung quanh là một số rẫy mía và vạt cỏ tranh, lau lách đã bị xịt thuốc cỏ cháy vàng. Khu đất này còn dựng một số trụ rào. “Rừng căm xe được Nhà nước giao cho BQL rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa quản lý nhưng người dân vẫn tự ý vào dựng trụ, làm hàng rào để tranh giành lẫn nhau. Chúng tôi đã lập biên bản rất nhiều vụ việc như thế”, ông Kỷ nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc BQL rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa chia sẻ, bên cạnh chống khai thác lâm sản trái phép, nạn lấn chiếm đất rừng cũng khiến cho công tác quản lý, bảo vệ của đơn vị gặp rất nhiều khó khăn. Sau nhiều nỗ lực, tình trạng phá rừng, chiếm đất trong lâm phận đơn vị đã giảm. Cụ thể, năm 2022 giảm còn 34 vụ; từ đầu năm đến nay có 8 vụ. Tuy nhiên, trước thực trạng các loại cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế, đất nông nghiệp có giá cao, nạn lấn chiếm đất lâm nghiệp vẫn chưa có hồi kết. Đơn vị vẫn đang tiếp tục “căng mình” giữ lâm phận.
 

Một trụ rào các đối tương tự dựng lên để tranh chiếm đất rừng căm xe Ninh Tây

Lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa đã từng nhiều lần than với chúng tôi rằng, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng không chỉ xảy ra ở một vài địa phương, mà hầu khắp lâm phận đơn vị đều có. Tình trạng này diễn ra dai dẳng nhiều năm trước, thời gian gần đây tuy có giảm nhưng vẫn còn xảy ra. 6 tháng đầu năm nay, lâm phận đơn vị ghi nhận 22 vụ việc phát, lấn chiếm đất rừng tự nhiên và đất rừng trồng do công ty quản lý, với tổng diện tích vi phạm 7,8ha.  

 

Qua tiếp xúc với một số hộ lấn chiếm đất rừng ở một số địa phương, chúng tôi được nghe “điệp khúc”: Gia đình thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) nghèo, thiếu đất nên phát dọn đất rừng để sản xuất. Cũng có trường hợp lý giải diện tích đất rừng mà họ phát dọn, lấn chiếm trước đây gia đình đã canh tác, nay họ lấy lại đất để làm… Thế nhưng, theo chính quyền cơ sở, đây chỉ là cái cớ họ đưa ra. Thực tế, những năm qua, các địa phương đã tiến hành rà soát, nhiều hộ ĐBDTTS nghèo thiếu đất sản xuất đã được giao đất từ quỹ đất bóc tách từ các lâm trường. Ngoài ra, một số chương trình mục tiêu quốc gia cũng đang triển khai các tiểu dự án thành phần, trong đó tiếp tục giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho ĐBDTTS nghèo. Người dân không thể lấy lý do thiếu đất sản xuất để lấn chiếm đất rừng đang được Nhà nước giao cho các đơn vị quản lý.

Một diện tích đất lâm nghiệp tại khu vực rừng căm xe Ninh Tây bị người dân lấn chiếm

Trong câu chuyện với lãnh đạo một số đơn vị chủ rừng Nhà nước, chúng tôi được biết, sở dĩ tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trong lâm phận của đơn vị thời gian qua giảm rõ rệt, bên cạnh nỗ lực của đơn vị chủ rừng trong kiểm tra, phát hiện kịp thời các vụ vi phạm, phải kể đến sự phối hợp, vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, cơ sở khi các vụ vi phạm được xử lý quyết liệt, nhanh chóng, mang tính răn đe. Mới đây, có trường hợp lấn chiếm đất rừng đã bị xét xử, phạt tù nên góp phần răn đe các đối tượng khác. Ngoài ra, việc triển khai cắm mốc xác định ranh giới đất của người dân với đất rừng của đơn vị cũng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ diện tích đất lâm nghiệp được giao.

 

 

Ông Nguyễn Văn Tới - Phó Giám đốc  BQL rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa phân tích: 
“Tại rừng căm xe Ninh Tây, lâu nay có nhiều đất canh tác của người dân xen lẫn nên họ cứ lấn chiếm, mở rộng diện tích bằng hình thức ken, cưa hạ căm xe để lấy đất theo kiểu “vệt dầu loang”. Trong cơn sốt đất thời gian qua, giá trị đất sản xuất nông nghiệp tăng cao, nhiều hộ có đất bán đi tư liệu sản xuất của mình rồi vào rừng tiếp tục lấn chiếm; thậm chí nhiều khu vực trong lâm phận của đơn vị họ cũng rao bán…”. Điều ông Tới lo lắng hơn cả là các đối tượng vi phạm tìm đủ mọi cách để trả đũa lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của đơn vị. Đơn cử cuối tháng 7, đầu tháng 8, 2 chốt bảo vệ rừng căm xe Ninh Tây bị phá hoại. Nguyên nhân sự việc này có thể do các đối tượng trả thù lực lượng bảo vệ rừng của trạm vì đã phát hiện, xử lý các vụ việc chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại khu vực rừng căm xe Ninh Tây.

Một diện tích đất lâm nghiệp bị người dân lấn chiếm trồng sầu riêng tại Khánh Sơn, đã bị Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa lập biên bản xử lý

Ông Đỗ Anh Thy - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp. Các đơn vị chủ rừng địa phương phải bố trí lực lượng để giữ rừng từ gốc, đồng thời có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, các đơn vị chủ rừng Nhà nước phải thực hiện tốt phương án quản lý rừng bền vững, xây dựng dự án kêu gọi tổ chức, cá nhân đủ điều kiện đầu tư, vừa bảo vệ rừng vừa phát triển kinh tế dưới tán rừng. Đồng thời, các địa phương phải triển khai, phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để huy động cộng đồng dân cư sinh sống gần rừng tham gia công tác bảo vệ rừng, giữ rừng bền vững…

 

Bài viết - Hình ảnh:  HẢI LĂNG
Thiết kế E-magazine: MINH KHANG

 

Xem thêm bình luận