10:11, 24/11/2009

Giới hạn mong manh

Trong cuộc chạy đua giành thị trường giữa các “đại gia” Mobifone, Vinaphone và Viettel hiện nay, các nhà cung cấp dịch vụ không ngừng đưa đến cho khách hàng những “chú dế” giá bình dân và còn kèm sim với tài khoản.

Trong cuộc chạy đua giành thị trường giữa các “đại gia” Mobifone, Vinaphone và Viettel hiện nay, các nhà cung cấp dịch vụ không ngừng đưa đến cho khách hàng những “chú dế” giá bình dân và còn kèm sim với tài khoản. Tuy nhiên, những rào cản dùng sim nội mạng của các nhà cung cấp dịch vụ đã nhanh chóng trở nên vô nghĩa…

 

Nhiều người sử dụng hiện nay đã không còn trung thành với một thẻ sim duy nhất, bởi có quá nhiều hấp dẫn xung quanh những chương trình khuyến mãi của các nhà cung cấp dịch vụ. Chính vì thế, người sử dụng thường chọn giải pháp “hai tay, hai súng”, tức là một sim dùng để nghe và một sim “cơ động” gọi hết tài khoản rồi “bỏ vào sọt rác”. Trong đó phải kể đến những chú “dế” bình dân như: Nokia 1200, Sam Sung E1100T bị mã khóa bởi Viettel; Motorola W175, W156, Nokia 1208 bị mã khóa bởi Mobifone; ZTE, Huawei T156 bị mã khóa bởi Vinaphone… chỉ dùng được cho sim nội mạng. Tuy nhiên, vừa đến tay người dùng, những chú “dế” này nhanh chóng bị “làm thịt” chỉ trong chưa đầy vài chục phút. Rào cản “dùng sim nội mạng” chỉ có ý nghĩa tạm thời; bởi lẽ, người sử dụng chỉ cần bỏ ra khoảng 50.000 đồng cho dịch vụ mở khóa. Như vậy, giới hạn mong manh của thế độc quyền đó đã không còn nữa, thay vào đó là những thẻ sim của những mạng khác, vì đã bị “bẻ khóa”.

Trung tuần tháng 11, siêu thị điện thoại X, đường Quang Trung (TP. Nha Trang) vẫn có nhiều khách hàng tìm đến có nhu cầu mở khóa những chú “dế” bình dân của mình. Anh Thành (Cam Ranh) cho biết, bộ Alo của Vinaphone mà anh mua cách đây không lâu với giá hơn 300.000 đồng, đã dùng hết tiền trong tài khoản. Anh nghe mấy người bạn “rỉ tai” về dịch vụ mở khóa để dùng được mạng khác nên tìm đến đây. Giống như anh Thành, một khách hàng khác cho hay: “Tôi mua bộ Sumo của Viettel hơn 300.000 đồng cả máy và sim cách đây không lâu. Mua bộ Sumo vừa rẻ lại vừa hiệu quả vì tài khoản lên tới 520.000 đồng. Dùng hết tiền trong tài khoản, tôi đến đây “bẻ khóa” để dùng các sim khuyến mại của các mạng khác cho “kinh tế”. Cùng chung suy nghĩ của các khách hàng trên, không ít người sử dụng chương trình khuyến mại “dế” đã tìm đến siêu thị này “bẻ khóa”.

Theo nhân viên siêu thị nói trên, dịch vụ “bẻ khóa”  máy giá rẻ của Mobifone, Vinaphone, Viettel... khá hút khách, đặc biệt là sau thời gian bộ Alo, Sumo hay các dòng máy hạn chế mạng của Mobifone bắt đầu tung ra thị trường. Nhân viên này cho biết, dịch vụ này trước đây giá không dưới 100.000 đồng. Tuy nhiên hiện nay, do các dòng máy quá “bèo” nên đã hạ giá xuống chỉ còn 50.000 đồng cho một lần “bẻ khóa”. Cách bẻ khóa do các nhân viên kỹ thuật của cửa hàng đảm nhận. Các dòng máy bị “xử” không chỉ có máy “bình dân” mà còn cả những máy cao cấp như: Iphone, Blackbary…

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện nay, dịch vụ “bẻ khóa” và trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực này để dùng “vô tư” các loại sim đang diễn ra khá sôi động trên mạng Internet trong nước. Trên một số trang, diễn đàn web cũng hướng dẫn cho cộng đồng dùng “dế” các cách tự “bẻ khóa” như nhập mã số. Tuy nhiên, các mã số này nhanh chóng bị lỗi thời do các nhà cung cấp dịch vụ trong nước liên tục cải tiến bảo mật mỗi khi tung ra thị trường loại điện thoại mới, thế nên giải pháp tối ưu nhất vẫn là... đem thẳng đến các điểm dịch vụ “bẻ khóa”.

Hầu hết người trong cuộc nhận định, các dòng máy điện thoại được tung ra thị trường kèm thẻ sim nhằm hướng tới đối tượng khách hàng bình dân. Sau khi dùng hết tài khoản trong sim, chỉ cần bỏ ra vài chục nghìn đồng là họ có ngay một thẻ sim mới có tài khoản lớn để phục vụ duy nhất các cuộc gọi một chiều. Chính vì thế, thời gian qua, nhiều nhà mạng đã xin cấp thêm đầu số mới, trong khi kho số ngày càng vơi dần. Ngoài ra, nhiều đại lý còn lợi dụng các kẽ hở này để “bẻ khóa” bán sim và máy riêng lẻ kiếm lời.

Nhằm đối phó với tình trạng trên, hiện nay, một số nhà cung cấp dịch vụ như: Viettel, Vinaphone, Mobifone đang áp dụng cách thức cung cấp tài khoản ban đầu không lớn, sau đó cộng dồn hàng tháng số tiền còn lại trong tài khoản. Tuy nhiên, tình trạng “bẻ khóa” cho “dế” vẫn được người sử dụng tìm đến.

Thành Long