11:11, 30/11/2016

Vay vốn tạo sinh kế mới

Nhờ nguồn vốn cho vay chuyển đổi ngành nghề của ngân sách TP. Nha Trang chuyển qua kênh Ngân hàng Chính sách xã hội, hơn 200 hộ trước đây sinh sống bằng nghề đặt bẫy nhử tôm hùm trong vịnh Nha Trang đã có điều kiện chuyển đổi nghề hiệu quả.

Nhờ nguồn vốn cho vay chuyển đổi ngành nghề của ngân sách TP. Nha Trang chuyển qua kênh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), hơn 200 hộ trước đây sinh sống bằng nghề đặt bẫy nhử tôm hùm trong vịnh Nha Trang đã có điều kiện chuyển đổi nghề hiệu quả.


Ông Nguyễn Phước - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Lương đưa chúng tôi tới công trình xây dựng mà các anh: Nguyễn Duy Huynh, Huỳnh Văn Luật (thôn Văn Đăng 2) đang làm cửa nhôm. Mồ hôi nhễ nhại, hai anh đang chăm chú làm việc trong tiếng máy cắt nhôm rít lên từng hồi. Dừng tay, nở nụ cười tươi, anh Huynh cho biết, công việc này cho thu nhập ổn định, mỗi ngày công 300.000 đồng.

 

*Để vận động người dân sống bằng nghề thả bẫy nhử tôm hùm trong vịnh Nha Trang chuyển đổi ngành nghề, tạo sinh kế mới, từ năm 2013, UBND TP. Nha Trang dành một phần vốn từ ngân sách thành phố cho vay thông qua kênh NHCSXH tỉnh. Đến nay, đã có 232 hộ của 6 xã, phường được vay vốn là: Vĩnh Lương, Vĩnh Phước, Vĩnh Thọ, Vĩnh Hòa, Phước Đồng và Vĩnh Trường với tổng vốn vay hơn 4,6 tỷ đồng, mức vay 20 triệu đồng/hộ
Anh Nguyễn Duy Huynh và Huỳnh Văn Luật vay vốn chuyển sang làm thợ sắt có thu nhập ổn định


Năm nay 38 tuổi, anh Huynh theo nghề biển được 7 - 8 năm. Như hàng trăm người dân xã Vĩnh Lương, anh sống bằng nghề thả bẫy nhử tôm hùm giống ở vịnh Nha Trang. Anh Huynh cho biết, tuy giá tôm hùm giống cao, ngày nào trúng có thể kiếm tiền triệu nhưng tôm giống bữa có bữa không, có đợt liên tiếp về không nên thu nhập không ổn định. Không những thế, thả bẫy nhử tôm hùm giống cũng chỉ được vài tháng mỗi năm. Sở dĩ anh bám nghề thả bẫy nhử tôm hùm nhiều năm vì không đủ tiền mua đồ nghề chuyển sang công việc khác. Khi địa phương vận động và được vay 20 triệu đồng chuyển đổi nghề, anh đã nghỉ hẳn nghề biển chuyển sang làm thợ sắt.


Có tay nghề thợ sắt khi làm công nhân cho một nhà máy nhưng khi lập gia đình, anh Luật lại chọn nghề biển với lý do thả bẫy nhử tôm hùm giống cần ít vốn. Sau 10 năm làm biển thấy thu nhập bấp bênh nên khi địa phương vận động những hộ làm nghề thả bẫy nhử tôm hùm trong vịnh Nha Trang chuyển đổi ngành nghề, anh đã vay 20 triệu đồng từ NHCSXH tỉnh mua máy móc quay lại nghề thợ sắt.


Cùng được vay vốn, anh Huynh và anh Luật rủ nhau làm chung. Các anh mua máy cắt, máy hàn, máy xịt hơi…, khi có người kêu là vác máy đến tận nhà làm. Hai anh cho biết, vay vốn đầu tư máy móc đã được gần nửa năm. Từ đó tới nay, hai anh có việc làm đều, thu nhập ổn định khoảng 7 triệu đồng/tháng. Nguyện vọng của hai anh là được vay thêm vốn để có điều kiện thuê mặt bằng ổn định.


Trước đây, chồng bà Nguyễn Thị Gái (thôn Văn Đăng 2) cũng làm nghề thả bẫy nhử tôm hùm giống. Hiện nay, gia đình đã chuyển sang chăn nuôi heo và bò. Gia đình bà Gái được NHCSXH tỉnh cho vay 20 triệu đồng để chăn nuôi. Theo bà Gái, thu nhập từ chăn nuôi ổn định hơn nghề biển nên nguyện vọng của gia đình là được vay thêm vốn để phát triển chăn nuôi.

 

Để vận động người dân sống bằng nghề thả bẫy nhử tôm hùm trong vịnh Nha Trang chuyển đổi ngành nghề, tạo sinh kế mới, từ năm 2013, UBND TP. Nha Trang dành một phần vốn từ ngân sách thành phố cho vay thông qua kênh NHCSXH tỉnh. Đến nay, đã có 232 hộ của 6 xã, phường được vay vốn là: Vĩnh Lương, Vĩnh Phước, Vĩnh Thọ, Vĩnh Hòa, Phước Đồng và Vĩnh Trường với tổng vốn vay hơn 4,6 tỷ đồng, mức vay 20 triệu đồng/hộ.
 

Theo ông Nguyễn Phước, xã Vĩnh Lương có khoảng 400 - 500 hộ sống bằng nghề thả bẫy nhử tôm hùm. Trong đó, hơn 100 hộ làm nghề trong vùng bị cấm. Chính quyền địa phương đã vận động người dân vay vốn chuyển đổi nghề. Ban đầu, xã lập danh sách có 68 hộ nhưng cuối cùng chỉ có 23 hộ vay. Lý do, có một số trường hợp thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo đã vay vốn từ chương trình giải quyết việc làm, một số cho rằng mức vay 20 triệu đồng không đủ để chuyển đổi ngành nghề. Vì thế, để tạo điều kiện hơn nữa cho người dân vay vốn chuyển đổi nghề, NHCSXH nên nâng mức vay.


Đánh giá hiệu quả sử dụng vốn vay, bà Trương Thị Thanh Tùng - Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết, qua kiểm tra thực tế, các hộ đã sử dụng vốn vay chuyển đổi ngành nghề hiệu quả. Người dân đã có ý thức được việc bảo vệ môi trường biển, nghỉ hẳn nghề thả bẫy nhử tôm hùm để chuyển sang ngành nghề khác như: làm thợ hàn, thợ sắt, chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán… “Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy mức đầu tư như vậy còn thấp so với nhu cầu hộ vay nên kiến nghị các cấp có thể nâng mức cho vay phù hợp với nhu cầu và khả năng trả nợ của hộ vay”, bà Tùng đề xuất. Với mức vay hiện nay, hộ vay khó có vốn tích lũy, mở rộng sản xuất.


N.D