07:08, 22/08/2017

Triển khai nhiều mô hình khuyến ngư

Những năm qua, công tác khuyến ngư đã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa đẩy mạnh, nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, hoạt động khuyến ngư hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn.

 

Những năm qua, công tác khuyến ngư đã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa đẩy mạnh, nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, hoạt động khuyến ngư hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn.


Các mô hình hiệu quả


Năm 2016, từ kinh phí Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững tỉnh, mô hình nuôi đa dạng sinh học kết hợp tôm sú, cá dìa được Trung tâm Khuyến nông tỉnh (gọi tắt là Trung tâm) triển khai tại 5 hộ ở thôn Văn Tứ Đông, xã Cam Hòa (huyện Cam Lâm), diện tích đìa nuôi rộng 0,5ha/hộ. Trong thời gian triển khai mô hình, mỗi hộ được dự án hỗ trợ 30% thức ăn công nghiệp và 100% con giống; 75.000 con tôm sú và 2.000 con cá dìa (tổng kinh phí gần 35 triệu đồng/hộ). Qua 6 tháng nuôi, trung bình mỗi hộ thu hoạch 1,16 tấn tôm sú và 280kg cá dìa. Trong quá trình nuôi, người dân chỉ cho tôm ăn còn cá dìa ăn rong và tận dụng thức ăn thừa của tôm. Mô hình nuôi kết hợp này được đánh giá là mô hình nuôi mới, cho hiệu quả kinh tế cao và đang được người dân trong tỉnh nhân rộng. 

 

Cũng trong năm 2016, Trung tâm triển khai mô hình mới tại đảo Trí Nguyên (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang). Từ nguồn kinh phí khuyến ngư của địa phương, Trung tâm đã hỗ trợ cho người dân 1.200 con cá gáy giống và 605kg thức ăn công nghiệp để triển khai mô hình nuôi cá gáy trong lồng bằng thức ăn công nghiệp. Sau 8 tháng nuôi, mô hình đạt kết quả khả quan khi tỷ lệ cá sống đạt 70%, cá thu hoạch đạt kích cỡ 0,8kg/con. Hay mô hình nuôi cá mú trong ao bằng thức ăn công nghiệp được triển khai tại phường Cam Linh (TP. Cam Ranh), xã Vĩnh Thái (TP. Nha Trang) cũng cho hiệu quả cao sau 10 tháng nuôi, cá đạt kích cỡ 0,8kg/con, tỷ lệ sống đạt 70%. Mô hình này còn có thể nuôi xen canh cá mú với tôm. Ngoài ra, các mô hình nuôi cua kết hợp với cá dìa tại thị xã Ninh Hòa, huyện Cam Lâm cũng phát huy hiệu quả và được người dân các địa phương nhân rộng.


Bà Nguyễn Thị Hương Thảo - cán bộ phụ trách khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: “Chỉ tính riêng năm 2016, từ nguồn vốn khuyến nông Trung ương hỗ trợ, nguồn vốn khuyến nông địa phương và nguồn vốn của Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững, trung tâm đã triển khai 7 mô hình khuyến ngư trên các lĩnh vực. Trong năm 2017, với nguồn kinh phí khuyến ngư 180 triệu đồng, trung tâm đã triển khai 4 mô hình khuyến ngư cho ngư dân trong tỉnh gồm: nuôi cá bớp trong lồng sử dụng con giống tiêm vắc xin; sản xuất mứt rong sụn; ứng dụng máy dò ngang trên tàu khai thác thủy sản xa bờ; nuôi tôm sú bán thâm canh đảm bảo an toàn. Qua kiểm tra, các mô hình này đều cho hiệu quả, đến cuối năm sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá để nhân rộng”.

 

Người dân thu hoạch tôm sú, cá dìa trong ao thực hiện mô hình nuôi khuyến ngư được triển khai tại xã Cam Hòa. (Ảnh Trung tâm Khuyến nông tỉnh cung cấp)

Người dân thu hoạch tôm sú, cá dìa trong ao thực hiện mô hình nuôi khuyến ngư được triển khai tại xã Cam Hòa. (Ảnh Trung tâm Khuyến nông tỉnh cung cấp)

   

Còn nhiều khó khăn


Ông Phạm Duy Trường - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, trong điều kiện kinh phí dành cho chương trình khuyến ngư còn thấp, thời gian tới, bên cạnh việc xây dựng các mô hình khuyến ngư trong các lĩnh vực khai thác, chế biến thủy sản, trung tâm sẽ tập trung xây dựng các mô hình khuyến ngư trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, trong đó con tôm là đối tượng chính. Đối với nuôi thâm canh, công nghiệp sẽ chú trọng xây dựng các mô hình để hoàn thiện quy trình nuôi; đối với nuôi đa dạng sinh học sẽ xây dựng các mô hình nuôi ghép tôm với các đối tượng nuôi khác. Từ các mô hình hiệu quả sẽ tiến hành nhân rộng cho người dân trên địa bàn tỉnh.


Bên cạnh kết quả đạt được, hiện nay, việc triển khai các mô hình khuyến ngư trong nuôi trồng thủy sản còn gặp không ít khó khăn. Ảnh hưởng của diễn biến thời tiết thất thường đã khiến cho việc lựa chọn đối tượng nuôi phù hợp gặp khó. Trong khi đó, thị trường đầu ra không ổn định, nhất là giá các loại cá luôn biến động, khiến cho hiệu quả của các mô hình nuôi ghép, nuôi đa dạng sinh học bị ảnh hưởng. Ngoài ra, hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, ý thức cộng đồng vùng nuôi còn hạn chế; các công trình nghiên cứu khoa học liên quan đến nuôi trồng thủy sản còn thiếu… cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả các mô hình.


Để các mô hình khuyến ngư đạt hiệu quả cao, lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh kiến nghị tỉnh quan tâm giải quyết các khó khăn nêu trên. Trong đó, chú trọng đầu tư cho các dự án, mô hình khuyến ngư; đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để tạo đầu ra cho sản phẩm; thủy lợi hóa đồng bộ các vùng nuôi… Về phía các hộ nuôi, cần có ý thức cộng đồng trong nuôi trồng thủy sản, mạnh dạn áp dụng các mô hình khuyến ngư đã khẳng định hiệu quả… Trung tâm sẽ tích cực tìm tòi, tranh thủ các nguồn vốn để triển khai nhiều hơn nữa các mô hình khuyến ngư hiệu quả để người dân áp dụng trong thực tế.


B.L