11:08, 21/08/2017

Quỹ tín dụng nhân dân Vĩnh Phương: Đồng hành cùng người dân

Qua 20 năm hoạt động, Quỹ tín dụng nhân dân Vĩnh Phương (TP. Nha Trang) đã trợ giúp vốn kịp thời cho hàng triệu lượt tổ chức, cá nhân sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế, tiêu dùng.

Qua 20 năm hoạt động, Quỹ tín dụng nhân dân (TDND) Vĩnh Phương (TP. Nha Trang) đã trợ giúp vốn kịp thời cho hàng triệu lượt tổ chức, cá nhân sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế, tiêu dùng.


Được thành lập từ năm 1997, Quỹ TDND Vĩnh Phương ban đầu có gần 700 thành viên, với 190 triệu đồng vốn điều lệ, đồng thời huy động thêm 26 triệu đồng để hoạt động. Qua thời gian, số lượng thành viên tham gia góp vốn ngày càng tăng, tổng vốn hoạt động cũng từng bước phát triển. Chỉ 5 năm sau khi thành lập, quỹ đã thu hút hơn 1.100 thành viên với nguồn vốn hoạt động gần 4 tỷ đồng. Nguồn quỹ chung này được dùng để cho vay và chia lợi nhuận theo tỷ lệ góp vốn của các thành viên. Từ chỗ khởi phát tại xã Vĩnh Phương, Quỹ TDND Vĩnh Phương đã mở dần địa bàn hoạt động, đến nay đã bao quát ở 4 xã liền kề gồm: Vĩnh Phương, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Ngọc (Nha Trang) và Diên Phú (huyện Diên Khánh). Tổng quỹ hoạt động hiện đã vượt con số 48 tỷ đồng với hơn 2.500 thành viên.

 

Khách hàng giao dịch tại Quỹ tín dụng nhân dân Vĩnh Phương

Khách hàng giao dịch tại Quỹ tín dụng nhân dân Vĩnh Phương


Theo bà Nguyễn Thị Trà - Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ TDND Vĩnh Phương, nguồn vốn hoạt động được hình thành từ vốn tự có (do các thành viên góp vốn điều lệ và vốn được hình thành từ quá trình hoạt động trích lập - PV) và vốn huy động từ thành viên, từ nhân dân dưới hình thức tiền gửi tiết kiệm. Là một tổ chức hoạt động theo mô hình hợp tác xã trong lĩnh vực huy động và cho vay vốn, đặc biệt là tại các vùng nông thôn - nơi người dân chưa có thói quen giao dịch với ngân hàng, Quỹ TDND Vĩnh Phương có lợi thế là gần gũi, am hiểu người dân. “Chúng tôi thẩm định hồ sơ chủ yếu là tín chấp, thông qua các tổ chức chính trị, đoàn thể, hàng xóm, láng giềng… để thẩm định mức độ uy tín của người vay. Những người chí thú làm ăn, siêng năng cần cù… được ưu tiên vay vốn”, bà Trà cho biết. Những năm qua, tỷ lệ nợ quá hạn của quỹ thường ở mức rất thấp. Tính từ năm 2012 đến nay, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ ở mức 0,1% đến 0,2%. Đến hết tháng 5-2017, dư nợ cho vay của quỹ là trên 22 tỷ đồng, nhưng số nợ quá hạn chỉ 51 triệu đồng.


Được biết, mức độ góp vốn cho quỹ rất đa dạng, người ít nhất khoảng 200.000 đồng, người nhiều nhất lên đến 60 triệu đồng. Đa số người dân vay vốn để sửa chữa nhà cửa, mua sắm phương tiện đi lại, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Mức vay và thời hạn vay rất đa dạng nhưng phổ biến trong khoảng 20 - 30 triệu đồng. Đơn cử như trường hợp bà Nguyễn Thị Mật ở thôn Trung, Vĩnh Phương. Theo bà Mật, nguồn thu nhập kiếm được từ việc buôn bán nhỏ ở chợ chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt và tích cóp được số tiền không đáng kể, nên nguồn vay từ Quỹ TDND Vĩnh Phương là cách để bà góp ít thành nhiều, thực hiện được các công việc lớn cho gia đình như: sửa phòng khách, sửa nhà bếp, mua xe cho con... Khác với bà Mật, một hộ gia đình khác vay 450 triệu đồng để làm vốn mở rộng quy mô thu mua lúa, xay xát bán gạo ra thị trường, mang về hiệu quả kinh tế tốt hơn.


Tính đến cuối tháng 7-2017, quỹ đã cho vay phát triển sản xuất nông nghiệp gần 4,8 tỷ đồng, cho vay xây dựng, sửa chữa nhà cửa 13 tỷ đồng, cho vay phát triển kinh doanh, dịch vụ 2,6 tỷ đồng và vay tiêu dùng 1 tỷ đồng. “Sau gần 20 năm hoạt động, chúng tôi có thể khẳng định mô hình hoạt động của quỹ tín dụng đã đi đúng hướng, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, tạo được mối liên kết và tính tương trợ cộng đồng, góp phần xóa đói giảm nghèo, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn, đưa cuộc sống của thành viên ngày càng khá hơn. Hầu hết người vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, làm ăn có hiệu quả, trả nợ đúng hạn, tình trạng bán lúa non, quả non giảm đáng kể”, bà Trà cho biết.


C.Đ



 



Theo ông Hồ Hữu Đức - Phó Giám đốc Liên minh Hợp tác xã tỉnh: Quỹ TDND có bộ máy tổ chức theo mô hình hợp tác xã, vận hành theo nghiệp vụ ngân hàng. Đây là tổ chức tín dụng hợp tác do nhân dân tự nguyện thành lập, hoạt động trong địa bàn làng xã nhằm thu hút nguồn vốn tiềm tàng trong dân cư và cung ứng vốn tại chỗ trực tiếp tới từng hộ dân một cách kịp thời, tiện lợi trên tinh thần tương trợ cộng đồng.

                                                         ________________________________________



Đến nay, toàn tỉnh có 4 quỹ TDND gồm: Vĩnh Phương, Vĩnh Thái, Cam Lâm và Ninh Hòa. Tổng số thành viên là 6.488 người, có vốn điều lệ gần 7 tỷ đồng và tổng tài sản trên 136 tỷ đồng. Dư nợ cho vay tính đến hết năm 2016 gần 79 tỷ đồng. Trong đó, cho vay tập trung vào sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản chiếm hơn 57%.