07:01, 28/01/2016

Tuyển chọn 2 giống sắn cao sản cho Khánh Vĩnh

Kết quả đề tài xây dựng các biện pháp kỹ thuật canh tác giống sắn (cây mì) cao sản tại huyện Khánh Vĩnh đã tuyển chọn được 2 giống cho năng suất, chất lượng tốt và sạch bệnh.

Kết quả đề tài xây dựng các biện pháp kỹ thuật canh tác giống sắn (cây mì) cao sản tại huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã tuyển chọn được 2 giống cho năng suất, chất lượng tốt và sạch bệnh.


Đề tài do ông Lê Văn Hùng (Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh) làm chủ nhiệm; Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ là cơ quan thực hiện.


Tại Khánh Vĩnh, diện tích trồng sắn dao động từ 1.500 đến 1.700ha (chiếm 13,6 - 15,4% diện tích đất sản xuất nông nghiệp). Qua điều tra của nhóm thực hiện đề tài, cây sắn ở Khánh Vĩnh chủ yếu được trồng trên đất xám, khai thác lâu năm nên độ phì kém và đất thường chua; độ dốc canh tác từ 8 đến 15o nên nguy cơ xói mòn rửa trôi lớn; giống sắn sử dụng đại trà là KM94 sử dụng trong sản xuất đã thoái hóa và xảy ra bệnh chổi rồng gây hại nặng; bộ giống sắn đơn điệu nên dễ gặp phải nguy cơ mất mùa khi gặp thời tiết bất lợi, dịch hại xuất hiện. Người dân trồng sắn chủ yếu trồng “chay” (không bón phân). Năng suất sắn ở Khánh Vĩnh rất thấp, chỉ biến động từ 12 đến 14 tấn/ha, thấp hơn nhiều so với năng suất bình quân chung của cả tỉnh (19 tấn/ha) và cả nước (17 tấn/ha). Chính vì vậy, để nâng cao năng suất và chất lượng cây sắn ở Khánh Vĩnh, cần đánh giá được những hạn chế về yếu tố sinh học, phi sinh học và kinh tế - xã hội trong sản xuất sắn; lựa chọn giống sắn mới có năng suất cao và chất lượng tốt để xây dựng cơ cấu bộ giống sắn chủ lực của địa phương; xác định biện pháp canh tác sắn hợp lý và giảm thiểu thoái hóa đất thích hợp với điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội của địa phương.


Qua 3 năm thực hiện, đề tài đã tuyển chọn được 2 giống sắn cao sản là KM140 và SM937-26 với năng suất trên 30 tấn/ha, có khả năng thay thế giống sắn cũ KM94 được trồng phổ biến tại Khánh Vĩnh từ trước đến nay đang nhiễm bệnh chổi rồng nặng.


Trong khuôn khổ đề tài, nhóm thực hiện đã triển khai 2 mô hình: thâm canh giống sắn cao sản và thâm canh sắn kết hợp trồng xen đậu đen trên diện tích 6ha. Kết quả, mô hình thâm canh giống sắn cao sản lãi ròng trung bình 18,3 triệu đồng/ha, cao hơn đối chứng 131,6%; mô hình trồng sắn xen đậu đen lãi ròng trung bình 32,4 triệu đồng/ha, cao hơn đối chứng 157,1%. Với quy mô thực hiện của cả 2 mô hình 6ha, thu nhập (tính cả công lao động) trực tiếp của hộ nông dân trong kỳ đề tài là 208,8 triệu đồng.


Đề tài cũng đã xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác sắn bền vững trên đất dốc và quy trình kỹ thuật canh tác sắn bền vững phù hợp với điều kiện đầu tư hạn chế của đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, 2 giống sắn đều thực hiện làm đất tối thiểu (cày, bừa); mật độ trồng 10.000 hom/ha đối với giống SM937-26 và 12.500 hom/ha đối với giống KM140; hàng cách hàng từ 80 đến 100cm và cây cách cây từ 80 đến 100cm. Lượng phân bón thích hợp cho 1ha sắn trồng thuần là 500kg phân hữu cơ vi sinh, 100kg đạm, 60kg lân, 160kg kali. Ở điều kiện đầu tư thấp của đồng bào dân tộc thiểu số, áp dụng quy trình tương đương một nửa lượng phân bón.


Qua kết quả xây dựng mô hình thử nghiệm cho thấy, trong cùng điều kiện địa hình, các mô hình canh tác xen canh đều cho hiệu quả kinh tế cao hơn canh tác sắn thuần. Bên cạnh hiệu quả kinh tế còn mang lại hiệu quả về môi trường. Đó là, xen canh cây họ đậu góp phần cải tạo đất, làm tăng thảm thực vật bề mặt, giảm dòng chảy, qua đó giảm xói mòn, tăng ẩm độ đất... Trước đây, phần lớn diện tích trồng sắn độc canh liên tục trong nhiều năm nên đất nghèo kiệt, đặc biệt là rất thiếu kali, tác động xấu đến môi trường. Vì vậy, việc thay đổi phương thức trồng sắn thuần sang trồng sắn xen canh cây đậu là rất cần thiết. Theo nhóm thực hiện đề tài, trong điều kiện hiện tại, phương thức canh tác sắn ở huyện Khánh Vĩnh được lựa chọn là làm đất tối thiểu và có trồng xen cây đậu đen. Khi có chính sách hỗ trợ làm đường đồng mức, phương thức canh tác sắn sẽ được lựa chọn là làm đất theo đường đồng mức và có trồng xen cây đậu đen.


Từ kết quả đề tài, nhóm thực hiện đề nghị đưa 2 giống sắn mới là KM140 và SM937-26 vào cơ cấu giống sắn ở địa phương. Đồng thời, kiến nghị đưa 2 giống sắn có tiềm năng KM297 và KM227 vào thử nghiệm sản xuất ở diện hẹp để đánh giá tính ổn định năng suất làm nguồn giống dự trữ.


Ngoài các thông tin có tính khoa học, kỹ thuật, thành viên Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh nghiệm thu đề tài đề nghị cần quan tâm yếu tố đầu ra, thị trường tiêu thụ để nâng cao giá sắn và hỗ trợ công cụ chế biến cho người dân.


N.D