02:06, 13/06/2011

Triển lãm điêu khắc trên cát: Khát vọng “xanh”

Chiều 12-6, tại bãi biển phía trước Quảng trường 2-4 TP. Nha Trang, Công ty Cổ phần Truyền thông GTO khai mạc triển lãm điêu khắc trên cát “Vì một hành tinh xanh”.

Chiều 12-6, tại bãi biển phía trước Quảng trường 2-4 TP. Nha Trang, Công ty Cổ phần Truyền thông GTO khai mạc triển lãm điêu khắc trên cát “Vì một hành tinh xanh”. 15 tác phẩm điêu khắc cát của các nghệ sĩ, nhóm nghệ sĩ đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã đem đến cho triển lãm một sự sinh động. Cát! Thứ vật chất khô khan, rời rạc ấy khi được “nhào nặn” qua ý tưởng, bàn tay của các nghệ sĩ đã trở nên quyến rũ hơn và mang đầy những thông điệp đầy ý nghĩa nhân văn về việc bảo vệ môi trường, gìn giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Bất ngờ và thích thú, đó là cảm giác chung của tất cả mọi người đến với triển lãm điêu khắc cát, bởi những tác phẩm từ cát đầy sức sống, mang những thông điệp đầy ý nghĩa nhân văn. Có thể kể ra đây như tác phẩm Chiếc nôi của nhà điêu khắc Phạm Thu Nga (TP.Hồ Chí Minh) với hình ảnh đôi tay đang ôm ấp, nâng niu tổ yến như sự xác tín về việc bảo vệ sự sống; tác phẩm Cứu tôi của nhóm tác giả Trường Đại học Sài Gòn khắc họa hình ảnh con rùa đang chở những sinh vật biển vào bờ khẩn cầu con người hãy thôi có những hành động phá hoại môi trường, thay vào đó là sự bảo vệ đại dương. Hay như tác phẩm Hủy hoại môi trường của nhà điêu khắc Lê Vấn (Đắc Lắc) thể hiện con khủng long đang giãy chết với những chai, lọ bao quanh, để ngầm ngụ ý mạnh: đến khủng long cũng không thể sống sót nếu môi trường bị tàn phá. Cũng mang thông điệp về “hành tinh xanh” còn có tác phẩm Mầm sống (nhóm tác giả Trường Đại học Sài Gòn) với hình ảnh mầm sống vươn lên trên những sinh vật chết, Nha Trang xanh (Đoàn Xuân Hùng) với hình ảnh những con chim yến chao lượn trên biển Nha Trang, hay tác phẩm Ngôi nhà của sự sống của Sàn giao dịch bất động sản Trung Kiên thể hiện khu đô thị sinh thái nằm giữa biển và núi trong triết lý giao hòa với thiên nhiên...

Tác phẩm “Bước chân Trường sa” của nhóm tác giả Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, công chúng xem triển lãm rất thích thú với những tác phẩm mang thông điệp kép về môi trường và chủ quyền biển đảo như Ra biển, Bước chân Trường Sa, Hóa thạch biển Đông... Tác phẩm Ra biển (nhà điêu khắc Phạm Thu Nga) thể hiện hình ảnh con tàu vượt sóng ra Trường Sa với lá cờ Tổ quốc hiên ngang nơi mũi tàu, với những chiếc nón tượng trưng cho sự hiện diện của con người việt Nam nơi đầu sóng. Tác giả của tác phẩm Ra biển bày tỏ: “Với tác phẩm này, tôi muốn thể hiện quyết tâm bảo vệ, gìn giữ chủ quyền biển của Việt Nam. Tôi tin tưởng, trong cuộc chiến cam go về bảo vệ chủ quyền biển đảo, Việt Nam sẽ nhận được sự ủng hộ của lực lượng tiến bộ trên thế giới”. Cũng mang thông điệp về biển đảo, nhóm tác giả Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã làm nên tác phẩm Bước chân Trường Sa để khẳng định sự hiện diện sớm nhất của dân tộc Việt Nam trên quần đảo này, đồng thời thể hiện quyết tâm giữ gìn môi trường, giữ gìn chủ quyền biển đảo của thế hệ trẻ hôm nay. “Nếu như ngày xưa bước chân thần tốc đoàn quân của vua Quang Trung Nguyễn Huệ có thể đánh đuổi được quân Thanh, thì ngày nay, bước chân của thế hệ trẻ Việt Nam sẽ đủ sức giữ gìn quần đảo Trường Sa “máu thịt” của Tổ quốc”, một thành viên của nhóm tác giả Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh chia sẻ. Cũng ngụ ý về chủ quyền, họa sĩ Nguyễn Anh Vũ (Hà Nội) lại thể hiện tác phẩm Hóa thạch biển Đông với hình ảnh một bộ xương hóa thạch con cá lớn đang nuốt cá bé, điều khác lạ là con cá bé vẫn sống. Theo anh Vũ, biển cả chứa rất nhiều trầm tích văn hóa, lịch sử. Ở đó không chỉ có sự sống mà còn có cả những triết lý sống để con người có thể chiêm nghiệm. Anh không nói nhiều về tác phẩm của mình, nhưng người xem có thể “ngộ” ra thông điệp tác giả muốn truyền đi: “Trong mối quan hệ giữa người với người, hay cao hơn nữa là giữa quốc gia này với quốc gia khác không nên ỷ mạnh hiếp yếu, bởi chưa chắc kẻ yếu đã là người thua cuộc”. Đó chính là khát vọng hòa bình, cũng là lời cảnh báo cho những thế lực đang tính chuyện “ỷ mạnh hiếp yếu”.

Các nhân công đang giúp nhà điêu khắc Phạm Thu Nga làm tác phẩm “Ra biển”.
Tại sao lại là cát chứ không phải chất liệu nào khác ở triển lãm này? Anh Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần GTO bày tỏ: “Khi sóng thần xảy ra ở Nhật Bản, tôi cũng như mọi người đã thấy được sự khủng khiếp mỗi khi bà mẹ thiên nhiên “nổi cơn thịnh nộ”. Vì vậy, tôi muốn làm một cái gì đó để kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ môi trường, gìn giữ sự sống. Và tôi đã nghĩ đến cát! Cát có thể vùi lấp tất cả, nhưng cát cũng có thể trở thành chất liệu nghệ thuật “đánh thức” con người trong việc bảo vệ sự sống, góp phần đem lại sự sống bằng việc quyên góp từ thiện trong triển lãm này”.

Nhiều người đã nghi ngờ về tính khả thi của “dự án” này, bởi có những người từng thất bại với điêu khắc cát. Triển lãm lần này là câu trả lời xác đáng nhất. Nhà điêu khắc Đoàn Xuân Hùng bày tỏ: “Cát ở Nha Trang hạt to, thiếu độ kết dính nên tính thẫm mỹ của tác phẩm chưa cao. Tuy nhiên, trong nghệ thuật kiểu “công cộng” thế này, điều quan trọng là thông điệp gửi đến công chúng, về điều này thì triển lãm đã rất thành công. Bởi các tác giả không chỉ thể hiện đúng chủ đề Ban tổ chức đưa ra là “vì một hành tinh xanh”, mà còn rất sáng tạo khi kết hợp với vấn đề chủ quyền biển đảo đang rất “nóng bỏng”… Tôi nghĩ Festival Biển của Khánh Hòa cần duy trì hoạt động này”.

XUÂN THÀNH