01:06, 07/06/2011

Khó cạnh tranh với gạch nung truyền thống

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế, tốc độ đô thị hóa, ngành sản xuất vật liệu xây dựng cũng có bước phát triển lớn, với nhiều chủng loại sản phẩm. Đặc biệt, các vật liệu xây không nung được đánh giá rất cao về hiệu quả kinh tế, kỹ thuật.

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế, tốc độ đô thị hóa, ngành sản xuất vật liệu xây dựng cũng có bước phát triển lớn, với nhiều chủng loại sản phẩm. Đặc biệt, các vật liệu xây không nung (VLXKN) được đánh giá rất cao về hiệu quả kinh tế, kỹ thuật. Tuy nhiên hiện nay, loại vật liệu xây này vẫn khó cạnh tranh với các vật liệu nung truyền thống.

Đến xưởng sản xuất của Công ty Cổ phần Khoáng Việt Nha Trang, chúng tôi được ông Vũ Văn Thám - cán bộ kỹ thuật của Công ty giới thiệu: “Sản phẩm gạch block không nung của Công ty được sản xuất từ bột đá, bụi đá có nhiều ưu điểm hơn so với gạch đất sét nung với khả năng chịu lực, cách âm, cách nhiệt, chống thấm cao… Sử dụng gạch block không nung còn có thể tiết kiệm đến 30 - 40% chi phí xây dựng so với gạch nung truyền thống. Đặc biệt, nhờ sử dụng công nghệ ép rung, nguyên liệu để sản xuất gạch chủ yếu từ bột đá, bụi đá nên góp phần vào việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường”. Để nâng cao năng lực sản xuất, Công ty đã mạnh dạn đầu tư hơn 2,1 tỷ đồng mua các thiết bị máy móc như: máy sản xuất gạch block công nghệ ép rung, máy sản xuất gạch tự chèn, máy mài gạch, hệ thống trộn… Hiện năng lực sản xuất của Công ty đạt hơn 1 triệu viên gạch các loại/năm.

Tương tự, sản phẩm gạch nhẹ của Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ xây dựng Minh Đức là hỗn hợp xi măng, cát, tro bay không nung, có khả năng cách âm hơn gạch đất nung đến 2 lần, hấp thụ nhiệt và truyền dẫn nhiệt ít hơn gạch nung 2 lần, độ chống thấm, độ bền tăng gấp đôi, khả năng kết dính 100%, trọng lượng tịnh nhẹ hơn nước. Gạch nhẹ rất phù hợp với những vùng đất dễ lún, đất lấn biển. Tổng mức đầu tư xây dựng công trình giảm 7 - 10% so với sử dụng gạch nung bình thường.

Sản phẩm gạch block không nung của Công ty Cổ phần Khoáng Việt Nha Trang đang được đưa đi tiêu thụ.
Theo tính toán của các chuyên gia, tuy sản phẩm VLXKN có hiệu quả kinh tế, kỹ thuật vượt trội so với vật liệu nung truyền thống, nhưng trên thị trường, vật liệu nung truyền thống đang chiếm ưu thế, VLXKN chỉ chiếm tỷ lệ thấp, hơn 10%. Ước tính năm 2010, cả nước sử dụng tới 25 tỉ viên gạch. Theo quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2020 thì năm 2015, nhu cầu của cả nước là 32 tỉ viên và đến năm 2020 nhu cầu sử dụng vật liệu xây tương ứng khoảng 42 tỉ viên gạch. Để sản xuất 1 tỉ viên gạch đất sét nung kích thước tiêu chuẩn phải tiêu tốn khoảng 1,5 triệu m3 đất sét, 0,15 triệu tấn than, đồng thời thải ra bầu không khí trên nửa triệu tấn CO2. Như vậy, nếu đến năm 2020, cả nước hoàn toàn sử dụng 42 tỉ viên gạch đất sét nung thì phải mất trên 60 triệu m3 đất sét. Khối lượng đất sét này nếu khai thác với chiều sâu trung bình 2m thì sẽ mất khoảng 3.000ha đất nông nghiệp, phải tiêu tốn gần 6 triệu tấn than, thải ra trên 17 triệu tấn khí CO2… Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an ninh lương thực, làm ô nhiễm môi trường…

Việc sử dụng VLXKN thay thế cho vật liệu nung truyền thống là giải pháp thích hợp. Để phát triển VLXKN, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 567/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020. Theo đó, từ năm 2011, các công trình nhà cao tầng (từ 9 tầng trở lên) sử dụng tối thiểu 30% VLXKN loại nhẹ (khối lượng không lớn hơn 1.000kg/m3) trong tổng số vật liệu xây dựng, đồng thời khuyến khích các công trình xây dựng sử dụng VLXKN khác có độ rỗng nhiều hơn 30% và VLXKN loại nhẹ… Bộ Xây dựng cũng có nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất VLXKN. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp sản xuất VLXKN, hiện nay sản phẩm gạch không nung đang bước đầu được thị trường tin dùng nhưng vẫn rất khó để cạnh tranh với gạch nung truyền thống.

Bà Vũ Thị Nương - Giám đốc Công ty Cổ phần Khoáng Việt Nha Trang cho biết: “Hiện mỗi tháng, Công ty sản xuất và tiêu thụ khoảng 80.000 viên gạch block không nung các loại và khoảng 40.000 viên gạch lát nền vỉa hè. Nếu so sánh với gạch nung truyền thống thì sức tiêu thụ gạch block không nung không chỉ chậm mà số lượng cũng ít hơn rất nhiều”. Theo lý giải của bà Vũ Thị Nương, sở dĩ VLXKN khó cạnh tranh được với các vật liệu xây truyền thống khác do nhiều nguyên nhân, nhưng cơ bản nhất vẫn là thói quen. Những năm gần đây, hậu quả của việc sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung đã dần lộ rõ. Nhưng thói quen sử dụng vật liệu nung truyền thống vẫn đang được nhiều người duy trì. Việc sản xuất VLXKN e rằng rất khó tiêu thụ nên chưa có nhiều đơn vị sản xuất, hoặc sản xuất với quy mô nhỏ… Thực tế này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của VLXKN.

Để VLXKN có điều kiện phát triển, bên cạnh các giải pháp về cơ chế chính sách khuyến khích phát triển thì việc tuyên truyền đến nhà quản lý, chủ đầu tư công trình, đơn vị thi công và người dân là việc làm cần thiết, nhằm giúp mọi người thấy được cái lợi của VLXKN và đưa vào sử dụng.

BÍCH LA