01:06, 07/06/2011

Trái chiều tiền gửi VND và ngoại tệ

Tổng số dư tiền gửi bằng VND và ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng đã có những chuyển động trái chiều, sau những tác động của chính sách tiền tệ.

 
Tổng số dư tiền gửi bằng VND và ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng đã có những chuyển động trái chiều, sau những tác động của chính sách tiền tệ.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố thông tin tổng hợp về tình hình hoạt động ngân hàng trong tháng 5-2011. Điểm nổi bật trong tháng này là tổng số dư tiền gửi bằng VND đã tăng mạnh trở lại, trong khi bằng ngoại tệ có sự sụt giảm đáng chú ý.

Cụ thể, nguồn thông tin trên cho biết, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đến 19-5-2011 ước tăng 0,56% so với tháng trước, trong đó tiền gửi bằng VND tăng 1,32%, tiền gửi bằng ngoại tệ giảm 1,96%. So với cuối năm trước, tổng số dư tiền gửi của khách hàng ước tăng 1,4%.

Trước đó, tính đến 21-4-2011, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng giảm 1,09% so với tháng trước, đáng chú ý là tiền gửi bằng VND giảm 1,84%, trong khi tiền gửi bằng ngoại tệ tăng 1,46%.

Như vậy, sau loạt chính sách liên tiếp của Ngân hàng Nhà nước, diễn biến các dòng vốn đã có những chuyển động mới. Với việc áp trần lãi suất huy động USD đối với tiền gửi của dân cư (cùng với cơ chế tương tự đối với tiền gửi tổ chức trước đó), việc chuyển đổi vốn từ ngoại tệ sang VND đã thể hiện.

Đi cùng với đó, tỷ giá USD/VND thời gian qua cũng phản ánh sát với sự chuyển đổi trên. Cung USD thương mại thuận lợi khiến giá bán liên tục sụt giảm.

Trong ngày 6-6, giá USD bán ra của nhiều ngân hàng lớn như Ngân hàng Á châu (ACB), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) chỉ còn 20.580 VND, thấp nhất kể từ ngày 11-2-2011 - ngày Ngân hàng Nhà nước siết biên độ và tăng tỷ giá.

Trên thị trường tự do, thông tin phản ánh gần đây cho thấy giá USD bán ra còn thấp hơn cả của ngân hàng thương mại, rơi xuống mức thấp nhất kể từ kỳ leo thang từ tháng 10-2010.

 

Trở lại với thông tin trên, việc huy động vốn bằng VND tăng trở lại là một chuyển biến tích cực, gắn với trạng thái thanh khoản của các ngân hàng thương mại. Phía sau chuyển biến này có thể gắn với nguồn vốn VND từ kế hoạch Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ với 1,2 tỷ USD trong tháng 5, cũng như một lượng vốn đáo hạn từ trái phiếu Chính phủ và trái phiếu Chính phủ bảo lãnh.

Huy động vốn VND khả quan hơn cũng là một nhân tố giảm bớt căng thẳng trên thị trường liên ngân hàng. Thông tin tổng hợp từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng từ giữa tháng 5 đến nay có xu hướng giảm so với cuối tháng trước. Hiện lãi suất cho vay qua đêm ở khoảng 13%/năm, lãi suất cho vay 1 tuần ở mức 15%/năm, lãi suất cho vay 2 tuần đến 1 tháng ở mức 18%/năm. Cá biệt, trong tháng có những thời điểm lãi suất qua đêm thấp nhất ghi nhận chỉ 11%/năm.

Huy động vốn thuận lợi hơn, nhưng hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại vẫn chưa có hướng tăng trưởng mạnh. Tín dụng đối với nền kinh tế đến 19/5/2011 chỉ tăng 0,01% so với tháng trước, trong đó tín dụng bằng VND giảm 0,64%, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 2,19%. Và so với cuối năm trước, tín dụng đối với nền kinh tế mới chỉ tăng khoảng 6,07%. Đáng chú ý là 5 tháng đầu năm là thời điểm các doanh nghiệp tập trung triển khai các dự án kinh doanh.

Tuy nhiên, tại buổi họp báo về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa qua, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng tăng trưởng tín dụng thời gian qua là phù hợp với định hướng chung cho cả năm.

Nếu theo “chỉ tiêu” dưới 20% cho năm nay, tăng trưởng tín dụng 7 tháng cuối năm vẫn còn dự địa đáng kể.

Theo VnEconomy