05:05, 20/05/2009

Lãi suất huy động bằng VND âm ỉ “nóng”

Từ đầu tháng 5 đến nay, mặt bằng lãi suất huy động bằng VND của các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa liên tục tăng...

Lãi suất hấp dẫn đang thu hút người gửi tiền. Ảnh: T.H

Từ đầu tháng 5 đến nay, mặt bằng lãi suất (LS) huy động bằng VND của các chi nhánh ngân hàng thương mại (CN NHTM) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa liên tục tăng. Tuy mức tăng không nhanh, mạnh bằng cùng kỳ năm 2008, nhưng không vì thế mà sự cạnh tranh LS huy động bằng VND không căng thẳng.

Tuần qua, mặt bằng LS huy động VND của các CN NHTM, đặc biệt là các NHTM cổ phần (CP) trên địa bàn tiếp tục tăng nhẹ, mức tăng từ 0,1 - 0,9%/năm cho tất cả các kỳ hạn; đặc biệt ở kỳ hạn 36 tháng, LS đã chạm mốc 9,5%/năm. Hiện LS huy động VND phổ biến ở mức 7,3 - 7,9%/năm. Nếu vào nửa cuối tháng 4, LS huy động dần điều chỉnh tăng, chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn (qua đêm, 1 tuần, 2 tuần) thì hiện nay, ở các kỳ hạn dài hơn (3, 6, 9, 12 và 24 tháng) có xu hướng tăng trở lại, về đúng quỹ đạo vốn có của LS - cao dần theo các kỳ hạn dài dần.

Cụ thể, đầu tháng 5, với sản phẩm “Tiết kiệm siêu hấp dẫn 3+”, LS huy động của NHTM CP Sài Gòn - Hà Nội CN Khánh Hòa lên tới 9,3%/năm cho kỳ hạn 36 tháng và LS cộng thưởng có thể thêm 0,25% được xem là hấp dẫn nhất trên thị trường. Nhưng từ ngày 8-5, NHTM CP Hàng hải (Maritime Bank) CN Khánh Hòa cũng quyết định tăng LS tiền gửi VND ở hầu hết các kỳ hạn. Biểu LS tiền gửi mà Maritime Bank áp dụng đều cao hơn mức trung bình trên thị trường so với các NHTM khác. Cụ thể, khách hàng gửi tiền các kỳ hạn 1 - 3 - 6 hay 12 tháng sẽ được hưởng LS tương ứng lần lượt là 7,8 - 8,0 - 8,1 - 8,35%/năm. Đặc biệt, với các kỳ hạn dài như 18, 24 và 36 tháng, Maritime Bank áp dụng mức LS cao nhất cho khách hàng lần lượt là 9,0%/năm, 9,3%/năm và 9,5%/năm. Cũng từ đây, thị trường ghi nhận sự điều chỉnh LS huy động VND trên diện rộng với sự nhập cuộc của một số NHTM CP lớn. Ngày 12-5, NHTM CP Á Châu (ACB) bắt đầu tăng mạnh LS ở hầu hết các kỳ hạn, mức cao nhất (thêm LS thưởng) là 8,75%/năm (kỳ hạn 36 tháng). Ngày 14-5, NHTM CP Kỹ thương (Techcombank) tăng thêm 1,3%/năm ở một số kỳ hạn so với biểu LS cũ; cao nhất là sản phẩm Tiết kiệm phát lộc: trên 9%/năm. Tuy chưa điều chỉnh trực tiếp biểu LS, nhưng tại NHTM CP Xuất nhập khẩu (Eximbank), người gửi tiền cũng được khuyến khích bằng chính sách nhận ngay tiền thưởng với mức tối đa lên tới 10 triệu đồng, hay thưởng 1% tổng số tiền gửi…

So với các NHTM CP, LS huy động của các NHTM Nhà nước như NH Công thương, NH Đầu tư và Phát triển… thường thấp hơn nhưng sức cạnh tranh cũng không kém phần gay cấn. Ví dụ, tại NH Công thương, với chứng chỉ tiền gửi chỉ phát hành trong 2 tháng (từ 15-4 đến 15-6), LS đã lên tới 9%/năm cho kỳ hạn 36 tháng. Ở các kỳ hạn khác, LS huy động cũng “ngang ngửa” nhiều thành viên hiện có biểu LS cao trên thị trường.

Việc tăng LS huy động của các NH đã tác động tích cực đến công tác huy động vốn. Theo CN NH Nhà nước tỉnh, đến ngày 14-5, tổng nguồn vốn huy động của các CN NHTM trên địa bàn ước đạt 14.165 tỷ đồng, tăng 1,06% so với đầu tháng, trong đó, vốn huy động bằng VND đạt 11.364 tỷ đồng.

Theo lý giải của một số NHTM, đợt tăng LS tiền gửi lần này nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn của NH trong thời gian tới, khi nhu cầu tín dụng đang có dấu hiệu phục hồi dần. Ngoài ra, đằng sau sự âm ỉ “nóng” về LS huy động hiện nay là nhu cầu vốn của các NHTM với kế hoạch trọng điểm của năm - giải ngân theo chương trình hỗ trợ LS của Chính phủ. Từ tháng 4, yêu cầu vốn càng “nóng” hơn khi các khoản vay trung và dài hạn được bổ sung vào diện hỗ trợ này. Bên cạnh đó, thực tế hiện nay, LS vẫn là công cụ cạnh tranh chủ yếu của các NH và việc tăng tính hấp dẫn ở công cụ này cũng là để giữ chân khách hàng.

Tuy nhiên, cuộc đua LS huy động của các NHTM diễn ra trong bối cảnh NH Nhà nước vẫn giữ nguyên mức LS cơ bản trong tháng 5 là 7%/năm (LS huy động và cho vay VND mà các NH áp dụng tối đa chỉ được 10,5%/năm). Điều đó tạo ra tình trạng “huy động cao nhưng cho vay thấp”. Nhiều người đang lo ngại, áp lực về vốn sẽ khiến LS huy động có nguy cơ “vượt trần”; khi đó, các NH buộc phải điều chỉnh tăng LS cho vay, gây bất lợi cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

LÊ NGUYÊN