03:05, 20/05/2009

lữ hành và du lịch của Việt Nam được cải thiện

Việt Nam có ưu thế nhất về mức độ cạnh tranh giá (đứng thứ 11/133). Đây cũng là chỉ số thành phần cao nhất mà ngành du lịch Việt Nam đạt được.

Du lịch bằng xích lô: nét độc đáo tại Việt Nam - Ảnh minh họa

Việt Nam được xếp thứ 89/133, tăng 7 bậc về Chỉ số năng lực cạnh tranh ngành lữ hành và du lịch (TTCI) trong Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh ngành lữ hành và du lịch (TTCR) năm 2009, do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố.

Chỉ số TTCI của Việt Nam đạt 3,70, đứng thứ 17/25 nước được xếp hạng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

TTCI được tính dựa trên 3 nhóm chỉ số về khung pháp lý, hạ tầng cơ sở và nguồn lực con người, văn hóa, tài nguyên thiên nhiên tạo thuận lợi hoặc chi phối năng lực cạnh tranh.

Với nhóm chỉ số khung pháp lý, Việt Nam được xếp thứ 92/133 trong tất cả các quốc gia và nền kinh tế được xếp hạng, thứ 20/27 ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Với nhóm chỉ số về môi trường kinh doanh và cơ sở hạ tầng, Việt Nam xếp tương ứng thứ 85/113 và 16/27. Nhóm chỉ số về nguồn nhân lực, tài nguyên văn hóa và môi trường, Việt Nam đạt thứ hạng 76/113 và 17/27...

Cụ thể hơn nữa, Việt Nam có ưu thế nhất về mức độ cạnh tranh giá (đứng thứ 11/133). Đây cũng là chỉ số thành phần cao nhất mà ngành du lịch Việt Nam đạt được.

Những chỉ số thành phần khác đóng góp vào thế mạnh cạnh tranh giá là vé và lệ phí sân bay (20/133), giá nhiên liệu (23/133), khách sạn (31/133).

Về nguồn nhân lực, TTCI đánh giá Việt Nam có khả năng đáp ứng lao động có chất lượng cao đạt mức khá (thứ 40)...

Về tài nguyên thiên nhiên, Việt Nam có tiềm năng về số lượng di sản thế giới (đứng thứ 23), và tổng số loài sinh vật được biết (đứng thứ 21).

Thông qua đánh giá trên, ngành lữ hành và du lịch Việt Nam có thể xác định được chính xác hơn vị thế của mình so với thế giới và khu vực, từ đó xây dựng các chính sách, và giải pháp cần thiết nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, góp phần đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Theo Chinhphu.vn