09:03, 25/03/2018

Đừng làm du lịch theo kiểu ăn xổi!

Trong chuyến khảo sát tour du lịch 4 đảo Nha Trang mới đây, rất nhiều khách du lịch đã than phiền với chúng tôi về một điểm du lịch bán hàng với giá cắt cổ. Tại điểm du lịch này, bắp (ngô) được bán với giá 30.000 đồng/quả, xoài giá 50.000-60.000 đồng/quả (tùy kích cỡ)...

1. Trong chuyến khảo sát tour du lịch 4 đảo Nha Trang mới đây, rất nhiều khách du lịch đã than phiền với chúng tôi về một điểm du lịch bán hàng với giá cắt cổ. Tại điểm du lịch này, bắp (ngô) được bán với giá 30.000 đồng/quả, xoài giá 50.000-60.000 đồng/quả (tùy kích cỡ), chai nước lọc 500ml giá 20.000 đồng, nước ngọt có giá 10.000 đồng/xô... Nhiều du khách sau khi hỏi giá đã lắc đầu bỏ đi. Một số khác chấp nhận mua hàng nhưng cảm thấy như bị móc túi nên vừa ăn vừa buông lời ta thán. Nghe vậy, nhiều khách đi cùng cũng từ bỏ ý định mua đồ ăn tại đây.
 
Trò chuyện với người viết, chị Nguyễn Thị Kim Chi, khách du lịch đến từ TP. Hồ Chí Minh bày tỏ: “Đừng bao giờ nghĩ khách đi du lịch một lần nên muốn bán sao thì bán. Một khi khách không thoải mái họ sẽ không chi tiền mua sản phẩm, bán đắt nhưng số lượng ít chưa chắc đã có lợi bằng bán đúng giá nhưng số lượng nhiều. Đó là chưa nói khách trở về sẽ lên tiếng chê bai, khuyên người thân không đi, hoặc đi thì chuẩn bị sẵn đồ ăn. Vô hình trung người bán tự mình làm mất đi khách hàng tiềm năng của mình”.  

 

Khách tham gia tiệc rượu trên biển.
Khách tham gia tiệc rượu trên biển của  tour 4 đảo.
 
 
2. Tại hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp du lịch do UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức mới đây, ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã cảnh báo tình trạng các khách sạn bán phòng trọn gói cho các công ty lữ hành nên đã cắt giảm nhân sự và kinh phí cho bộ phận sale và marketing, thậm chí bỏ luôn bộ phận này.
 
Theo một người quản lý khách sạn cao cấp, trong lĩnh vực du lịch, sale và marketing đóng vai trò rất quan trọng. Đó không thuần túy chỉ là bộ phận quảng bá sản phẩm, bán hàng mà còn là kênh để theo dõi, nắm bắt xu hướng thị trường du lịch, thị hiếu của du khách để từ đó doanh nghiệp điều chỉnh, nâng cấp hoặc cho ra đời sản phẩm, dịch vụ  mới đáp ứng nhu cầu của khách. Về lâu dài, nếu không coi trọng sale và marketing, các cơ sở du lịch sẽ không nắm bắt được xu hướng, thị hiếu của du khách, sẽ tụt hậu về chất lượng dịch vụ, lạc hậu so với thời cuộc. Một khi thị trường du lịch có biến động, nguồn khách chính bị mất đi, chắc chắn các doanh nghiệp du lịch sẽ không biết bắt đầu từ đâu vì thiếu thông tin thị trường du lịch, cũng như sản phẩm không đáp ứng được thị hiếu của khách.
 
3. Nha Trang - Khánh Hòa là trung tâm du lịch lớn của Việt Nam và đang vươn tầm quốc tế. Nhiều khách du lịch đánh giá rất cao tiềm năng du lịch xứ Trầm Hương, đồng thời mong muốn du lịch nơi này phát triển tốt hơn nữa. “Đừng so sánh với Vũng Tàu, Phan Thiết..., du lịch Nha Trang phải nhìn xa hơn, hướng đến tầm cao hơn để có những đua tranh với những điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới”, một du khách gửi gắm. 
 
Thiết nghĩ, hơn ai hết những người làm du lịch ở Nha Trang cần ý thức về việc giữ gìn danh tiếng cho du lịch thành phố này. Để phát triển bền vững, những người làm du lịch cần bỏ tư tưởng kinh doanh theo kiểu ăn xổi, nhất là việc chặt chém về dịch vụ. Bởi trong thời đại mạng xã hội phát triển như hiện nay, chỉ cần một vài ý kiến bày tỏ sự không hài lòng sẽ có thể dẫn đến sự bùng phát cả một trào lưu tẩy chay cả điểm đến. Khi ấy thiệt hại dành cho du lịch sẽ không nhỏ! 
 
THÀNH NGUYỄN