11:09, 21/09/2016

Du lịch biển đảo Khánh Hòa: Sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh

Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh vừa nghiệm thu loại đạt đối với đề tài "Nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch biển đảo Khánh Hòa". Kết quả đề tài sẽ giúp tỉnh nhận diện được vị thế hiện tại của du lịch biển đảo Khánh Hòa, từ đó có định hướng phát triển tốt hơn trong thời gian tới.

Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh vừa nghiệm thu loại đạt đối với đề tài “Nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch biển đảo Khánh Hòa”. Kết quả đề tài sẽ giúp tỉnh nhận diện được vị thế hiện tại của du lịch biển đảo Khánh Hòa, từ đó có định hướng phát triển tốt hơn trong thời gian tới.


Đề tài do Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng cùng các cộng sự thực hiện. Theo nhóm nghiên cứu đề tài, Khánh Hòa là tỉnh có nhiều tiềm năng và lợi thế về tài nguyên để phát triển du lịch biển đảo. Tuy nhiên thực tế, du lịch biển đảo Khánh Hòa vẫn chưa phát huy hết tiềm năng đang có. Các sản phẩm du lịch đã được xây dựng nhưng chưa phong phú, đặc sắc và khác biệt. Dịch vụ du lịch còn hạn chế, chỉ mới tập trung vào dịch vụ lưu trú, chưa phát triển rộng rãi các loại hình dịch vụ vui chơi giải trí, chưa chú trọng vào bảo vệ và tôn tạo tài nguyên biển… Những điểm này đã làm cho khả năng cạnh tranh du lịch của Khánh Hòa bị hạn chế so với các điểm đến tương đồng khác ở trong và ngoài nước.

 

Du khách đi tham quan vịnh Nha Trang tại Bến tàu du lịch Cầu Đá. Ảnh: NHÂN TÂM
Du khách đi tham quan vịnh Nha Trang tại Bến tàu du lịch Cầu Đá. Ảnh: NHÂN TÂM


Mặt khác, Khánh Hòa có số lượng buồng phòng nhiều nhất trong các địa phương có điều kiện tương đồng như: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Kiên Giang. Khả năng giữ chân khách lưu trú của Khánh Hòa cũng tốt hơn các địa phương khác. Tuy nhiên, tỷ lệ khách sạn từ 3 đến 5 sao của Khánh Hòa còn thấp hơn so với Bình Thuận, Quảng Nam và Đà Nẵng. Năng lực thu hút vốn đầu tư FDI của Khánh Hòa chưa thực sự hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. So với các điểm đến ở nước ngoài như: Bali (Indonesia), Pattaya (Thái Lan), Kota Kinabalu (Maylaysia), Khánh Hòa có tổng lượng khách du lịch thấp nhất…


Vì vậy, qua 2 năm thực hiện, chủ nhiệm đề tài đã đi sâu nghiên cứu và xây dựng bộ tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh du lịch biển đảo Khánh Hòa; thực trạng phát triển du lịch và du lịch biển đảo. Trong đó, phân tích chi tiết về quy mô và thị trường khách du lịch (trong nước, quốc tế); điểm đến và sản phẩm du lịch biển đảo Khánh Hòa; các dịch vụ cốt lõi trong du lịch biển đảo; mức độ đóng góp của du lịch vào GRPD (tổng sản phẩm trên địa bàn); mức độ đóng góp của du lịch biển đảo Khánh Hòa vào đầu tư phát triển, giải quyết việc làm. Bên cạnh đó, đề tài đã phân tích cụ thể về năng lực cạnh tranh của du lịch biển đảo Khánh Hòa, bao gồm: các điều kiện về cung và cầu; các ngành hỗ trợ có liên quan; chiến lược, cơ cấu và môi trường cạnh tranh của ngành; các cơ chế, chính sách liên quan…


Trên cơ sở đánh giá, phân tích thực trạng năng lực cạnh tranh du lịch biển đảo của tỉnh, cùng với việc nghiên cứu các xu hướng phát triển du lịch trên thế giới, khu vực và Việt Nam…, nhóm nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho du lịch Khánh Hòa. Trong đó, tập trung vào 5 nhóm giải pháp chính: cải thiện điều kiện các yếu tố về cung để tạo giá trị gia tăng; tác động đến điều kiện về cầu nhằm mở rộng thị trường, gia tăng thị phần; phát triển các ngành hỗ trợ để phát triển bền vững sản phẩm du lịch biển đảo; tác động đến chiến lược, cơ cấu và môi trường cạnh tranh để nâng cao khả năng chiếm lĩnh thị trường; tạo cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích và tạo sự hấp dẫn cho môi trường đầu tư kinh doanh du lịch.


Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh cho rằng, nghiên cứu khoa học này sẽ giúp tỉnh Khánh Hòa nhận diện được vị thế hiện tại của du lịch biển đảo, từ đó có những phân tích, đánh giá sâu những điểm còn tồn tại, hạn chế và đưa ra những giải pháp mang tính đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch biển đảo trong thời gian tới. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu đưa ra số liệu có chỗ chưa sát với thực tế du lịch biển đảo Khánh Hòa; một số phân tích chưa sâu, chưa có tính phân biệt rõ ràng; nhóm giải pháp còn mang tính chung chung, chưa có điểm nhấn… cần phải điều chỉnh, bổ sung thêm để hoàn thiện đề tài.


LƯU KHÁNH