06:09, 22/09/2016

Đẩy mạnh du lịch văn hóa trong tổng thể phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.


Theo đó, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam bao gồm: quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa


Chiến lược nêu rõ, các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.


Phấn đấu đến năm 2020, doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3% GDP và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội; trong đó, ngành du lịch văn hóa chiếm từ 10 đến 15% trong tổng số khoảng 18.000 - 19.000 triệu USD doanh thu từ khách du lịch. Đến năm 2030, doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP; trong đó, ngành du lịch văn hóa chiếm 15 - 20% trong tổng số khoảng 40.000 triệu USD doanh thu từ khách du lịch.


Chiến lược khuyến khích phát triển các loại hình du lịch văn hóa, đặc biệt là du lịch di sản, du lịch tâm linh. Liên kết xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa với các nước ASEAN, đẩy mạnh liên kết vùng, địa phương. Xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kinh doanh dịch vụ du lịch tại các điểm có di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, các bảo tàng, nhà hát, trung tâm điện ảnh, làng nghề thủ công truyền thống, khu vui chơi giải trí; xây dựng các thương hiệu du lịch quốc gia. Chú trọng phối hợp liên ngành trong việc quản lý, khai thác và phát triển phù hợp giá trị văn hóa trong quá trình phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.


Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá các sản phẩm du lịch văn hóa, tập trung thu hút khách du lịch văn hóa có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày; sản xuất các sản phẩm du lịch văn hóa đa dạng, phong phú đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách du lịch. Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch văn hóa cần được chú trọng, đặc biệt với nhân lực quản lý, hướng dẫn viên, thuyết minh viên và nhân lực phục vụ trực tiếp khách du lịch; nâng cao chất lượng đào tạo nghề du lịch văn hóa theo tiêu chuẩn nghề ASEAN.


T. H (Tổng hợp)