10:01, 01/01/2014

Thăm đáy biển xuân

Đến hẹn lại xuân, Tết nào tôi cũng chỉ gói ghém "ăn" Tết bằng cỗ tất niên, đón giao thừa. Bắt đầu từ sáng Mùng một, tôi lại lên xe, rong ruổi đi hết tỉnh này đến tỉnh kia, ít nhất cũng du xuân qua vài ba tỉnh thành, để tận hưởng những phong vị xuân rất riêng của mỗi nơi.

Đến hẹn lại xuân, Tết nào tôi cũng chỉ gói ghém “ăn” Tết bằng cỗ tất niên, đón giao thừa. Bắt đầu từ sáng Mùng một, tôi lại lên xe, rong ruổi đi hết tỉnh này đến tỉnh kia, ít nhất cũng du xuân qua vài ba tỉnh thành, để tận hưởng những phong vị xuân rất riêng của mỗi nơi. Và nhờ mỗi năm được trải nghiệm ba, bốn cái Tết mỗi nơi mỗi khác đó, mỗi năm, tuổi xuân của tôi như được nhân ba, nhân bốn…

 


Cứ vậy, hết rừng, rồi ra tận quần đảo Trường Sa… mãi  rồi cũng nếm trải hết những Tết riêng, xuân mới, chẳng biết xuân này, Tết đến sẽ du xuân chốn nào… Đang ngẩn ngơ trước thềm xuân, chợt nhận được lời mời tham quan mô hình bè lặn biển Labixa của Công ty TNHH lặn biển xanh vừa mới khai trương. Thấy trong lịch trình có “vụ” lặn biển khám phá đáy đại dương…, thế là tự nhủ thôi thì làm một cuộc dạo thềm xuân dưới đáy đại dương, chắc chắn sẽ là một trải nghiệm không thể có trên bờ.

 


Bỏ qua 9 dịch vụ tham quan làng biển, ngắm nhìn nơi yến làm tổ… được “mặc định” trong một gói tour 6 giờ  (trọn gói 260.000 đồng/khách), tôi chọn thẳng dịch vụ lặn biển khám phá đại dương tại Hòn Mun - vùng sinh thái biển đang được coi là “thủy cung” tự nhiên với rạn san hô, sinh vật biển đa dạng và đẹp nhất của vùng biển Đông Nam Á. Chỉ khoảng 45 phút trên chiếc tàu gỗ chuyên dùng chở khách du lịch lướt qua các cụm đảo Trí Nguyên, Làng Chài, Hòn Một… nhóm khách lặn chúng tôi đã được tiếp chuyển lên nhà bè Labixa. Sau màn chào hỏi, ngắm nghía nhà bè nổi chúng tôi được dự một khóa tập huấn kiến thức, kỹ năng lặn biển bằng khí tài chuyên dùng do nhóm chuyên gia lặn biển của Labixa giới thiệu và chỉ dẫn” với những thao tác, kỹ thuật thở bằng miệng… Cũng như các khách bạn trong nhóm, tôi được một anh chàng chuyên gia lặn trẻ măng của Labixa hướng dẫn và theo kèm trong suốt lịch trình tham quan. Chọn bộ áo lặn, cùng chiếc kính lặn chuyên dùng, anh dẫn tôi ra cầu tiếp biển. Tại đây, sau khi được giúp đeo thiết bị lặn, tiếp tục trải qua mấy phút tập làm quen với khí tài trên mặt biển, tôi bắt đầu cuộc hành trình xuống đáy đại dương với sự “đi” kèm của người hướng dẫn.  

 

 

 

 Khách du xuân giữa vườn xuân thủy cung.
Khách du xuân giữa vườn xuân thủy cung.

 

Thoạt đầu vừa rời mặt nước, qua kính lặn, tôi nhận ngay các bạn cùng nhóm theo dẫn dắt của huấn luyện viên đi kèm, cũng đang lượn trong không gian nước biển trong ngần. Cứ vậy, 1m, 2m, 5m… Tôi như trôi trên thảm cát, nhấp nhô những cụm san hô khoe sắc màu, níu gọi những đàn cá  “áo” đỏ, “áo” xanh, tím vàng, ngũ sắc.

 


Cũng với cảm giác như khi mang máy ảnh dạo khắp chợ hoa, đường xuân trên bờ… , tôi với chiếc máy ảnh chuyên dùng chụp dưới nước đã làm việc liên tục. Chợt nhớ trong một công bố của các nhà khoa học biển, trên thế giới có khoảng 2.000 loài san hô và sinh vật biển, thì ở góc biển Hòn Mun trong vịnh Nha Trang này đã có đến hơn 1.500 loài, trong đó hơn 350 loài san hô. Chẳng thể tỉ mẩn đếm từng loài, từng loại “hoa” xuân của đường hoa dưới thủy cung này, nhưng cái cảm nhận về sự đa dạng của hoa lá cành trong rạn san hô thì có thể thấy được khi tự mình cầm, nắm, ve vuốt nâng niu từng “bông”, từng nhành hoa đặc trưng, kỳ thú đến không ngờ. Và khác với những cành, hoa san hô khô cứng bày bán trong các cửa hàng lưu niệm trên bờ, trên phố, san hô khi còn sống dưới nước biển rất mềm mại uốn mình theo dòng hải lưu, thành vũ điệu của đại dương. Phụ họa với màn luân vũ của trăm loài san hô là những đàn cá “áo, váy” đủ màu, lúc nhởn nhơ từ xa trố mắt nhìn hoa, khi tung tẩy, chờn vờn luồn vào từng kẽ đám hoa san hô chơi trò cút bắt. Và khác với những ong bướm nhút nhát vẫn thấy ở vườn hoa trên bờ, lúc nào cũng tỏ ra “cảnh giác” với mọi người, lũ “ong bướm” trong lốt cá tôm ở “vườn hoa” đại dương lại tỏ ra thản nhiên, cứ bơi theo, dụi thẳng mũi vào lớp áo lặn, hoặc hướng mắt đối mặt với khách lặn trong tư thế bơi giật lùi.

 

Dập dìu “ong bướm” vườn xuân.
Dập dìu “ong bướm” vườn xuân.

 

Dường như thấy khách đã tự mình ghi lại những khoảnh khắc mê hồn của đáy đại dương, anh chàng huấn luyện viên bơi kèm tôi vòng lên trước ra hiệu chuyển máy ảnh cho anh chụp giùm mấy kiểu “thân chủ” dưới biển. Và cũng nhờ anh huấn luyện viên này, trước khi rời đáy đại dương, tôi cũng đã có được mấy kiểu hình trong tư thế “mắt thấy tay sờ” từng cụm hoa san hô, kết thúc cho một lần thả mình vào đáy đại dương rồi thản lòng lướt như bay trong môi trường trong lành của biển, thăm thú vườn xuân chốn thủy cung có một không hai.

 


Vâng, ngày Xuân Giáp Ngọ năm 2014, tôi đã có thêm một Tết thủy cung, đồng nghĩa với xuân này, tôi có thêm 2 tuổi trải đời trong cùng một xuân.

 


LÊ BÁ DƯƠNG