02:10, 25/10/2017

Giải mã nguyên nhân tóc bạc sớm

Bệnh tóc bạc sớm thường do khiếm khuyết di truyền trong cấu tạo melanin nhưng cũng có thể vì căng thẳng, mất ngủ, suy nhược cơ thể...

Bệnh tóc bạc sớm thường do khiếm khuyết di truyền trong cấu tạo melanin nhưng cũng có thể vì căng thẳng, mất ngủ, suy nhược cơ thể...
 
Bác sĩ da liễu Lê Đức Thọ cho biết, bệnh bạc tóc sớm còn gọi là poliosis (bạc lông, tóc), do sự thiếu hoặc giảm melanin (hắc tố) trong thân của lông, tóc. Tình trạng này khiến bệnh nhân cảm thấy mặc cảm và thiếu tự tin trong cuộc sống bởi mái tóc “muối tiêu” khi tuổi đời còn trẻ. 
 
Người bị bệnh poliosis thường xuất hiện một hoặc nhiều mảng tóc bạc bất thường. Vị trí thường gặp nhất là đầu tóc, ngoài ra có thể ảnh hưởng đến lông mày, lông mi hoặc các vị trí khác. Một số trường hợp còn bị trắng hoặc xám toàn bộ tóc và lông trên cơ thể. 
 
Nhìn chung, yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng nhất trong việc xác định đến thời điểm nào tóc của một người sẽ bạc. Thông thường, bạc tóc là do sự lão hóa của cơ thể khiến các melanocytes sản xuất ngày càng ít sắc tố melanin. 
 
Sự xuất hiện một mảng tóc trắng hoặc xám đã đủ để chẩn đoán tình trạng tóc bạc. Bệnh có thể xảy ra mọi lứa tuổi nhưng ít gặp ở trẻ em. Poliosis ở trẻ em có thể là dấu hiệu của sự rối loạn tuyến giáp, thiếu vitamin B12 hoặc các bệnh lý nghiêm trọng khác.

 

Bác sĩ Thọ đang thăm khám và tư vấn cho một bệnh nhân bị bệnh tóc bạc sớm. Ảnh: T.T.
Bác sĩ Thọ đang thăm khám và tư vấn cho một bệnh nhân bị bệnh tóc bạc sớm. Ảnh: T.T.
 
 
 
Bệnh poliosis ảnh hưởng đến cả người lớn và trẻ em. Nghiên cứu cho thấy nguyên nhân gây bệnh xuất phát từ một khiếm khuyết di truyền trong cấu tạo của melanin hoặc do sự hủy hoại tự nhiên của các tế bào hắc tố ở chân tóc, tổn thương ở nang lông hay chân tóc. Ngoài ra, sự lo lắng, căng thẳng, mất ngủ, suy nhược cơ thể, phụ nữ sau sinh hay yếu tố tuổi già cũng kích hoạt phản ứng dây chuyền ảnh hưởng đến hoạt động của tế bào tạo hắc tố melanocytes. Đây là nguyên nhân gây xáo trộn cơ chế tổng hợp melanin quyết định màu sắc tự nhiên của tóc.
 
Một số bệnh lý khác có thể gây tổn hại nang lông và bạc tóc như bạch biến, rụng tóc từng mảng, nốt ruồi mất sắc tố, tóc bạc đốm, xơ cứng củ... Chấn thương tâm lý, sốc về thể chất hoặc những trải nghiệm căng thẳng khác cũng có thể gây ra chứng bạc lông tóc, đôi khi tạm thời.
 
Theo bác sĩ Thọ, y học hiện nay chưa tìm ra phương thuốc cụ thể nào giúp thay đổi vĩnh viễn màu tóc bị ảnh hưởng bởi chứng bạc lông tóc. Phương pháp đơn giản, hữu hiệu và ít tốn kém nhất là nhuộm tóc hoặc các phương tiện che phủ tóc bạc. Các loại thuốc truyền miệng, thực phẩm chức năng hoặc thảo dược như hà thủ ô, cỏ mực, đậu đen xanh lòng... đều chưa được kiểm chứng hiệu quả trong điều trị tóc bạc.
 
Theo VnExpress