12:07, 23/07/2018

Xã đảo anh hùng

Trong hai cuộc kháng chiến, thôn Đầm Vân (xã Ninh Vân ngày nay) là căn cứ địa cách mạng quan trọng của thị xã Ninh Hòa và của tỉnh Khánh Hòa. Ngày 23-7, xã Ninh Vân vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

 

Trong hai cuộc kháng chiến, thôn Đầm Vân (xã Ninh Vân ngày nay) là căn cứ địa cách mạng quan trọng của thị xã Ninh Hòa và của tỉnh Khánh Hòa. Ngày 23-7, xã Ninh Vân vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.


Đầm Vân - bề dày truyền thống cách mạng


Sau cách mạng tháng Tám thành công, Đầm Vân trở thành vùng giải phóng, căn cứ địa cách mạng. Từ tháng 8-1948 đến tháng 3-1951, thôn Đầm Vân trở thành nơi tiếp nhận hàng chi viện và nhu yếu phẩm để phục vụ chiến đấu. Các đồng chí Ủy viên Khu ủy Liên khu 5, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa như: Nguyễn Xuân Hữu, Mai Dương, Tôn Thất Vỹ đã có thời gian dài sống, chiến đấu, công tác và chỉ đạo phong trào cách mạng của tỉnh tại Đầm Vân. Đặc biệt, tháng 7-1947, đồng chí Lê Duẩn trên đường vào Nam công tác đã ghé qua thôn Đầm Vân. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân thôn Đầm Vân đã đánh địch hơn 30 trận lớn nhỏ, tiêu diệt và làm bị thương hàng trăm tên địch.

 

Trụ sở UBND xã Ninh Vân.

Trụ sở UBND xã Ninh Vân.


Trong giai đoạn kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Đầm Vân được coi là địa phương mở đầu phong trào Đồng Khởi của tỉnh. Tháng 2-1962, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần đầu tiên được tổ chức tại A-xây, phía nam Hòn Dù. Sau đại hội, Tỉnh ủy bàn và chỉ đạo cho Đảng bộ huyện Bắc Ninh Hòa tổ chức quần chúng phát động đồng khởi, giải phóng xã Ninh Phước, trong đó có thôn Đầm Vân để rút kinh nghiệm. Ngày 23-3-1962, đơn vị vũ trang vùng Đông huyện Ninh Hòa và cán bộ của ta đã đột nhập vào xã, phát động và hỗ trợ nhân dân nổi dậy và giải phóng xã Ninh Phước.


Năm 1967 - 1968, thôn Đầm Vân là nơi đóng cơ quan của một đơn vị bến, mật danh K67, quân số khoảng 30 người có nhiệm vụ đón, bảo vệ, tổ chức giao nhận hàng hóa chủ yếu là vũ khí từ tàu lên bờ. Ngày 1-3-1968, bến K67 nhận nhiệm vụ đón tàu không số C235 do thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh chỉ huy vận chuyển vũ khí từ Bắc vào chiến trường miền Nam. Nhiệm vụ bị lộ, địch cho quân vây đánh, sau khi chiến đấu dũng cảm, đánh đắm 1 thuyền của địch, phi tang hàng hóa, cán bộ, chiến sĩ tàu C235 cho nổ tàu để bảo vệ bí mật. Toàn đội thủy thủ của tàu C235 còn 5 đồng chí đã được nhân dân Đầm Vân đưa về chăm sóc tại bệnh xá Hòn Hèo, sau đó đưa trở ra Bắc qua đường Trường Sơn. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân thôn Đầm Vân đã tham gia chiến đấu, bám đánh địch hơn 40 trận lớn, tiêu diệt và làm bị thương 250 tên địch, thu hàng trăm khẩu súng quân trang, quân dụng…


Những đổi thay ở Ninh Vân


Sau ngày miền Nam giải phóng, Đầm Vân gần như là một ốc đảo, cách biệt với bên ngoài, đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Tháng 9-1981, Đầm Vân được chia tách khỏi xã Ninh Phước và thành lập xã Ninh Vân. Bà Trà Thị Bông Sen - Chủ tịch UBND xã Ninh Vân cho biết, trước đây chưa có đường bộ nên người dân địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, giao thương với đất liền. Năm 2011, tuyến đường bộ có chiều dài 11km, rộng 3,5m nối liền xã Ninh Phước với Ninh Vân được hoàn thành và đưa vào sử dụng như một “cú hích” thay đổi hoàn toàn diện mạo vùng đất nơi này.

 

Khu lưu niệm tàu C235 tại Ninh Vân.

Khu lưu niệm tàu C235 tại Ninh Vân.


Đến Ninh Vân bây giờ, những con đường thôn được bê tông hóa thẳng tắp, xung quanh là những căn nhà kiên cố, khang trang. Theo bà Sen, hiện nay, xã có dân số 2.046 người, ở 2 thôn gồm: thôn Đông và thôn Tây, đời sống người dân chủ yếu bằng nghề nông và ngư nghiệp, nổi bật là trồng tỏi và rong nho. Toàn xã hiện có 50ha đất trồng tỏi được người dân địa phương khai thác, đưa vào sản xuất có hiệu quả. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 3,72%, thấp hơn so với mức trung bình thị xã Ninh Hòa; hộ cận nghèo 7,49% và không có hộ đói. Năm 2014, di tích lịch sử địa điểm lưu niệm Tàu C235 được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia. Xã hiện nay đạt được 10/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến cuối năm nay sẽ hoàn thành đủ 19 tiêu chí để đạt chuẩn…


Theo bà Sen, thời gian tới, hướng phát triển kinh tế ở Ninh Vân vẫn sẽ là nông nghiệp và du lịch. Trong đó, xã tập trung nâng cao hiệu quả, chất lượng cây tỏi, tiến tới xây dựng nhãn hiệu cho loại cây trồng này. Về phát triển du lịch, xã đang có nhiều tiềm năng như: Khu di tích lịch sử địa điểm lưu niệm Tàu C235, các khu nghỉ dưỡng Six Senses Ninh Van Bay, An Lam Ninh Van Bay Villas, Ninh Vân A và các dự án du lịch như: đảo San Hô, Hòn Mỹ Giang, khu nghỉ dưỡng Phú An…  


Ông Trần Công Hoán - Bí thư Thị ủy Ninh Hòa cho biết, Ninh Vân là một trong những địa phương của thị xã Ninh Hòa có bề dày truyền thống đấu tranh cách mạng. Đợt này, xã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đây là một vinh dự rất lớn. Thời gian tới, Ninh Vân sẽ tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân địa phương.


Phúc Hiếu