08:10, 13/10/2013

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc xử lý lãi dầu, khí

Tiếp tục Phiên họp thứ 22, sáng 12-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc xử lý lãi dầu, khí nước chủ nhà nộp tập trung về Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) năm 2012.

Tiếp tục Phiên họp thứ 22, sáng 12-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc xử lý lãi dầu, khí nước chủ nhà nộp tập trung về Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) năm 2012.


Theo Tờ trình của Chính phủ việc xử lý lãi dầu, khí nước chủ nhà nộp tập trung về Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) năm 2012 do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày, số tiền lãi dầu khí nước chủ nhà và tiền đọc, sử dụng tài liệu dầu khí tập trung về PVN năm 2012 khoảng 12.930 tỷ đồng. Trong đó, đã bố trí 3.500 tỷ đồng theo Nghị quyết số 16/2011/QH13 của Quốc hội về phân bổ ngân sách Trung ương (NSTW) năm 2012 đầu tư cho các dự án trọng điểm dầu khí, đã thu 5.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước (NSNN) theo công văn yêu cầu của Bộ Tài chính để bảo đảm cân đối NSNN. Tập đoàn Dầu khí đã nộp 5.000 tỷ đồng nói trên vào NSNN trong quý I/2013. Số còn lại chưa xử lý năm 2012 là 4.430 tỷ đồng.

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình của Chính phủ về việc xử lý lãi dầu, khí nước chủ nhà nộp tập trung về Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam năm 2012. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình của Chính phủ về việc xử lý lãi dầu, khí nước chủ nhà nộp tập trung về Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam năm 2012. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Để xử lý vấn đề trên, Chính phủ đã có đề xuất: Thu trực tiếp vào NSNN 50% và đầu tư trở lại cho PVN 50% bằng phương pháp ghi thu - ghi chi để Tập đoàn Dầu khí thực hiện một số dự án, công trình trên biển đảo được Thủ tướng giao.


Về vấn đề này, đa số ý kiến nhất trí với phương án Chính phủ trình và cho rằng, trong bối cảnh NSNN năm 2013 gặp khó khăn, có xu hướng hụt thu lớn, do vậy, việc Chính phủ đề nghị thực hiện thu 50% số còn lại chưa xử lý (khoảng 2.215 tỷ đồng) sẽ góp phần bảo đảm cân đối NSNN, bảo đảm bổ sung thêm nguồn vốn thực hiện các nhiệm vụ chi đã được đề ra trong trường hợp thu NSNN không đạt dự toán.


Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc đầu tư cho Tập đoàn Dầu khí rất quan trọng, tập trung vào các nhiệm vụ, dự án, công trình trên biển đảo, góp phần thực hiện bảo vệ chủ quyền đất nước, nuôi dưỡng nguồn thu từ hoạt động dầu khí. Đồng thời, thực hiện Kết luận số 41-KL/TW của Bộ Chính trị, đề nghị cân nhắc bố trí để lại cho Tập đoàn Dầu khí ít nhất 50% lợi nhuận từ phần được chia cho nước chủ nhà. Theo đó, sẽ bố trí tiếp cho Tập đoàn Dầu khí là 2.965 tỷ đồng bằng phương pháp ghi thu - ghi chi để đầu tư, số còn lại 1.465 tỷ đồng tiến hành nộp NSNN để bảo đảm cân đối NSNN năm 2013.


Đối với việc sử dụng khoản để lại cho Tập đoàn Dầu khí, đa số ý kiến nhất trí như Tờ trình của Chính phủ về việc sử dụng để đầu tư cho các dự án, công trình trên biển đảo được Thủ tướng Chính phủ giao.
Một số ý kiến đề nghị làm rõ nguồn vốn để lại cho Tập đoàn Dầu khí thực hiện việc đầu tư cho các công trình bảo vệ biển đảo. Đây là nhiệm vụ thường xuyên của Bộ Quốc phòng và đã được dự toán trong chi NSNN. Nếu việc đầu tư cho các công trình bảo vệ biển đảo là thực sự cấp bách thì Tập đoàn Dầu khí phải nộp nguồn vốn trên về NSNN, sau đó, phân bổ cho Bộ Quốc phòng thực hiện theo đúng chức năng, bảo đảm nghiêm túc theo quy định của Luật NSNN.


Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển, về vấn đề này UBTVQH cho phép thực hiện thu vào NSNN 50% số lãi còn lại chưa xử lý của Tập đoàn Dầu khí để bảo đảm cân đối NSNN như Tờ trình của Chính phủ. Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan có liên quan, Tập đoàn Dầu khí khẩn trương xây dựng cơ chế thu, quản lý và đầu tư đối với khoản lãi dầu, khí nước chủ nhà và tiền đọc, sử dụng tài liệu dầu khí trình Quốc hội quyết định, bảo đảm thực hiện đúng Kết luận số 41-KL/TW ngày 19-1-2006 của Bộ Chính trị và pháp luật của Nhà nước.


Hoàn toàn nhất trí với đề xuất của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho rằng, hiện nay PVN đang có 12 dự án trọng điểm, do đó nhu cầu vốn cần cho năm 2013 là rất lớn. Bởi vậy, “chúng tôi ủng hộ đề xuất của Bộ Tài chính”, bà Thoa cho biết.


Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Tập đoàn Dầu khí là Tập đoàn mạnh mang tính chiến lược, không thể cắt giảm được. Nhà nước cần phải đầu tư cả vốn cố định lẫn vốn lưu động.


Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị: Phải dành phần thích đáng coi như Nhà nước đầu tư vào đây, tăng vốn cho PVN để triển khai các dự án trọng điểm. Đồng thời, Bộ Tài chính cần phải báo cáo với Bộ Chính trị để có sự cân đối rõ ràng và thống nhất về việc chi tiêu ngân sách.


Theo chinhphu.vn