12:10, 11/10/2013

Đổi, và... mới

Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Hội nghị lần này đã thảo luận và nhất trí ban hành Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Hội nghị lần này đã thảo luận và nhất trí ban hành Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.


Nội dung Tổng Bí thư nói đến chính là Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Ban Chấp hành Trung ương cho rằng đây là vấn đề lớn, hệ trọng và phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau.

 

Thực ra, đổi mới sâu sắc và toàn diện nền giáo dục không phải là một câu chuyện mới. Nội dung này đã được bàn đi bàn lại rất nhiều tại Hội nghị Trung ương VI.


Từ năm 1945 đến nay, nền giáo dục nước nhà đã qua ba lần cải cách (các năm 1950, 1956, 1981). Thực tế cho thấy, mỗi lần cải cách đều có những mặt được và những mặt chưa được; thậm chí nhiều nội dung có đổi mà không có… mới. Song, có một điều ghi nhận là dấu ấn của những lần cải cách ấy đã thể hiện khá rõ nét trong những thế hệ học sinh được đào tạo. Câu chuyện cải cách chữ viết là một trong những điển hình, nhiều học sinh viết chữ rất xấu.


Thực hiện đề án đổi mới lần này có thể coi là lần cải cách thứ tư, với mục tiêu tổng quát đề ra: “Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện, yêu gia đình, yêu Tổ quốc, có hiểu biết và kỹ năng cơ bản, khả năng sáng tạo để làm chủ bản thân, sống tốt và làm việc hiệu quả, thực học - thực nghiệp; phát triển tốt nhất tiềm năng của mỗi cá nhân; đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước”.


Trong mục tiêu tổng quát này, có nhiều điểm mới so với trước, song có thể thấy, nhận thức về vai trò của gia đình trong giáo dục, trong hình thành và phát triển nhân cách của con người đã được đặt ở vị trí thỏa đáng hơn trước. Con người trước hết phải yêu chính gia đình của mình, rồi mới yêu Tổ quốc, đồng bào. Điều này được làm sáng tỏ thêm khi Đề án đánh giá nguyên nhân của các thành tựu giáo dục bắt nguồn từ truyền thống hiếu học của dân tộc, sự ưu tiên đầu tư của các gia đình cho việc học tập của con em mình…


Hội nghị Trung ương 8 nhấn mạnh: Các văn kiện của Đảng về giáo dục đã nêu nhiều quan điểm chỉ đạo còn nguyên giá trị phải tiếp tục được quán triệt và thực hiện: Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu.
Tổng Bí thư khẳng định: So với Nghị quyết Trung ương 2, khóa VIII, Nghị quyết của Hội nghị lần này đã kế thừa, bổ sung, phát triển nhiều nội dung đổi mới về nhận thức tư duy, quan điểm tư tưởng chỉ đạo và mục tiêu nhiệm vụ, giải pháp thực hiện. Trung ương cho rằng, đổi mới căn bản và toàn diện là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục - đào tạo cùng các cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm việc thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đến đổi mới các cơ sở giáo dục - đào tạo và sự tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học, ở cả Trung ương và địa phương.


Cả nước đang đặt nhiều kỳ vọng về sự đổi mới thật sự của nền giáo dục nước nhà.


PHONG NGUYÊN