05:09, 23/09/2011

Vì sao người dân không mặn mà?

Sau hơn 3 năm triển khai chương trình trồng rừng theo Quyết định 147 của Chính phủ, toàn tỉnh chỉ trồng được gần 1.611/4.536ha rừng, đạt 35,5% kế hoạch. Do công tác giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp tại các địa phương còn chậm;...

Sau hơn 3 năm triển khai chương trình trồng rừng theo Quyết định (QĐ) 147 của Chính phủ, toàn tỉnh chỉ trồng được gần 1.611/4.536ha rừng, đạt 35,5% kế hoạch. Do công tác giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp tại các địa phương còn chậm; công tác triển khai, đăng ký kế hoạch không sát với khả năng thực hiện; chi phí đầu tư thấp nên người dân không mặn mà với việc trồng rừng.

Tiếp tục thực hiện mục tiêu quốc gia về Dự án Trồng mới 5 triệu héc-ta rừng, ngày 10-9-2007, Chính phủ đã ban hành QĐ 147 về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007 - 2015 nhằm khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư trồng rừng và chế biến lâm sản theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Theo đó, giai đoạn 2007 - 2015, cả nước sẽ trồng 2 triệu héc-ta rừng sản xuất, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập nhằm ổn định đời sống cho đồng bào miền núi. Mặt khác, thúc đẩy hình thành thị trường nghề rừng phát triển ổn định lâu dài bao gồm: thị trường cung cấp giống, dịch vụ kỹ thuật; thị trường chế biến và tiêu thụ lâm sản.

 Các chương trình trồng rừng đã và đang góp phần không nhỏ trong việc xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số.

Tại Khánh Hòa, Ban quản lý Dự án trồng rừng theo QĐ 147 được triển khai ở 8 huyện, thị xã, thành phố. Việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án được các địa phương thực hiện đồng bộ từ huyện tới cấp xã. Theo quy hoạch của 8 dự án được phê duyệt, tổng diện tích trồng rừng giai đoạn 2008 - 2010 trên địa bàn tỉnh hơn 3.380ha và hơn 1,2 triệu cây phân tán. Sau khi triển khai, diện tích này được điều chỉnh theo kế hoạch giao hơn 4.536ha và hơn 1,8 triệu cây. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai, toàn tỉnh chỉ trồng được 1.611/4.536ha rừng, đạt 35,5% kế hoạch giao và hơn 1,2 triệu cây phân tán. Kết quả thực hiện đạt thấp là do việc quy hoạch đất đai và đăng ký kế hoạch trồng rừng sản xuất ở một số địa phương chưa sát với khả năng thực hiện; việc xây dựng dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất theo QĐ 147 chưa được các cấp, ngành quan tâm đúng mức, nhiều khi còn chồng chéo sang diện tích dự án khác. Ngoài ra, công tác giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các đối tượng tham gia trồng rừng còn chậm đã gây ảnh hưởng đến kết quả thực hiện trồng rừng của dự án. Mặt khác, đất quy hoạch trồng rừng của dự án ở hầu hết những nơi cao, xa, có độ dốc lớn, địa hình phức tạp nên khó khăn trong việc thi công trồng, chăm sóc, bảo vệ, khai thác và vận chuyển. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa người dân không mặn mà với việc trồng rừng là mức hỗ trợ trồng rừng theo QĐ 147 còn thấp, phổ biến trên địa bàn tỉnh khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/ha, trong lúc chi phí cho 1ha rừng trồng dao động từ 17 đến 20 triệu đồng. Bên cạnh đó, thời gian đầu tư trồng rừng kéo dài hơn 6 năm, rủi ro cao, trong lúc điều kiện kinh tế, đời sống của phần lớn người dân còn nhiều khó khăn, không đủ vốn để đầu tư trồng rừng.

Trên cơ sở rà soát, điều chỉnh theo kế hoạch đăng ký của các địa phương, giai đoạn 2011 - 2015, toàn tỉnh sẽ trồng 5.206ha rừng sản xuất và hơn 2,6 triệu cây phân tán; trong đó năm 2011 sẽ trồng 1.041ha và 522.000 cây phân tán. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các địa phương chỉ đăng ký trồng khoảng 610ha (năm 2011). Để Dự án Trồng rừng 147 đạt mục tiêu đề ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các ngành, địa phương liên quan đang kiến nghị UBND tỉnh nâng mức hỗ trợ, đồng thời tạo điều kiện khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tích cực tham gia trồng rừng. Theo đó, đối với cây trồng gỗ nhỏ, khai thác dưới 10 năm tuổi sẽ được hỗ trợ từ 2,1 đến 3,6 triệu đồng; cây gỗ trên 10 năm tuổi ở mức 2 - 4,6 triệu đồng, bao gồm: năm trồng và công chăm sóc; tùy thuộc vào từng đối tượng trồng rừng (chưa tính các chi phí lập, thẩm định dự án, khảo sát thiết kế, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…).

Những năm qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm ưu tiên cho phát triển nông nghiệp, nông thôn ở khu vực miền núi. Ngoài các chương trình mục tiêu quốc gia, công tác định canh định cư, chương trình hỗ trợ nhà cho đồng bào dân tộc thiểu số…, các chương trình trồng rừng như: 743, 132, 147 đã và đang góp phần không nhỏ trong việc xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, để các chương trình trồng rừng phát huy hiệu quả, Trung ương và tỉnh cần có chính sách hỗ trợ vốn, chế độ ưu đãi thông qua việc hưởng lợi từ rừng nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia trồng rừng. Đây cũng là vấn đề cốt lõi nhằm giảm thiểu nạn phá rừng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng gắn với phát triển bền vững tài nguyên rừng, góp phần thực hiện thành công chủ trương của tỉnh trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn mới.

ANH TUẤN