10:04, 04/04/2011

Điều trị ung thư gan bằng phương pháp TOCE

Sau một thời gian chuẩn bị, mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện thành công phương pháp TOCE (Transarterial Oily Chemo-Embolization) trong điều trị bệnh ung thư gan.

Sau một thời gian chuẩn bị, mới đây, các bác sĩ (BS) Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện thành công phương pháp TOCE (Transarterial Oily Chemo-Embolization) trong điều trị bệnh ung thư gan. Thành công này không chỉ đánh dấu bước phát triển mới của BV trong việc nâng cao chất lượng điều trị mà còn cho thấy sự nỗ lực đáng khâm phục của các BS. Từ đây, những bệnh nhân (BN) mắc bệnh ung thư gan nguyên phát đã có cơ hội điều trị ngay tại Khánh Hòa mà không phải chuyển lên tuyến trên, vừa tốn kém vừa vất vả.

Người trực tiếp thực hiện các ca phẫu thuật gan bằng phương pháp TOCE là Tiến sĩ - BS Lương Linh Hà, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh BVĐK tỉnh. Tiến sĩ Hà cho biết, TOCE là một phương pháp phẫu thuật đặc biệt và rất ưu việt. Để thực hiện phương pháp này, phẫu thuật viên sẽ luồn một ống dẫn đặc biệt qua động mạch đùi của BN dưới sự hướng dẫn của máy chụp mạch máu số hóa xóa nền (DSA); ống dẫn này sẽ được luồn đến tận gan của BN, vào các nhánh động mạch nuôi dưỡng khối u và tiêm vào đấy các hỗn hợp hóa chất chống ung thư, đồng thời làm tắc các mạch máu nuôi dưỡng khối u để tiêu diệt khối u. Ưu điểm của phương pháp TOCE là không cần gây mê, BN vẫn tỉnh trong suốt quá trình làm thủ thuật, đặc biệt không có đường mổ. Một kim nhỏ sẽ xuyên qua trên da vùng bẹn để qua đó một ống nhỏ được luồn vào. Sau thủ thuật, các ống sẽ được rút ra ngay. Các thuốc đưa vào nằm trong khối u, giữa các mạch máu bị tắc nghẽn nên không khuếch tán vào máu. Thuốc chống ung thư tập trung ở khối u gan với nồng độ rất cao sẽ tiêu diệt các tế bào ung thư sống sót mà ít gây tác dụng toàn thân như thông thường. Người ta đã xác định, nồng độ thuốc chống ung thư tại mô gan cao gấp 200 lần so với việc dùng thuốc qua đường tĩnh mạch dù liều thuốc nhỏ hơn nhiều. “Với những khối u gan nguyên phát tương đối lớn, nằm gần các mạch máu lớn không thể cắt bỏ thì TOCE là một phương pháp điều trị phù hợp”, Tiến sĩ Lương Linh Hà nói. Cũng theo Tiến sĩ Hà, TOCE được áp dụng để điều trị cho ung thư tế bào gan nguyên phát hay còn gọi là HCC (Hepato-Celluar Carcinoma) và một số ung thư di căn từ nơi khác đến gan như ung thư đại tràng, ung thư thận di căn. TOCE cũng có thể điều trị những trường hợp có nhiều khối u hay những khối u lớn. Chỉ trường hợp u gan quá lớn, với thể tích u gan chiếm trên 70% thể tích gan thì mới không còn chỉ định điều trị bằng TOCE.

Tiến sĩ Lương Linh Hà (thứ 3 từ phải sang) cùng ê kíp phẫu thuật và bệnh nhân vui mừng sau ca phẫu thuật thành công.
5 ngày sau khi được phẫu thuật gan bằng phương pháp TOCE, ông L.V.D, 78 tuổi ở phường Phước Tân (Nha Trang) vui vẻ cho biết, sức khỏe của ông đã khá lên rất nhiều. Ông cho biết cách đây 3 năm, khi khám bệnh ở một BV tại TP. Hồ Chí Minh, các BS đã phát hiện trong gan của ông có khối u, nhưng do ông lớn tuổi nên họ không mổ mà chỉ cho ông uống thuốc rồi tiếp tục theo dõi, vì thế ông phải thường xuyên vào TP. Hồ Chí Minh để tái khám rất vất vả. Gần đây, ông bị sốt kéo dài, sức khỏe giảm sút nên đến BVĐK tỉnh khám. Các BS cho biết khối u gan của ông đã chuyển qua tình trạng xấu. “May mắn cho tôi khi được các BS giới thiệu phương pháp này. Quá trình làm thủ thuật, tôi không hề thấy đau, chỉ thấy nóng rát trong bụng, nhưng bây giờ thì khỏe rồi. Tôi cảm ơn các BS nhiều lắm”, ông D nói. Ở phòng bệnh nặng (Khoa Tim mạch lão học), chúng tôi gặp chị V.T.B.L, con gái ông V.V.T, 71 tuổi ở Diên Khánh khi chị đang chăm sóc ba mình sau khi làm thủ thuật TOCE. Chị L. không ngớt lời khen tài năng cũng như sự tận tụy với BN của các BS, đặc biệt là Tiến sĩ Lương Linh Hà. Chị cho biết, do ba chị bị thêm bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nên quá trình làm thủ thuật gặp nhiều khó khăn. Các mạch máu bị vôi hóa khiến việc luồn ống dẫn vào bị trục trặc, trong khi ba chị lại bị bệnh phổi, sức khỏe quá yếu, có thể ngưng thở bất cứ lúc nào. “Gia đình tôi cứ ngỡ ba tôi sẽ không qua khỏi, nhưng với tinh thần còn nước còn tát, các BS đã điều trị cho ba tôi một cách tích cực và trách nhiệm. Nay bệnh ung thư gan của ba tôi đã được giải quyết phần nào, chỉ còn lo bệnh phổi thôi. Gia đình tôi rất biết ơn các BS”, chị L. nói. Riêng anh N.V.T, 51 tuổi (Nha Trang) thì rất lạc quan sau khi được làm thủ thuật TOCE.

Anh cho biết suốt thời gian qua anh không đi khám sức khỏe định kỳ nên không biết mình bị ung thư gan. Chỉ đến khi đau đớn vùng bụng phải, anh mới đi khám thì khối u đã lớn. “Nay khối u của tôi không đau nữa. Trong suốt quá trình làm thủ thuật, tôi vẫn nói chuyện với các BS, họ chỉ cho tôi thấy khối u và toàn bộ diễn tiến quá trình làm thủ thuật.

Tôi thấy phương pháp này rất ưu việt”, anh T. nhận xét, đồng thời khuyên mọi người nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để nếu có bệnh thì được phát hiện sớm, lúc đó việc điều trị sẽ hiệu quả hơn.

Về chăm sóc BN sau TOCE, Tiến sĩ Lương Linh Hà cho biết, sau khi làm thủ thuật, BN sẽ được lưu lại và theo dõi trong phòng hồi sức trong vòng 24 giờ, sau đó sẽ được chuyển điều trị nội trú và sớm trở về sinh hoạt bình thường. Trong vòng 5 - 7 ngày sau khi làm thủ thuật, khoảng 50% BN có triệu chứng đau tức vùng hông phải, buồn nôn, nôn và sốt nhẹ. Tất cả các triệu chứng trên được gọi là “hội chứng sau thuyên tắc” do các tế bào trong khối u bị chết gây nên. Cũng trong thời gian này, BN cần uống nhiều nước, khoảng 2 - 3 lít nước/ngày, có thể uống nước lọc, trước trái cây, rau quả. Trong tuần đầu tiên, nước tiểu sẽ có màu đỏ do thuốc Doxorubin dùng trong TOCE, đây là dấu hiệu bình thường không cần lo ngại và BN sẽ được xuất viện sau 3 đến 5 ngày tùy thuộc vào mức độ và thời gian kéo dài của hội chứng sau thuyên tắc.

NGỌC KHÁNH