05:04, 02/04/2011

Tạo động lực cho Nha Trang phát triển nhanh và bền vững

Hội nghị Tỉnh ủy Khánh Hòa lần thứ 4 (30-3-2011) đã thông qua Nghị quyết về đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội TP. Nha Trang giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020. Nghị quyết này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc tạo tiền đề để TP. Nha Trang phát triển nhanh và bền vững, sớm phát huy được vai trò là vùng động lực phát triển trung tâm của tỉnh Khánh Hòa...

Hội nghị Tỉnh ủy Khánh Hòa lần thứ 4 (30-3-2011) đã thông qua Nghị quyết (NQ) về đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) TP. Nha Trang giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020. NQ này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc tạo tiền đề để TP. Nha Trang phát triển nhanh và bền vững, sớm phát huy được vai trò là vùng động lực phát triển trung tâm của tỉnh Khánh Hòa, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH khu vực Nam Trung bộ và Tây nguyên.

TP. Nha Trang ngày càng phát triển.

NQ đặt ra mục tiêu đến năm 2015, cơ cấu kinh tế của TP. Nha Trang phát triển theo hướng: Dịch vụ - du lịch, công nghiệp, nông nghiệp. Trong đó: tỷ trọng du lịch, dịch vụ chiếm 64%, công nghiệp - xây dựng chiếm 31%; GDP bình quân đầu người đạt 4.400 USD; giá trị dịch vụ - du lịch tăng bình quân 20 - 22%/năm; tỷ lệ dân số đô thị đạt 80%. Và định hướng đến năm 2020 sẽ xây dựng TP. Nha Trang thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh; trung tâm khoa học, kỹ thuật, giáo dục đào tạo và dịch vụ của vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên; trung tâm du lịch của cả nước và quốc tế; là nơi tổ chức các sự kiện lễ hội, văn hóa có ý nghĩa cấp quốc gia và quốc tế. Bên cạnh đó, phát triển du lịch kết hợp bảo tồn, phát huy hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, di tích lịch sử, văn hóa; hình thành mạng lưới các cơ sở dịch vụ du lịch, văn hóa chất lượng cao mang nét truyền thống. Đồng thời phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nông lâm thủy sản gắn với phát triển du lịch và bảo vệ môi trường; xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị tạo không gian kiến trúc đồng bộ, hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc. Ngoài ra, sẽ mở rộng thành phố về phía Tây, phía Nam theo quy hoạch đã được phê duyệt, hình thành các khu đô thị mới đa chức năng phù hợp với yêu cầu phát triển của TP. Nha Trang trong tương lai.

Để đạt được những mục tiêu này, NQ đã đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm và cụ thể. Đó là chú trọng công tác lập quy hoạch, quy hoạch chi tiết xây dựng các khu đô thị, khu chức năng. Ngay trong năm 2011, phải hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Nha Trang đến năm 2025; Quy hoạch chung xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị vịnh Nha Trang. Tổ chức lập quy hoạch phân khu 1/2.000 khu đất sân bay Nha Trang với chức năng du lịch, thương mại và dịch vụ; dành quỹ đất xây dựng khu trung tâm tổ chức sự kiện với trọng tâm là khu vực hội chợ triển lãm, nhà biểu diễn, khu vui chơi giải trí tổng hợp kết hợp nhà bảo tàng, văn hóa truyền thống; tiếp tục triển khai lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 trên địa bàn thành phố…

Phát triển dịch vụ, du lịch và thương mại là nhiệm vụ trọng tâm tiếp theo mà NQ đặt ra. Trong đó tập trung thu hút đầu tư xây dựng khu vực phát triển mới tại sân bay Nha Trang; các dự án du lịch, dịch vụ khu vực Tây Nam Hòn Tre, Hòn Một, Trí Nguyên, Trung tâm thương mại chợ Đầm. Đồng thời trùng tu tôn tạo, xây dựng mới và khai thác có hiệu quả di tích lịch sử văn hóa như Tháp Bà Ponagar, chùa Long Sơn, danh thắng Hòn Chồng - Hòn Đỏ, đền thờ Hùng Vương, danh lam thắng cảnh khu vực đồi Trại Thủy, công viên Bạch Đằng… Xây dựng hạ tầng thương mại, hệ thống bán lẻ hiện đại; phối hợp với các doanh nghiệp sử dụng, khai thác hiệu quả cơ sở vật chất hiện có để phục vụ du khách và sự kiện… Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả và đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch dưới nhiều hình thức, đa dạng hóa các loại hình du lịch, trong đó ưu tiên phát triển các loại hình du lịch biển, du lịch sinh thái… xây dựng thương hiệu và bảo tồn vịnh Nha Trang; phục hồi và phát triển các ngành nghề truyền thống, từng bước tạo sản phẩm đặc thù mang nét đặc trưng riêng của địa phương.

Lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp cũng được chú trọng phát triển, phấn đấu đến năm 2013, hoàn thành xây dựng Khu công nghiệp Khatoco Phước Đồng; bước đầu hình thành khu công nghệ cao trong quy hoạch phía Tây Nha Trang. Ở lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, sản phẩm phục vụ du lịch cũng sẽ được chú trọng quan tâm, đầu tư. Theo NQ, sẽ triển khai và đưa vào hoạt động dự án khu giết mổ gia súc tập trung để di dời các cơ sở giết mổ ra khỏi thành phố. Đồng thời tổ chức khai thác hải sản hợp lý, đẩy mạnh chuyển đổi khai thác ven bờ sang nuôi trồng thủy sản, dịch vụ, lấy xuất khẩu làm động lực phát triển ngành thủy sản; nâng cao tỷ lệ chế biến hàng thủy sản có giá trị cao, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm chế biến xuất khẩu.

Để tạo điều kiện cho TP. Nha Trang ngày càng đẹp hơn, công tác phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch cũng phải được chú trọng và đẩy mạnh. Theo đó, sẽ thu hút đầu tư xây dựng các khu đô thị du lịch Nam Sông Cái, một số khu đô thị mới nhằm giãn dân nội thành và phát triển du lịch ven sông; triển khai một số dự án phát triển đô thị về phía Tây thành phố nối với Diên Khánh. Đến năm 2012, hoàn thành các tuyến đường giao thông huyết mạch như Quốc lộ 1C qua đèo Rù Rì, đường vòng Núi Chụt…; đẩy mạnh xã hội hóa các công trình phục vụ du lịch. Đến năm 2013, hoàn thành và đưa vào khai thác các dự án xây dựng công trình dịch vụ du lịch và đô thị dọc theo đường Trần Phú, đường Phạm Văn Đồng; hoàn thành cơ bản các dự án phát triển đô thị như khu đô thị mới Phước Long, khu đô thị Vĩnh Thái, khu dân cư phía Tây Lê Hồng Phong…

Việc nâng cấp, chỉnh trang đô thị, giải quyết tình trạng ngập lụt trong đô thị cũng được đầu tư thích đáng. Phấn đấu đến năm 2015, hoàn thành dự án kè và đường dọc bờ sông Cái giai đoạn 1 và 2; dự án cải thiện vệ sinh môi trường TP. Nha Trang; hệ thống thoát lũ từ cầu Phú Vĩnh về đầu sông Tắc; hệ thống thoát nước mưa khu vực Nam Hòn Khô; hoàn thiện hệ thống chiếu sáng đô thị đến các tuyến đường, dự án chỉnh trị hạ lưu sông Tắc - sông Quán Trường… Thành phố sẽ tăng cường trồng cây xanh, xây dựng công viên, các tuyến phố đẹp… để hấp dẫn du khách và nâng cao chất lượng sống cho nhân dân.

Để triển khai thực hiện NQ này, tỉnh Khánh Hòa sẽ thành lập Ban Chỉ đạo phát triển TP. Nha Trang, sẽ chỉ đạo các ngành chức năng hoàn thành tốt công tác quy hoạch, tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trên địa bàn thành phố. Ông Hoàng Văn Trường - Uûy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Nha Trang cho biết: “Lần đầu tiên, Tỉnh ủy có một NQ riêng về đẩy mạnh phát triển KT-XH TP. Nha Trang. Chính vì thế, NQ này có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với thành phố, tạo động lực cho Nha Trang phát triển nhanh và bền vững. NQ đã có phân cấp cơ chế quản lý và tài chính, phân cấp về thẩm quyền mạnh hơn cho thành phố trên một số lĩnh vực nhất là về quản lý đô thị, đầu tư, tài chính, ngân sách… tạo điều kiện thuận lợi cho TP. Nha Trang chủ động trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao. Sau khi NQ ban hành, TP. Nha Trang sẽ làm việc với các sở ngành và có kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện NQ hiệu quả”.

BÍCH KHUÊ