07:04, 02/04/2011

Nhiều học sinh chưa chấp hành

Những năm gần đây, xe đạp điện trở thành phương tiện đi lại khá phổ biến của nhiều người, nhất là học sinh. Theo quy định, người ngồi trên xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc giữ xe.

Những năm gần đây, xe đạp điện (XĐĐ) trở thành phương tiện đi lại khá phổ biến của nhiều người, nhất là học sinh (HS). Theo quy định, người ngồi trên XĐĐ không đội mũ bảo hiểm (MBH) bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc giữ xe. Tuy nhiên, hiện nay rất ít HS đội MBH khi tham gia giao thông, thậm chí còn chở quá số người quy định, dàn hàng ngang, vượt đèn đỏ…

Nghị định số 34/2010 NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có mục quy định người ngồi trên XĐĐ không đội MBH hoặc không cài quai mũ đúng quy cách bị phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng. Trường hợp người vi phạm dưới 16 tuổi và là người trực tiếp điều khiển phương tiện thì bị tạm giữ xe 10 ngày trước khi ra quyết định xử phạt…

Trước quy định đó, thời gian qua hầu hết các trường, nhất là trường trung học phổ thông (THPT) trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cấm HS đi xe máy, khi đi XĐĐ phải đội MBH nhằm thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về giao thông. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi tại nhiều trường học trên địa bàn tỉnh, tình trạng HS đi XĐĐ đến trường không đội MBH xảy ra khá phổ biến. Khi được hỏi, các em HS đều khẳng định thỉnh thoảng nhà trường có tuyên truyền, nhắc nhở nên biết khá rõ quy định này nhưng không thích đội vì vướng víu, khó chịu, nhà ở gần đội chi cho phiền(!)… Thậm chí có nhiều em, MBH treo lủng lẳng trước xe, còn người chỉ đi đầu trần cho thoải mái. Bạn N.T.H - HS Trường THPT Chu Văn An cho biết: “Ngày nào cũng vậy, trước lúc dắt xe ra khỏi nhà, mẹ em lại “ca điệp khúc” “nhớ đội MBH”. Không muốn làm mẹ buồn và bị cằn nhằn nên em đội rất nghiêm túc nhưng khi ra khỏi cổng là em tháo mũ ra ngay. Vì bạn em có ai đội đâu, mình đội thì chúng bảo dở hơi. Em cũng thấy thế, đi đầu trần thoải mái hơn”.

Trên các đường phố, tình trạng những cô cậu học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm diễn ra khá phổ biến
Khi được hỏi về tình hình xử phạt HS đi XĐĐ không đội MBH, một số CSGT cho biết chủ yếu tuyên truyền, nhắc nhở các em là chính, còn rất ít khi xử phạt. Theo ông Nguyễn Quốc Dũng - Đội trưởng Đội CSGT Công an TP. Nha Trang, việc xử phạt đối tượng này vô cùng khó khăn, vì đối tượng sử dụng XĐĐ phổ biến hiện nay là HS cấp 2 và cấp 3. Theo quy định, người điều khiển XĐĐ dưới 14 tuổi không đội MBH chỉ được giữ phương tiện chứ không được xử phạt hành chính, từ 14 tuổi tròn đến dưới 16 tuổi chỉ phạt cảnh cáo, từ 16 tuổi tròn đến dưới 18 tuổi phạt hành chính nhưng không quá 1/2 so với người vi phạm ở tuổi thành niên. Trong khi đó, đối tượng sử dụng phương tiện này chủ yếu là HS nên khi vi phạm chỉ tạm giữ phương tiện chứ không có chế tài xử phạt hành chính nên các em rất chủ quan. Hiện chưa có con số thống kê chính xác nào về số lượng XĐĐ đang lưu hành trên địa bàn tỉnh, nhất là trong HS. Bởi, XĐĐ là loại xe thô sơ nên khi sử dụng, chủ phương tiện không phải đến các cơ quan chức năng để đăng ký như xe máy. Mặt khác, giá chỉ từ 3 - 5 triệu đồng/xe, lại không tốn tiền đổ xăng mà vẫn chạy được vận tốc 30 - 40km/giờ, thậm chí nhiều chủng loại xe tốc độ tối đa có thể lên tới 50km/giờ, không thua mấy so với xe gắn máy nên là sự lựa chọn của nhiều HS. Trong khi đó, chế tài xử phạt cho đối tượng này còn rất hạn chế.

Một trong những nguyên nhân khiến các em HS chưa tự giác chấp hành việc đội MBH khi tham gia giao thông bằng XĐĐ là do các trường còn nặng về hình thức tuyên truyền mà thiếu giám sát để từ đó có hình thức nhắc nhở, cảnh cáo trước toàn trường. Ngoài ra, nhiều phụ huynh chưa quan tâm đến việc nhắc nhở con em mình mỗi khi các em không đội MBH ra đường. Đối với lực lượng CSGT phần nào còn du di cho các em nên mới chỉ dừng ở việc nhắc nhở là chính. Mặt khác, tại các hàng quán, những đường hẻm khu vực xung quanh trường vẫn ngang nhiên tổ chức trông giữ xe cho HS. Vì vậy, trường hợp nhà trường làm gắt trong việc cấm các em đi xe máy đến trường, XĐĐ phải đội MBH thì các em lại gửi xe ở ngoài.

Có thể nói, để giúp các em thực hiện nghiêm túc việc chấp hành pháp luật về giao thông cần sự phối hợp chặt chẽ, tích cực từ phía gia đình và nhà trường. Đối với những trường hợp vi phạm, nhà trường cần có những biện pháp xử lý nghiêm như phê bình tại các buổi chào cờ đầu tuần, đưa vào đánh giá hạnh kiểm… nhằm làm gương cho những HS khác. Bên cạnh sự nỗ lực của nhà trường, lực lượng CSGT cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp HS vi phạm giao thông. Có như vậy, thời gian tới mới hạn chế được tình trạng HS vi phạm pháp luật về giao thông, nhất là HS đi XĐĐ không đội MBH.

CẨM VÂN

.