03:01, 11/01/2011

Những chiến sĩ trên “nhà nổi”

Trong chuyến công tác Trường Sa, chúng tôi có cơ hội dừng chân một ngày trên đảo chìm Đá Thị. Tận mắt chứng kiến cuộc sống của những chiến sĩ trên “nhà nổi”, chúng tôi mới cảm nhận hết những gì mà các anh đang làm.

Trong chuyến công tác Trường Sa, chúng tôi có cơ hội dừng chân một ngày trên đảo chìm Đá Thị. Tận mắt chứng kiến cuộc sống của những chiến sĩ trên “nhà nổi”, chúng tôi mới cảm nhận hết những gì mà các anh đang làm.

Đá Thị - một trong những đảo chìm của quần đảo Trường Sa được ví như “ngôi nhà nổi” trên biển.

° Sẵn sàng 24/24 giờ

Các chiến sĩ Trường Sa huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.
Gió mỗi lúc một mạnh dần, những con sóng bạc đầu luôn ở trước mũi tàu trong cuộc hành trình của đoàn công tác đến các đảo chìm. Sau hơn nửa ngày lênh đênh trên biển, khi cách đảo Đá Thị khoảng 5 hải lý, tàu HQ-996 cũng tìm được nơi neo đậu an toàn để chuyển hàng hóa, quà từ đất liền lên đảo. Mọi người trong đoàn reo lên vui mừng: “Anh em sẽ ở 1 ngày trên “nhà nổi””. Thấy chúng tôi ngơ ngác, một cán bộ đoàn công tác Vùng D giải thích: “Trước mặt chính là đảo Đá Thị, một trong số các đảo chìm ở quần đảo Trường Sa”. Xuồng vừa cập đảo, chúng tôi đã thấy các chiến sĩ trong tư thế nghiêm trang, quần áo chỉnh tề, xếp hàng ngay ngắn chào đón đoàn công tác. Chỉ ít phút sau, chúng tôi đã có mặt trong “đại bản doanh” của đảo. Trời tối dần. Những cơn gió mùa Đông Bắc vẫn giật mạnh liên hồi mang theo cái buốt lạnh của biển. Đó cũng là lúc những chiến sĩ đảo phân công nhiệm vụ canh gác đảo. Trao đổi với chúng tôi, Thượng úy Phan Hồng Quân, Phó Đảo trưởng quân sự cho biết: “Ở đây, chúng tôi canh gác 24/24 giờ. Mỗi cán bộ, chiến sĩ trên đảo đều được quán triệt rõ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc là nhiệm vụ hàng đầu. Chính vì vậy, chúng tôi luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu”. Quả thật, từ lúc đoàn công tác chúng tôi đặt chân lên đảo cho đến khi mọi người chìm vào giấc ngủ, lúc nào tôi cũng thấy phía trên đỉnh “nhà nổi” có các chiến sĩ Hải quân luôn chắc tay súng, hướng mắt về phía trước.

 Chiến sĩ đảo Đá Thị kiểm tra thông tin quanh khu vực đảo
Keng… keng… keng! Đúng 5 giờ sáng, các chiến sĩ trên đảo tập hợp kiểm tra quân số, vũ khí chuẩn bị cho công tác huấn luyện thường ngày. Trên bục canh gác, Thiếu úy Lê Hữu Luận thực hiện các thao tác lắp ráp vũ khí một cách nhanh nhẹn, chính xác đến từng chi tiết. Phát hiện mục tiêu lạ đang di chuyển ở phía xa, Thiếu úy Luận lập tức di chuyển nòng súng về hướng mục tiêu, tay đặt lên cò súng, sẵn sàng chiến đấu. Một ngày mới trên đảo chìm lại bắt đầu.

° Biến khó khăn thành sức mạnh

Tuy là đảo chìm, nhưng vườn rau của các chiến sĩ trên đảo vẫn xanh mướt.

Có đến Trường Sa, được sống một ngày tại “nhà nổi”, được hòa mình vào cuộc sống của những chiến sĩ, chúng tôi mới cảm nhận hết được những khó khăn vất vả mà các anh vượt qua. Ở những đảo lớn, có không gian rộng, các chiến sĩ có thể tổ chức hoạt động thể dục, thể thao, giải trí trên đất sau những giờ phút tập luyện căng thẳng. Còn ở các “nhà nổi”, xung quanh chỉ có nắng, gió và biển. Hàng ngày, bên cạnh nhiệm vụ canh gác, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, các anh còn phải chống chọi với sự khắc nghiệt của thời tiết. Tuy không có bàn tay của phụ nữ, nhưng các anh vẫn có thể chăm sóc, lo lắng, quán xuyến từng bữa cơm, giấc ngủ cho nhau trong sự đầm ấm của tình đồng chí, đồng đội. Trao đổi với chúng tôi, Đại úy Nguyễn Văn Quý, Chính trị viên đảo Đá Thị nói: “Cuộc sống của lính đảo khó khăn là thế, song được sự quan tâm của các cấp cũng như tinh thần trách nhiệm cao của các cán bộ, chiến sĩ trên đảo, chúng tôi đã chuyển những khó khăn ấy thành sức mạnh để từ đó giúp các chiến sĩ an tâm thực hiện tốt nhiệm vụ”. Nhìn những vườn rau muống, rau cải bao tử, đậu… xanh ngắt chứa trong các hộp composite treo lơ lửng giữa trời, những chiếc lồng được đan lát cẩn thận đặt ngay dưới lòng biển dùng làm tủ giữ cá tươi hay những chiếc vỏ ốc, sò, vỏ đạn được chế tác thành nhiều vật dụng, chúng tôi càng khâm phục sự khéo léo của những người lính đang làm nhiệm vụ ở các đảo chìm. Trong tôi càng trào dâng sự khâm phục, cảm mến khi nhìn Thiếu úy Nguyễn Hữu Luận (quê Nghệ An) mỉm cười một mình lúc ngắm tấm hình chụp 2 con nhỏ dưới ánh sáng yếu của chiếc đèn ngủ. Có lẽ đây cũng là những phút riêng tư hiếm hoi của những chiến sĩ đang gánh trọng trách bảo vệ sự yên bình của Tổ quốc nơi đảo chìm Đá Thị.

Dưới bàn tay của các chiến sĩ, vỏ ốc, vỏ đạn cũng có thể trở thành bình hoa xinh xắn

.


AN NHIÊN