03:01, 11/01/2011

Ba kỳ Đại hội Đảng ấn tượng của dân tộc

Đại hội thành lập Đảng, Đại hội lần thứ II vạch rõ đường lối kháng chiến chống Pháp giải phóng dân tộc và Đại hội lần thứ VI quyết định đổi mới là những kỳ đại hội quan trọng quyết định vận mệnh của dân tộc ta.

Đại hội (ĐH) thành lập Đảng, ĐH lần thứ II vạch rõ đường lối kháng chiến chống Pháp giải phóng dân tộc và ĐH lần thứ VI quyết định đổi mới là những kỳ ĐH quan trọng quyết định vận mệnh của dân tộc ta.

Có thể nói, Hội nghị thành lập Đảng năm 1930 được xem như ĐH thành lập Đảng. Trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh mẽ và chuyển sang chủ nghĩa đế quốc đi xâm chiếm, áp bức, thống trị các nước khác, vấn đề dân tộc nổi lên và đã trở thành vấn đề của thời đại. Bên cạnh đó, chủ nghĩa Mác Lê-nin đã phát triển mạnh mẽ sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, lập ra nhà nước XHCN đầu tiên trên thế giới. Các Đảng Cộng sản (ĐCS) trên thế giới liên kết với nhau thành lập Quốc tế Cộng sản. ĐCS ở Pháp, Trung Quốc, Thái Lan… đã nhiệt tình giúp đỡ Việt Nam. Thời gian đóù, dưới sự áp bức của thực dân Pháp, nước ta đã trở thành một xã hội thuộc địa nửa phong kiến, nhân dân nghèo khổ, đói rách, mất quyền tự do, dân chủ. Nhiều phong trào yêu nước đòi giải phóng dân tộc đã diễn ra sôi nổi nhưng đều thất bại và bị dìm trong bể máu. Đất nước ta rơi vào tình trạng khủng hoảng về đường lối giải phóng dân tộc và khủng hoảng giai cấp lãnh đạo.

Trong lúc đó, nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc, sau nhiều năm tìm đường cứu nước, nghiên cứu phong trào cách mạng thế giới và trong nước, tiếp thu được ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga, đã tìm ra con đường giải phóng dân tộc là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Nguyễn Ái Quốc đã trở thành người cộng sản mẫu mực, chuẩn bị về mặt tư tưởng, chính trị, tổ chức cho việc thành lập Đảng.

Trong điều kiện đó, nếu Việt Nam không thành lập chính đảng để lãnh đạo cách mạng thì sẽ bỏ qua cơ hội đưa phong trào đấu tranh của nhân dân đi đúng hướng. Việc ĐCS Việt Nam ra đời là một tất yếu lịch sử, đánh dấu bước ngoặt trọng đại của lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối giải phóng dân tộc, mở ra thời kỳ cách mạng Việt Nam đi theo con đường cách mạng vô sản, gắn liền giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp công nhân, giải phóng toàn xã hội, độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.

* * *

ĐH lần thứ II (tháng 2-1951) đã quyết định tách ĐCS Đông Dương để thành lập ở mỗi nước Việt Nam, Lào, Campuchia một Đảng cách mạng riêng. Ở Việt Nam, Đảng ta hoạt động công khai, lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam. ĐH II có ý nghĩa quyết định khi thông qua Chính cương Đảng Lao động Việt Nam, xác định 3 nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam là đánh đuổi đế quốc xâm lược, giành độc lập và thống nhất đất nước; xóa bỏ những tàn tích phong kiến và nửa phong kiến, làm cho người cày có ruộng, phát triển chế độ dân chủ nhân dân, gây cơ sở cho CNXH. ĐH xác định nhiệm vụ trước mắt là hoàn thành giải phóng dân tộc. Nhờ có ĐH II, nhân dân ta mới thấm nhuần và từng bước thực hiện nhiệm vụ cách mạng, kháng chiến chống Pháp thành công năm 1954 và thống nhất đất nước vào mùa Xuân năm 1975.

* * *

Sau ngày đất nước thống nhất, nhân dân ta vui mừng chưa được bao lâu thì lại phải lao vào cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc; trong khi đó, Mỹ và một số nước tư bản chủ nghĩa lại bao vây, cấm vận, cô lập Việt Nam.

Lúc này, do chúng ta chú trọng công hữu hóa về tư liệu sản xuất nên người lao động bị kìm hãm, sức lao động không được phát triển, kinh tế phát triển chậm, sản xuất trì trệ, khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Mặt khác, tình hình các nước XHCN cũng đang gặp nhiều khó khăn, đứng trước yêu cầu khách quan phải cải tổ. ĐH VI được triệu tập để bàn cách khắc phục những khó khăn trên.

ĐH đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng diễn ra tại Hà Nội từ ngày 15 đến 18-12-1986. ĐH khẳng định quyết tâm đổi mới công tác lãnh đạo của Đảng theo tinh thần cách mạng và khoa học, vạch rõ 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng thành công CNXH và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; bổ sung và sửa đổi một số điểm trong Điều lệ Đảng.

Đường lối đổi mới được ĐH nêu rõ, là đổi mới toàn diện, trước hết là đổi mới cơ cấu kinh tế, tập trung sức phát triển nông nghiệp, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, đưa nông nghiệp một bước tiến lên sản xuất lớn XHCN; thực hiện 3 chương trình kinh tế trọng tâm (lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu); xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất XHCN, sử dụng và cải tạo đúng đắn các thành phần kinh tế…

Ba ĐH nêu trên đều diễn ra trong bối cảnh đất nước gặp muôn vàn khó khăn, tưởng chừng rơi vào bế tắc, nhưng nhờ sự thống nhất của ĐH, đất nước ta đã từng bước vượt qua khó khăn, giành và tiếp tục giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và xây dựng CNXH.

NGỌC KHÁNH (Tổng hợp)

Danh sách các Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam

1. Trần Phú: được bầu làm Tổng Bí thư tháng 10-1930.
2. Lê Hồng Phong: bầu tại ĐH I.
3. Hà Huy Tập: 10-1936.
4. Nguyễn Văn Cừ: 3-1938.
5. Trường Chinh: 11-1940, ĐH II, 7-1986.
6. Lê Duẩn: ĐH III, IV, V
7. Nguyễn Văn Linh: ĐH VI.
8. Đỗ Mười: ĐH VII, VIII.
9. Lê Khả Phiêu: ĐH VIII
10. Nông Đức Mạnh: ĐH IX, X.