02:12, 15/12/2010

Cần đầu tư mạnh hơn

Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 vừa được Thủ tướng phê duyệt. Chương trình này tiếp tục khẳng định, việc đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin thực sự là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta trong xu thế hội nhập…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa
Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan Nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 vừa được Thủ tướng phê duyệt. Chương trình này tiếp tục khẳng định, việc đẩy mạnh phát triển CNTT thực sự là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta trong xu thế hội nhập…

° Từng bước hiện đại hóa

10 năm trước, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 58 - CT/TW về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Khi đó Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện Chỉ thị này, mà trọng tâm là hoạt động của cơ quan Đảng và Nhà nước. Qua 10 năm triển khai thực hiện, tư duy và nhận thức của cán bộ, đảng viên trong tỉnh đã có chuyển biến, CNTT được ứng dụng rộng rãi hơn, các cơ quan hành chính Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý và điều hành, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức về ứng dụng CNTT, góp phần nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành và đẩy mạnh cải cách hành chính. Đến nay, 100% cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Văn phòng HĐND và UBND từ cấp tỉnh đến cấp huyện đã được đầu tư xây dựng mạng tin học nội bộ (LAN) với quy mô trung bình từ 1 đến 2 máy chủ cho mỗi đơn vị, kết nối Internet băng thông rộng và tỷ lệ máy tính cá nhân là 0,7 máy/người. Việc ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước được các cấp, các ngành, các địa phương đặc biệt quan tâm và có sự đầu tư chính đáng. Nếu như trong giai đoạn 2001 - 2005, phần lớn các đơn vị chỉ triển khai và ứng dụng 3 phần mềm: quản lý văn bản hồ sơ, công việc; thư điện tử công vụ; xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu trong các cơ quan hành chính thuộc tỉnh thì đến giai đoạn 2005 - 2010, việc ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước đã được nâng lên cao hơn. Giai đoạn này, Sở Thông tin và Truyền thông đã bàn giao trực tiếp 446 bộ mã khóa cài đặt phần mềm Microsoft Office (phiên bản 2003 và 2007), mã đăng ký học trực tuyến trên website của Microsoft, tài liệu đào tạo và hướng dẫn sử dụng phần mềm Microsoft Office 2007 cho lãnh đạo các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Đồng thời triển khai hệ thống văn phòng điện tử và chữ ký điện tử được chuyển giao từ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai với phiên bản chạy trên trình duyệt Firefox (phần mềm nguồn mở). Hệ thống này hiện đang được triển khai thử nghiệm tại 10 cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh. Việc ứng dụng tin học phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ cũng được quan tâm thực hiện và khai thác tốt tại các cơ quan hành chính Nhà nước của tỉnh như: phần mềm quản lý ngân sách; phần mềm Tabmis (hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) tại Sở Tài chính; phần mềm quản lý đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư; phần mềm Thanh tra xây dựng cơ bản của Thanh tra tỉnh; phần mềm quản lý địa giới hành chính tại Sở Nội vụ; Phần mềm quản lý giấy phép lái xe; quản lý xe máy chuyên dùng; phần mềm quản lý các kỳ thi; quản lý văn bằng, chứng chỉ; quản lý ngân hàng đề thi và chấm thi trắc nghiệm; phần mềm quản lý cán bộ giáo viên ngành Giáo dục… Ngoài ra, nhiều cơ quan, đơn vị đã quan tâm xây dựng những ứng dụng CNTT phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ tại đơn vị mình và hướng đến phục vụ người dân và doanh nghiệp. Cụ thể: Sở Kế hoạch và Đầu tư với phần mềm ứng dụng “Hệ thống đăng ký kinh doanh trực tuyến và cơ sở dữ liệu quản lý doanh nghiệp”; Sở Giáo dục và Đào tạo với Cổng thông tin điện tử (iPortal) cho ngành Giáo dục; Sở Thông tin và Truyền thông với phần mềm báo cáo nghiệp vụ trực tuyến; Công an tỉnh với phần mềm quản lý Đăng ký tạm trú người nước ngoài; Cục Thuế tỉnh với ứng dụng quản lý thuế qua website đối với hoạt động kinh doanh lưu trú.

Ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước được đánh giá là một trong những biện pháp tích cực nhằm xây dựng cơ quan hành chính các cấp hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, dân chủ, công khai và minh bạch. Thực tế cho thấy, công cụ CNTT đã giúp cho việc phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

° Cần đầu tư mạnh hơn

Thủ tướng Chính phủ vừa Phê duyệt chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước giai đoạn 2011 - 2015. Theo Chương trình này, mục tiêu đến năm 2015 sẽ xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử; ứng dụng rộng rãi CNTT trong hoạt động nội bộ của cơ quan Nhà nước, hướng tới nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí hoạt động; cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, trên diện rộng cho người dân và doanh nghiệp, làm cho hoạt động của cơ quan Nhà nước minh bạch hơn, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Ở Khánh Hòa, theo ông Phạm Duy Lộc - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, giai đoạn 2011 - 2015 việc ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước sẽ hướng tới những mục tiêu cụ thể, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc đưa CNTT trở thành một công cụ hoạt động đắc lực của các cơ quan quản lý nhà nước, là phương tiện quan trọng để thực hiện hiệu quả cải cách hành chính; hỗ trợ đắc lực cho các cấp lãnh đạo trong công tác quản lý, điều hành và ra quyết định.

Tuy nhiên, để khắc phục những hạn chế, tồn tại trong lĩnh vực này (một số cơ quan, đơn vị chưa mặn mà với việc ứng dụng CNTT; cải cách thủ tục hành chính chưa gắn kết với tiến độ ứng dụng CNTT nên hoạt động tin học hóa chưa tạo ra được sự biến chuyển mạnh mẽ; thiếu lực lượng tư vấn tại chỗ có đủ tính chuyên nghiệp và năng lực để hỗ trợ địa phương trong việc xây dựng, triển khai các hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT...), thời gian tới cần có sự đầu tư mạnh hơn cho việc ứng dụng CNTT. Để đáp ứng cho việc triển khai các dự án phát triển, trong vài năm tới, nhu cầu nguồn nhân lực bổ sung sẽ tăng cao. Thực tế, khó khăn lớn nhất trong ứng dụng CNTT tại các cơ quan Nhà nước hiện nay là thiếu nhân lực, nhất là đội ngũ kỹ sư CNTT có trình độ. Do lương thấp, nên những cán bộ có trình độ CNTT khá chỉ làm việc một thời gian ngắn, sau lại bỏ việc ra ngoài làm cho dù một số đơn vị cố gắng bố trí thêm thu nhập cho cán bộ CNTT chuyên trách, song cũng chỉ trong phạm vi có thể, mà mức thu nhập như vậy vẫn là rất thấp so với thu nhập bên ngoài. Cho nên, vấn đề nhân lực cần phải được quan tâm đúng mức, tỉnh cần có cơ chế chính sách đãi ngộ, đào tạo nâng cao và sử dụng đội ngũ cán bộ chuyên trách về CNTT để hạn chế tình trạng “chảy máu chất xám”. Bên cạnh đó cũng cần có các quy chế nhất định về bắt buộc triển khai ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước, có lộ trình rõ ràng và có mục tiêu kế hoạch cụ thể cho từng năm, có những chế tài xử phạt và khen thưởng đối với người đứng đầu các cơ quan Nhà nước trong việc ứng dụng CNTT, chắc chắn CNTT sẽ thực sự là công cụ hiệu quả cho quản lý nhà nước.

HẢI NGUYỆT