08:09, 16/09/2010

Giáo viên tiểu học có sống được với nghề?

Theo báo cáo của Sở Giáo dục - Đào tạo, năm học 2010 - 2011, toàn tỉnh Khánh Hòa còn thiếu gần 500 giáo viên tiểu học để đảm bảo tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp, nhằm thực hiện kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), năm học 2010 - 2011, toàn tỉnh Khánh Hòa còn thiếu gần 500 giáo viên tiểu học (GVTH) để đảm bảo tỷ lệ 1,5 GV/lớp, nhằm thực hiện kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày. Trong khi đó, nhiều sinh viên được đào tạo ngành Sư phạm TH từ các trường cao đẳng sư phạm (CĐSP) lại chấp nhận “thất nghiệp” hoặc tìm kiếm công việc khác khi không được tuyển dụng theo nguyện vọng cá nhân. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện kế hoạch, chương trình giảng dạy ở nhiều trường TH. Vậy đâu là nguyên nhân chính của tình trạng khan hiếm GVTH?

Nguyễn Ngọc Anh - sinh viên vừa tốt nghiệp một trường CĐSP trong tỉnh cho biết: “Với mức lương tối thiểu (730.000 đồng), cộng với phụ cấp đứng lớp, một GV mới ra trường hệ CĐ dạy TH chỉ nhận được khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Khoản thu nhập này có thể tạm “đủ sống” nếu em được bố trí dạy ở các trường trong thành phố. Nhưng trong vài năm đầu, chắc chắn em sẽ phải dạy học ở xa nhà, nên thu nhập không thể đủ cho em chi phí trong 1 tháng. Em đã xin được “chân” bán vé các tour du lịch tại một công ty lữ hành trong thành phố với mức lương khởi điểm 2,4 triệu đồng/tháng. Chắc em sẽ từ bỏ ước mơ trở thành cô giáo”. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ GD TH năm học 2010 - 2011, Sở GD-ĐT đã kiên quyết yêu cầu hiệu trưởng các trường TH phải cấm GV tuyệt đối không dạy thêm cho học sinh (HS) đã học 2 buổi/ngày. Nếu trường nào có đơn thư phản ánh tình trạng dạy thêm sẽ bị “cắt” thi đua. Như vậy, cơ hội dạy thêm để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống của các GVTH xem như đã chấm dứt.

Năm học 2010 - 2011, giáo viên tiểu học tuyệt đối không được dạy thêm cho học sinh đã học 2 buổi/ngày.

Cô P.T.T, GV một trường TH ở TP. Nha Trang cho biết, việc cấm dạy thêm đối với HS cấp I là việc làm đúng đắn. Vì xét cho cùng, việc dạy thêm ít nhiều cũng ảnh hưởng tới công việc giảng dạy và quản lý HS của GV ở trên lớp. Về phía HS, sẽ gây thêm sự căng thẳng, mệt mỏi cho các em. Tuy nhiên, ngành GD cũng cần có chính sách “mở” cho GV, nhất là GV ở những trường không dạy học 2 buổi/ngày. “Với những HS không học 2 buổi/ngày, nhu cầu cho con học thêm của phụ huynh là rất lớn. Mặt khác, đây cũng là việc làm thêm ngoài giờ chính đáng, giúp GV có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống” - cô P.T.T nói. Ngoài ra, so với GV các cấp học khác thì GVTH vất vả nhưng thu nhập lại thấp hơn nhiều. Hàng ngày, ngoài việc đứng lớp 2 buổi, dạy những môn học theo quy định, nhiều GV phải kiêm thêm những môn dạy khác như mỹ thuật, thủ công…; buổi tối còn phải soạn giáo án và làm đồ dùng dạy học.
Như vậy, áp lực từ cuộc sống vật chất, đồng lương dành cho đội ngũ GV TH ngày càng gia tăng, trong khi đó cơ hội để kiếm thêm tiền, làm thêm đúng với nghề nghiệp, chuyên môn của mình đối với phần đông GV, nhất là vùng nông thôn, miền núi lại ngày càng bị thu hẹp. Những năm qua, Nhà nuớc đã có sự quan tâm hơn về đời sống vật chất, cụ thể là chế độ lương và phụ cấp cho đội ngũ GV. Nhưng so với tình hình kinh tế hiện nay, đồng lương của GV vẫn còn quá thấp, chưa đảm bảo cho cuộc sống của bản thân và gia đình. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm GVTH và ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học hiện nay. Cần thiết phải có những cải cách, biện pháp hữu hiệu và cần được thực hiện một cách đồng bộ, khoa học hơn trong việc sử dụng nguồn ngân sách khá lớn đang đầu tư vào hệ thống GD. Phải có chế độ đãi ngộ tương xứng với công sức và vai trò của GV trong sự nghiệp phát triển GD của nước nhà. Hy vọng với những đổi mới của ngành GD trong thời gian tới, GVTH sẽ sống được với nghề bằng những đồng lương của mình.

GIA HUY