04:09, 14/09/2010

Không nên chủ quan

Viêm loét dạ dày - tá tràng là bệnh thường gặp ở nhiều lứa tuổi. Bệnh này ít gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh nhưng nếu không được điều trị đúng cách và có chế độ ăn uống hợp lý thì một số trường hợp có thể dẫn đến tử vong do biến chứng.

Viêm loét dạ dày - tá tràng (DD-TT) là bệnh thường gặp ở nhiều lứa tuổi. Bệnh này ít gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh nhưng nếu không được điều trị đúng cách và có chế độ ăn uống hợp lý thì một số trường hợp có thể dẫn đến tử vong do biến chứng.

Có mặt tại Phòng Nội soi - Tiêu hóa Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa, chúng tôi nhận thấy số lượng bệnh nhân (BN) vào nội soi về bệnh viêm loét DD-TT khá nhiều. Theo số lượng thống kê của phòng, mỗi ngày có khoảng từ 30 - 35 người vào kiểm tra về căn bệnh này. Bác sĩ Đỗ Thị Cẩm Hà - Khoa Nội tổng hợp - thần kinh BVĐK tỉnh cho biết, hiện nay số BN bị mắc bệnh viêm loét DD-TT đang bị trẻ hóa. Nếu trước đây số người mắc thường nằm trong độ tuổi từ 30 - 60 thì hiện nay, số BN dưới 30 tuổi mắc căn bệnh này khá nhiều. Bình quân mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 3 - 4 ca được chẩn đoán là bị viêm loét DD-TT và căn bệnh này hiện nay chiếm 35% bệnh lý của đường tiêu hóa. BN Huỳnh Thị Liên - 24 tuổi cho biết, chị nhập viện điều trị đã được 3 ngày. Từ khi nhập viện, được bác sĩ điều trị nên bệnh có chiều hướng thuyên giảm. Trước đây, mỗi khi trở bệnh, chị hay bị đau đầu, nôn ói, đau vùng bụng có lúc dữ dội, có lúc từng cơn rất khó chịu, ăn uống khó khăn, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày. Theo chị, có thể do ăn uống không đúng giờ giấc nên chị bị mắc căn bệnh này. Tuy nhiên, trường hợp chị Liên là nhẹ, có trường hợp để biến chứng nặng mới nhập viện, nếu không được điều trị kịp thời rất dễ dẫn đến tử vong. Như trường hợp anh Trần Minh Thanh - 41 tuổi, ở Nha Trang, nhập viện trong tình trạng đau dữ dội, nôn và đi cầu ra máu, được chẩn đoán là bị biến chứng nặng gây xuất huyết tiêu hóa, nhờ điều trị kịp thời nên đã qua cơn nguy hiểm, hiện sức khỏe đã ổn định. Anh Minh cho biết, anh mắc căn bệnh này gần 10 năm nay, đây là lần thứ 3 anh nhập viện trong tình trạng tương tự như thế này. Nguyên nhân bị tái phát nhiều lần là do anh vừa chủ quan, không kiêng bia, rượu như chỉ dẫn của bác sĩ, vừa lao động quá sức.

Một bệnh nhân đang được nội soi để kiểm tra bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.

Theo bác sĩ Đỗ Thị Cẩm Hà: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm loét DD-TT nhưng nhìn chung, có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất là do dùng thuốc giảm đau như Aspirin và các thuốc giảm đau, chống viêm không chứa steroid và một số loại thuốc khác. Thứ hai là do stress tâm lý và chế độ dinh dưỡng thiếu hợp lý, gây hại cho DD như rượu bia, thuốc lá… Thứ ba, nguyên nhân này được xem quan trọng nhất, đó là sự xuất hiện của vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP) trong DD. Vi khuẩn này có khả năng lây lan qua đường miệng, khi vào DD, nó có thể gây viêm loét, thậm chí dẫn tới ung thư DD. Triệu chứng điển hình của bệnh loét DD-TT là đau thượng vị (vùng trên rốn và dưới mỏm xương ức), đau có chu kỳ theo bữa ăn và theo mùa, đau xuất hiện hoặc tăng khi ăn các thức ăn chua, cay hay khi bị căng thẳng thần kinh và giảm khi uống các thuốc kháng axit hay thuốc băng niêm mạc DD. Còn các triệu chứng không điển hình là đầy bụng, ợ hơi, ợ chua, chậm tiêu hóa… Tuy nhiên, những triệu chứng này rất khó phân biệt là do loét hay do một bệnh khác của DD như viêm DD, ung thư DD, hay chứng loạn tiêu hóa không do loét. Trường hợp này phải chụp Xquang hoặc nội soi DD-TT mới chẩn đoán chắc chắn. Chỉ khoảng 50% BN loét DD-TT là có triệu chứng điển hình, 40 - 45% có triệu chứng mơ hồ, không điển hình. Có khoảng 5 - 10% BN loét hoàn toàn không có triệu chứng (loét câm). Bệnh có thể điều trị dứt, không tái phát và không gây biến chứng nguy hiểm nếu được phát hiện kịp thời và được điều trị đúng cách. Ngược lại, một số trường hợp nếu để bị biến chứng nặng có thể dẫn đến tử vong.

Theo lời khuyên của các bác sĩ, để tránh bệnh viêm loét DD-TT, người bệnh cần tránh xa các yếu tố thuận lợi phát sinh ra bệnh gồm: thuốc lá, bia rượu, các stress về thần kinh tâm lý, các thuốc kháng viêm, thuốc trị đau nhức. Đối với nguyên nhân bệnh do nhiễm khuẩn HP cần giữ vệ sinh ăn uống. Khi phát hiện bị mắc bệnh viêm loét DD-TT, cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị với sự hướng dẫn của thầy thuốc để đảm bảo hiệu quả điều trị phù hợp. Người bệnh tuyệt đối không nên tự ý điều trị, hay nghe theo lời mách bảo hoặc sử dụng lại toa thuốc cũ mà không chịu đi tái khám để tránh những hậu quả không tốt có thể xảy ra. Ngoài ra, người lớn tuổi khi có triệu chứng của bệnh viêm loét DD-TT nên thăm dò nội soi hoặc chụp X-quang để xác minh hoặc loại trừ sớm ung thư DD.

BÁ NGHĨA