12:09, 14/09/2010

Người cao tuổi: Những thách thức về sức khỏe, xã hội

Theo báo cáo kết quả Tổng điều tra Dân số và nhà ở 2009, tỷ lệ người cao tuổi ở Việt Nam hiện chiếm 9% dân số và sẽ tăng nhanh đạt tới 16,8% vào năm 2029.

Theo báo cáo kết quả Tổng điều tra Dân số và nhà ở 2009, tỷ lệ người cao tuổi (NCT) ở Việt Nam hiện chiếm 9% dân số và sẽ tăng nhanh đạt tới 16,8% vào năm 2029. Vấn đề già hóa dân số ở Việt Nam đang trở thành thách thức đối với nền kinh tế - xã hội. Làm thế nào để giảm thiểu nguy cơ có hại cho sức khỏe (SK) NCT; tình hình tăng huyết áp và một số hành vi SK NCT hiện nay; thực thi chính sách và các công trình nghiên cứu khoa học (NCKH) về NCT… là những vấn đề được các nhà khoa học, bác sĩ đặt ra tại Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ 6 của Hội Y tế công cộng Việt Nam (YTCCVN) vừa diễn ra tại Nha Trang.

Mở đầu chuyên đề về NCT, cử nhân Trần Vũ - Hội YTCCVN đưa ra những con số cho thấy cơ cấu dân số già của Việt Nam đang tăng cao. Đó là, so với năm 1999 tỷ lệ NCT tăng trong khi tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi giảm, chỉ số già hóa của Việt Nam tăng 11 điểm phần trăm trong 10 năm (từ 24,5% lên 35,9%) và cao hơn mức trung bình ở Đông Nam Á (30%). Như vậy, cơ cấu dân số Việt Nam hiện đang là “Cơ cấu dân số vàng” nhưng theo dự đoán sẽ chuyển sang giai đoạn “Cơ cấu dân số già” trong thời gian sớm. Theo báo cáo phát triển con người năm 2009, tuổi thọ khỏe mạnh của người Việt Nam thấp, chỉ 66 tuổi. Điều đó cho thấy trong bối cảnh quá trình già hóa dân số đang diễn ra một cách nhanh chóng ở Việt Nam, bên cạnh nội dung chăm sóc NCT, cần có những chính sách huy động sự tham gia của NCT để nâng cao SK cũng như tận dụng nguồn lực của nhóm NCT.

 Cần có những chính sách về y tế, xã hội phù hợp hơn cho người cao tuổi.
Đi sâu vào vấn đề SK, Tiến sĩ - bác sĩ Trương Tấn Minh - Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa đặt vấn đề: sự già hóa dân số đang trở thành thách thức đối với kinh tế - xã hội của Việt Nam. Trong đó, chi phí chăm sóc y tế NCT cao gấp 7 lần so với người trẻ nếu không có giải pháp thích hợp. NCT thường mắc các bệnh về huyết áp, tim mạch, nội tiết, trầm cảm, mất trí nhớ, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Trong một nghiên cứu khảo sát ngẫu nhiên với 2.170 NCT ở Khánh Hòa về một số hành vi SK của NCT, kết quả nghiên cứu cho thấy quá nửa NCT nam giới hút thuốc lá, gần 50% có uống rượu bia. Về việc tìm hiểu lĩnh vực chăm sóc sức khỏe (CSSK) thì chỉ có 1/3 số NCT thường xuyên tìm hiểu về lĩnh vực này; hơn 50% NCT được hỏi có tham gia tập thể dục; tỷ lệ NCT chọn trạm y tế để khám chữa bệnh và chọn phương pháp điều trị bằng Tây y là khá cao, hơn 60%. Kết quả nghiên cứu này cho thấy tầm quan trọng của cơ sở y tế cũng như vai trò của việc điều trị bằng Tây y trong khám chữa bệnh cho NCT. Để nâng cao sức khỏe cho NCT, Tiến sĩ Trương Tấn Minh đưa ra một số kiến nghị như: cần tăng cường các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá trong cộng đồng NCT; tổ chức các chương trình giáo dục SK cho NCT thông qua sinh hoạt của Hội NCT; chú trọng đến các hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá, lợi ích của việc tập thể dục, chế độ dinh dưỡng. Đặc biệt, cần có những nghiên cứu sâu hơn về ảnh hưởng của thuốc lá, uống rượu, tập thể dục liên quan đến các bệnh lý tim mạch, hô hấp, ung thư, rối loạn chuyển hóa, hành vi… đến NCT. Cũng đi sâu vào vấn đề SK, kết quả nghiên cứu về đo lường gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam (sử dụng chỉ số DALYs), do nhóm giảng viên Bùi Ngọc Linh - Đại học YTCC thực hiện cho thấy: bệnh tim mạch và ung thư là các bệnh chính gây ra gánh nặng bệnh tật ở NCT nam giới. Đối với nữ giới NCT, gánh nặng bệnh tật tập trung ở các bệnh về tim mạch, thần kinh, các bệnh về đường hô hấp. Từ kết quả nghiên cứu, cho thấy cần xây dựng chính sách y tế phù hợp cho NCT.

Liên quan đến vấn đề NCT, Thạc sĩ - bác sĩ Đặng Huy Hoàng - Hội YTCCVN đặt ra vấn đề về việc thực thi chính sách và các công trình NCKH về NCT ở Việt Nam hiện nay. Dựa trên 94 văn bản pháp luật và 96 công trình NCKH về NCT từ năm 1994 trở lại đây, nhóm nghiên cứu của Thạc sĩ Đặng Huy Hoàng chỉ ra rằng những văn bản pháp luật về NCT chủ yếu đề cập về vai trò của Chính phủ, an ninh xã hội, dịch vụ y tế và xã hội, thiếu những văn bản về kiểm soát hành vi và yếu tố môi trường có hại đối với NCT. Bên cạnh đó, đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào về dịch vụ y tế tư nhân và dịch vụ CSSK tâm thần cho NCT, các yếu tố về sinh học và tâm lý, an toàn thực phẩm cho NCT…, trong khi đây lại là những vấn đề rất cần cho NCT hiện nay.

Các báo cáo khoa học về NCT đặt ra tại Hội nghị Khoa học toàn quốc lần thứ 6 của Hội YTCCVN có thể chưa nêu hết các vấn đề. Tuy nhiên, nghiên cứu này cùng với những kiến nghị của nó có thể giúp cho xã hội cũng như những nhà hoạch định có cái nhìn tổng quan hơn trong việc xây dựng các chính sách dành cho NCT.

THI CA