08:08, 03/08/2010

Còn nhiều khó khăn

Ngày 27-7, Ban quản lý Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang đã có văn bản trình UBND tỉnh Khánh Hòa 10 vấn đề khó khăn, bất cập mà cơ quan này đang phải đối mặt trong quá trình quản lý và bảo tồn vịnh Nha Trang.

Ngày 27-7, Ban quản lý Khu bảo tồn biển (BQL KBTB) vịnh Nha Trang đã có văn bản trình UBND tỉnh Khánh Hòa 10 vấn đề khó khăn, bất cập mà cơ quan này đang phải đối mặt trong quá trình quản lý và bảo tồn vịnh Nha Trang.

Hiện nay, KBTB vịnh Nha Trang chỉ có Quy chế tạm thời quản lý KBTB Hòn Mun, nhưng chưa có những chế tài ràng buộc để áp dụng trong việc thực hiện, xử lý các trường hợp vi phạm, cũng như quản lý một cách hiệu quả vịnh Nha Trang. Do đó trên thực tế, rất nhiều tổ chức, cá nhân không tuân thủ quy định của tỉnh về quản lý KBTB. KBTB vịnh Nha Trang có diện tích 16.000ha, bằng 64% diện tích vịnh Nha Trang. Với diện tích rộng lớn như thế, nếu có phát hiện sai phạm thì việc BQL báo lại cho cơ quan chức năng cũng rất khó khăn, các đối tượng dễ tẩu tán tang vật… Về điều này, BQL KBTB vịnh Nha Trang đề nghị UBND tỉnh xem xét các văn bản quản lý có liên quan đến việc quản lý vịnh Nha Trang, điều chỉnh, bổ sung hoặc bãi bỏ cho phù hợp với các quy định hiện hành của Chính phủ. BQL cũng trình UBND tỉnh Quy chế quản lý, Kế hoạch quản lý và Quy chế phối hợp từ năm 2004 và đề nghị UBND tỉnh phê duyệt các văn bản đã đề xuất làm cơ sở pháp lý để quản lý hiệu quả vịnh Nha Trang.

Nhắc nhở tàu cá xâm phạm Khu Bảo tồn biển ở Hòn Mun
Một vấn đề khó khăn nữa là hiện tại, vịnh Nha Trang đang phải chịu tình trạng ô nhiễm môi trường vì lượng chất thải rất lớn từ những cống thải của thành phố (như cống đường Dã Tượng, hẻm 19 đường Phước Long)… cũng như rác thải từ các khu sản xuất trực tiếp đổ ra biển. Chất thải từ các khu dân cư, lồng bè nuôi thủy sản hay từ các tàu du lịch xả thẳng xuống vịnh cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường… Riêng việc đổ chất thải từ các tàu du lịch ra biển, UBND đã có quyết định 149/2004/QĐ-UB, văn bản chỉ đạo số 1056/UBND ngày 10-3-2009, quy định các thuyền hoạt động du lịch trên biển phải có thùng chứa chất thải. Tuy nhiên, điều này đã không được thực hiện do liên quan đến vấn đề kinh phí đầu tư và lợi ích kinh doanh.

Mặt khác, hiện tại, số lượng du khách đến Hòn Mun ngày càng đông, số lượng khách lặn biển tham quan rạn san hô ngày càng tăng (hiện có 15 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này) nhưng điểm lặn rất hạn chế nên đã tạo ra áp lực lên vùng lõi Hòn Mun. Rạn san hô và hệ sinh thái nơi đây đang dần bị ảnh hưởng xấu. Ước tính hàng ngày, riêng việc lặn biển cũng có đến hàng trăm lượt du khách. Ông Trương Kỉnh, Giám đốc BQL KBTB vịnh Nha Trang cho rằng: Cần tổ chức các khu vui chơi khác như Đầm Tre, mở thêm điểm lặn ở phía Nam Hòn Một, Đông và Đông Nam Hòn Tằm, Đông và Đông Bắc Hòn Tre để giảm bớt mật độ khách cho vùng lõi. BQL cũng đề nghị cho xây dựng đề tài “Nghiên cứu tác động của hoạt động du lịch lên vùng lõi Hòn Mun” làm cơ sở quản lý các hệ sinh thái xung quanh Hòn Mun. Bên cạnh đó, trong KBTB vịnh Nha Trang hiện tồn tại 2 đầm đăng khai thác hải sản ở Hòn Mun và Hòn Nọc. Các đầm đăng này được phép tồn tại và hoạt động hợp pháp theo quy định của UBND tỉnh từ năm 2002. Đến năm 2008, Chính phủ đã ra Nghị định số 57/2008/NĐ-CP, ban hành Quy chế quản lý các KBTB Việt Nam, trong đó nghiêm cấm khai thác nguồn lợi sinh vật và phi sinh vật bằng bất cứ phương pháp, công cụ nào. Do đó, việc tồn tại các đầm đăng này hiện không còn phù hợp, vi phạm Nghị định 57. Thế nhưng, sau 2 năm, UBND tỉnh chưa có văn bản nào điều chỉnh theo Nghị định 57 của Chính phủ.

Ngoài ra, việc nợ thuế thu nhập doanh nghiệp của BQL KBTB vịnh Nha Trang, theo BQL đây là việc “lấy ngân sách nộp thuế”. Vì ngoài số kinh phí theo quy định mà BQL được phép lấy từ việc thu phí danh lam thắng cảnh, số tiền dư ra đều nộp vào ngân sách nhưng vẫn bị tính thuế. BQL KBTB vịnh Nha Trang còn đưa ra nhiều vấn đề khác như: Kinh phí hoạt động thiếu thốn; nhân lực tuần tra bảo vệ mỏng, thiếu chế độ đối với những người làm công tác bảo tồn biển, đặc biệt là lực lượng tuần tra trên biển; cơ sở vật chất, điều kiện làm việc không ổn định…

Trước những khó khăn trên, ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Về việc quản lý vịnh Nha Trang, UBND TP. Nha Trang là đơn vị đứng ra chịu trách nhiệm quản lý chung, BQL KBTB vịnh Nha Trang cần phối hợp với cơ quan chức năng để sớm phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm. Về việc ô nhiễm môi trường, UBND tỉnh yêu cầu UBND TP. Nha Trang phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường tìm các biện pháp tạm thời để xử lý ô nhiễm, trong lúc chờ thi công hoàn thiện dự án cải thiện vệ sinh môi trường TP. Nha Trang. UBND tỉnh cũng yêu cầu BQL KBTB vịnh Nha Trang phối hợp với sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh để khẩn trương ban hành quyết định điều chỉnh các điểm không phù hợp. Việc giảm áp lực số du khách đến Hòn Mun bằng các đề xuất mà BQL KBTB vịnh Nha Trang đưa ra như có thêm điểm lặn mới, xây dựng đề tài và các vấn đề khác, BQL cần theo đúng chức năng, quyền hạn mà UBND tỉnh đã giao để tham mưu và thực hiện…

QUANG ĐỨC