08:03, 29/03/2018

Trung tâm Y tế Cam Lâm: Những khó khăn cần sớm giải quyết

Thời gian qua, Trung tâm Y tế Cam Lâm (Khánh Hòa) đã không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân, tuy nhiên vẫn còn đó những khó khăn cần sớm được giải quyết.
 

 

Thời gian qua, Trung tâm Y tế Cam Lâm (Khánh Hòa) đã không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân, tuy nhiên vẫn còn đó những khó khăn cần sớm được giải quyết.
 
Hiện nay, Trung tâm Y tế huyện Cam Lâm có 32 bác sĩ (BS). Trong đó, đa số tập trung công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện, số còn lại phân bổ cho các phòng khám đa khoa, trạm y tế trực thuộc. BS Nguyễn Công Xanh - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết, số lượng BS hiện tại còn khá thấp theo quy định và nhu cầu thực tế. Theo đó, tỷ lệ BS trên 1 vạn dân chỉ đạt 3 BS, trong khi theo quy định, tỷ lệ này phải đạt ít nhất 6 BS/1 vạn dân.
 
Theo lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện, những năm qua, để thu hút BS, ngoài chính sách của tỉnh, với mỗi BS về công tác ở bệnh viện, đơn vị còn hỗ trợ thêm 1,6 triệu đồng/tháng/BS nhưng vẫn không tuyển thêm được BS về công tác. Với số lượng BS hiện tại, đơn vị vẫn đảm bảo được công tác khám, chữa bệnh cho người dân; song để tạo điều kiện cho các BS tham gia các chương trình đào tạo, nâng cao trình độ, tay nghề chuyên môn lại rất khó khăn. Thời gian qua, có nhiều dịch vụ kỹ thuật tiên tiến, hiệu quả cao trong khám, chữa bệnh nhưng đơn vị vẫn chưa sắp xếp được BS đi đào tạo vì không có người làm thay.

 

Cổng vào khu cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa huyện Cam Lâm đã có nhưng không thể sử dụng.
Cổng vào khu cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa huyện Cam Lâm đã có nhưng không thể sử dụng.
 
 
Điều đáng nói, Bệnh viện Đa khoa huyện Cam Lâm dù đi vào hoạt động từ năm 2012 đến nay, được xây dựng hai cổng chính, một cổng dẫn vào khu cấp cứu, một cổng dẫn vào khu khám, chữa bệnh, nhưng hai cổng này luôn đóng cửa vì... chưa có đường đi. Theo BS Xanh, trong quy hoạch ban đầu, cổng vào khu cấp cứu và khu khám bệnh nằm về phía nam của bệnh viện. Đường vào cổng được nối từ Quốc lộ 1 vào, giúp thuận lợi cho việc cấp cứu, đưa người bệnh đến bệnh viện. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, tuyến đường này vẫn chưa được thi công, dẫn đến thực trạng bệnh viện có cổng nhưng không dùng được. Để khắc phục tạm thời, lãnh đạo bệnh viện đã phải mở cổng tạm nằm ở hướng khác, xa khu cấp cứu. Bên cạnh đó, cổng do bệnh viện mở tạm không đảm bảo về kỹ thuật và an toàn giao thông trong khu vực. Ngay trước cổng tạm là đường giao thông trong khu dân cư, nhiều người qua lại, trước đây đã xảy ra không ít trường hợp va quẹt giữa xe chở bệnh nhân với người tham gia giao thông.
 
Bà Nguyễn Thị Minh - người dân ở khu vực này cho biết: “Đường dân sinh cắt ngay cổng nên người dân đi qua rất khó quan sát được xe từ trong bệnh viện đi ra. Bản thân tôi mỗi lần đi ngang qua đây cũng phải đi rất chậm, nhìn xem thử có xe không mới dám đi tiếp”.
 
“Những vướng mắc, khó khăn, đơn vị cũng đã có kiến nghị với Sở Y tế, UBND huyện. Trong đó, chúng tôi mong được sớm thi công tuyến đường vào cổng chính để đảm bảo công tác cấp cứu người bệnh. Bên cạnh đó, có chính sách phù hợp hơn, khả thi nhằm thu hút thêm BS về công tác tại địa phương; phân bổ thêm BS về tuyến huyện nhằm đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở địa phương”, BS Xanh nói.
 

BS Lê Tấn Phùng - Phó Giám đốc Sở Y tế: Việc thiếu BS là tình trạng chung của nhiều địa phương, vấn đề này ở huyện Cam Lâm có phần gặp nhiều khó khăn hơn. Chính sách thu hút nhân lực hiện tại cho ngành Y tế chưa đủ để hấp dẫn các BS. Sở Y tế đã có đề án nhằm tăng khả năng thu hút nhân lực, hiện đang trình Tỉnh ủy, HĐND tỉnh phê duyệt. Về vấn đề xây dựng đường dẫn vào cổng theo quy hoạch của bệnh viện vẫn phải chờ kinh phí để triển khai.


 

VĨNH THÀNH