11:10, 31/10/2016

Dịch sốt xuất huyết có dấu hiệu gia tăng

Trước tình hình dịch sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, chiều 31-10, ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa làm việc với Sở Y tế và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh, cùng các sở, ngành liên quan về công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh.

Trước tình hình dịch sốt xuất huyết (SXH) có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, chiều 31-10, ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa làm việc với Sở Y tế và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh, cùng các sở, ngành liên quan về công tác phòng, chống dịch sốt SXH trên địa bàn tỉnh.


Diễn biến dịch phức tạp


Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tính đến ngày 23-10, toàn tỉnh ghi nhận 4.042 ca mắc SXH. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc tăng 0,5%. Toàn tỉnh đã xử lý 213 ổ dịch.

 

 Đồng chí Nguyễn Đắc Tài (thứ hai từ trái sang) thăm bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới
Ông Nguyễn Đắc Tài (thứ hai từ trái sang) thăm bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới


Dịch SXH trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu gia tăng từ tháng 8. Nếu từ tháng 4 đến tháng 7, số ca mắc mới hàng tháng dao động từ 80 đến dưới 200 ca, thì từ tháng 8 trở đi số ca mắc mới tăng trên 200 ca, riêng tháng 10 tăng lên 282 ca. TP. Nha Trang, TP. Cam Ranh và thị xã Ninh Hòa là 3 địa phương có số ca mắc tăng cao.


Bác sĩ Trần Thị Tuyết Mai - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, trước tình hình dịch bệnh SXH diễn biến phức tạp, mới đây, Sở Y tế đã tổ chức các đợt kiểm tra về công tác phòng, chống dịch tại các địa phương. Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các địa phương đã có kế hoạch và chủ động triển khai nhiều đợt phun hóa chất, diệt lăng quăng tại các xã, phường, nhất là ở những nơi có nguy cơ cao hoặc đang có ổ dịch SXH. Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả công tác diệt lăng quăng ở các địa phương chưa cao và không đồng đều. Nơi nào UBND xã vào cuộc quyết liệt, đầu tư kinh phí thì nơi đó có kết quả tốt hơn. Các ban, ngành, đoàn thể đã tham gia vào hoạt động này, nhưng chưa nhiệt tình; chưa huy động được người dân tham gia diệt lăng quăng. Việc diệt lăng quăng theo tần suất 1 lần/tuần, 2 lần/tuần theo quy định đã được các địa phương thực hiện, nhưng do phải tổ chức thường xuyên, liên tục tại các xã, phường có nguy cơ cao, dẫn đến việc huy động nhân lực khó khăn. Ngoài ra, ý thức chủ động phòng, chống dịch bệnh trong một bộ phận dân cư còn thấp, một số hộ vẫn còn chủ quan, thoái thác trách nhiệm cho ngành Y tế… “Trong thời gian tới, nguy cơ bùng phát SXH rất có thể xảy ra nếu các địa phương không tích cực triển khai có hiệu quả những biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của UBND tỉnh”, bác sĩ Mai nói.

 

Đồng chí Nguyễn Đắc Tài (thứ hai từ phải sang) thăm bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới
Ông Nguyễn Đắc Tài (thứ hai từ phải sang) thăm bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới


Bác sĩ Lê Tấn Phùng - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Trong tuần này, ngành Y tế sẽ tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm công tác thu dung, chuyển tuyến, điều trị SXH cho tất cả các cơ sở y tế, trong đó có y tế tư nhân. Ngoài ra, sẽ tăng cường công tác giám sát hoạt động diệt lăng quăng vì đây là thời điểm mấu chốt. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng và UBND các địa phương có trách nhiệm trong việc yêu cầu thực hiện diệt lăng quăng ở những vũng nước tù, đọng nằm trong công trình xây dựng của các đơn vị…”.


Chỉ đạo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đắc Tài đề nghị, Văn phòng UBND tỉnh tổ chức họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh cấp tỉnh trong đầu tuần tới; yêu cầu Sở Y tế chủ trì cùng với các sở, ban, ngành tổng hợp, đánh giá tình hình dịch SXH hiện nay, chỉ rõ những việc làm được và chưa làm được, trong đó, nêu trách nhiệm cụ thể các đơn vị, địa phương thực hiện chưa tốt công tác này.


Bệnh viện quá tải


Do số ca mắc mới tăng cao nên những ngày qua, các bệnh viện (BV) đều ở trong tình trạng quá tải.


Theo thống kê của BV Bệnh nhiệt đới tỉnh, chỉ trong tháng 10, BV tiếp nhận gần 200 ca, tăng gấp 2, 3 lần so với các tháng trước. Trung bình mỗi ngày, BV điều trị từ 25 đến 40 ca SXH, có những ngày cao điểm lên đến gần 50 ca, trong đó có từ 5 đến 10 ca mắc mới. Không đủ giường, BV phải kê thêm giường xếp cho bệnh nhân nằm, trưng dụng cả phòng hành chính, phòng họp làm nơi điều trị cho bệnh nhân. Bác sĩ Nguyễn Đông - Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới tỉnh cho biết: “Để hạn chế tình trạng nằm ghép do quá tải, BV đã tăng cường khám, điều trị tư vấn, phân loại bệnh nhân. Đối với bệnh nhân nhẹ, BV cho điều trị ngoại trú và tái khám hàng ngày. Đối với bệnh nhân có dấu hiệu nặng, BV sắp xếp các phòng riêng để theo dõi và xử lý kịp thời, hạn chế tử vong. Ngoài ra, BV cũng tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn để tránh tình trạng lây nhiễm chéo”.

 

Tình trạng quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh
Tình trạng quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh


Tại Khoa Nhiễm, BV Đa khoa khu vực Ninh Hòa, số bệnh nhân SXH nhập viện trong tháng 10 tăng gấp 2, 3 lần so với các tháng trước. Nếu tháng 8, 9 mỗi ngày Khoa Nhiễm điều trị từ 5 đến 10 ca, thì trong tháng 10 số ca tăng lên 25 đến 30 ca, trong đó số ca nặng chiếm khoảng 10%. Bác sĩ Lê Lân - Trưởng Khoa Nhiễm, BV Đa khoa khu vực Ninh Hòa cho biết: “So với năm ngoái, năm nay, các ca bệnh SXH nhập viện không có các triệu chứng SXH điển hình. Nhiều ca khi vào viện có dấu hiệu giống bệnh nhiễm trùng như: sốt, tiêu chảy, nôn… đến gần giai đoạn cuối mới phát ban. Số ca người lớn mắc SXH chiếm gần 1/2”.


Bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh, Trưởng khoa Nội - Nhi, BV Bệnh nhiệt đới tỉnh cảnh báo: “So với năm ngoái, năm nay, số bệnh nhi dưới 12 tháng tuổi mắc SXH cao hơn, chiếm từ 10 đến 15% số bệnh nhân nhập viện vì SXH. Đối với lứa tuổi này khi mắc SXH đặc biệt nguy hiểm, vì diễn biến bệnh khó lường, nguy cơ tử vong rất cao. Ngoài ra, đối với trẻ bị béo phì, phụ nữ mang thai hay người lớn có kèm theo các bệnh lý (huyết áp, tim, gan, thận…) khi mắc bệnh SXH rất nguy hiểm vì nó làm cho tình trạng bệnh dễ chuyển biến nặng”.  


Theo bác sĩ Nguyễn Đông, đây cũng là thời điểm các bệnh truyền nhiễm như: tay chân miệng, tiêu chảy cấp, các bệnh về hô hấp có chiều hướng gia tăng, vì thế rất dễ xảy ra tình trạng bệnh chồng bệnh ở người mắc SXH, ẩn chứa nhiều biến chứng khó lường. Vì vậy, ngoài việc chủ động phòng tránh bệnh SXH bằng cách ngủ mùng, tích cực diệt lăng quăng, người dân khi thấy có các dấu hiệu nghi bệnh SXH cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm.


T.L

 




Ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Sở Y tế sớm tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm, tập huấn lại cho các cán bộ y tế công và tư trong công tác điều trị, giám sát và phát hiện bệnh; đẩy nhanh tiến độ xây dựng giai đoạn 2 BV Bệnh nhiệt đới tỉnh, xem xét đầu tư thêm trang thiết bị y tế, nhân lực cho BV. Đồng chí yêu cầu Sở Tài chính sớm cấp 1,5 tỷ đồng cho Sở Y tế để thực hiện công tác phòng, chống dịch SXH…

_________________________________________________



SXH có 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu của bệnh (ngày 1, 2, 3), bệnh nhân thường bị sốt cao, đau đầu, đau cơ, môi khô, khát nước, mệt mỏi, li bì. Ở giai đoạn 2 (ngày 4, 5, 6), các triệu chứng của giai đoạn 1 có vẻ giảm bớt nên nhiều người bệnh thường chủ quan, tuy nhiên đây là giai đoạn cực kỳ nguy hiểm, dễ dẫn đến biến chứng sốc, làm bệnh chuyển biến nặng hơn, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ tử vong. Ở giai đoạn 3 (từ ngày thứ 7 trở lên), bệnh lý SXH dần ổn định và ít xảy ra các biến chứng.

_________________________________________________
 


Dự báo, số ca mắc SXH trong tháng 11 sẽ tiếp tục tăng lên khoảng 600 ca. Các địa phương có nguy cơ tăng cao là: thị xã Ninh Hòa, TP. Nha Trang, TP. Cam Ranh, các huyện: Diên Khánh, Cam Lâm và Vạn Ninh.