08:08, 18/08/2016

Hy vọng mới cho 6 chứng bệnh nan y

Ung thư, Parkinson, mù lòa... đều là những căn bệnh nan y tưởng như không có phương thuốc cứu chữa, nhưng với sự phát triển vượt bậc của y học hiện nay, việc chữa khỏi những căn bệnh này không còn là điều xa vời nữa.

Ung thư, Parkinson, mù lòa... đều là những căn bệnh nan y tưởng như không có phương thuốc cứu chữa, nhưng với sự phát triển vượt bậc của y học hiện nay, việc chữa khỏi những căn bệnh này không còn là điều xa vời nữa.


Ung thư


Một loại vắc xin mới có khả năng tiêu diệt các khối u tấn công hệ thống miễn dịch như thể chúng là một loại vi rút bình thường mà không gây ra tác dụng phụ nào. Đây là kết quả của nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi GS. Ugur Sahin đến từ Đại học Johannes Gutenberg (Đức). Theo các nhà khoa học, loại vắc xin này cũng cho thấy hiệu quả tấn công các khối u đang phát triển mạnh ở những con chuột thí nghiệm. Ngoài ra, việc sản xuất vắc xin nhanh chóng, không tốn kém là một hướng đi đầy triển vọng trong việc điều trị căn bệnh ung thư - vốn được coi là tử thần của sức khỏe con người.


Lão hóa


Các nhà khoa học Nhật Bản từ Đại học Tsukuba đã tìm thấy phương pháp trì hoãn thậm chí đảo ngược lão hóa, ít nhất là ở mức độ cơ bản nhất của các dòng tế bào của con người, đồng thời phát hiện 2 gene có liên quan đến cách chúng ta già đi. Hai gene này quy định việc sản sinh glycine (một loại axit amin) trong ty thể và giúp làm chậm hoặc ngưng quá trình lão hóa ở cấp độ tế bào. Dựa trên phát hiện này, các nhà khoa học đang tiến hành xem xét chế tạo một loại thuốc có tên senolytic giúp làm chậm lão hóa.


Chứng hói đầu


 Sử dụng các tế bào gốc trong y học tái sinh là một lĩnh vực đầy hứa hẹn trong những năm gần đây. Tại RIKEN - tổ chức nghiên cứu lớn nhất của Nhật Bản, tái tạo răng và nang tóc từ tế bào gốc đã được các nhà khoa học nghiên cứu thành công. GS. Takashi Tsuji - trưởng nhóm nghiên cứu cùng đồng nghiệp đã phát hiện các nang tóc ở người có thể được tạo ra bằng các tế bào gốc trưởng thành mà không cần phải chiết xuất từ phôi. Sau đó, cấy các nang tóc này vào da đầu giúp người hói mọc tóc trở lại. Phương pháp này không giống như việc cấy ghép nang truyền thống mà chỉ đơn giản di chuyển nang sang phần da đầu bị hói, liệu pháp tế bào gốc dựa trên sự tái tạo nang không chỉ giúp ngăn rụng tóc còn thúc đẩy sự mọc tóc. Phương pháp này đang được tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người và trong vòng 3 - 5 năm tới liệu pháp này sẽ được sử dụng rộng rãi.


Viêm gan C


Viêm gan C là một căn bệnh mạn tính rất tốn kém để điều trị và tỷ lệ tử vong cao. Theo thống kê có khoảng 350.000 người trên thế giới mắc mới căn bệnh này hàng năm. Các phương pháp hỗ trợ điều trị viên gan C chủ yếu là dùng thuốc tiêm với chi phí rất cao và thường đi kèm một loạt tác dụng phụ không mong muốn như: xơ gan, rụng tóc, người mệt mỏi. Mới đây, Cơ quan Quản lý thực phẩm - dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép cho loại thuốc điều trị viêm gan C của hãng Gilead Science bào chế. Đây là loại thuốc mang tính đột phá, hiệu quả cao. Nguyên lý hoạt động của loại thuốc này là ngăn chặn một loại protein mà vi rút viêm gan C cần để nhân bản. Cơ chế của thuốc là ức chế men RNA polymerase từ đó ngăn cản sự sao chép của HCV-RNA.


Bệnh Parkinson


Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học George, Washington (Mỹ) đã tìm ra loại thuốc mới là thuốc điều trị ung thư nilotinib có thể giúp cải thiện khả năng nhận thức và vận động ở người bệnh Parkinson. Kết quả này được trình bày trong cuộc họp thường niên của Hiệp hội Khoa học Thần kinh Mỹ tại Chicago. Những người mắc bệnh Parkinson có một loại protein có tên là alpha-Synuclein là nguyên nhân gây tổn thương và làm chết các tế bào sản xuất Dopamine - một chất dẫn truyền thân kinh trong não bộ, làm ảnh hưởng nhiều đến khả năng vận động và nhận thức của người bệnh. Được điều trị với liều thấp nilotinib có khả năng dọn dẹp các protein alpha-Synuclein, bởi vậy mang lại hiệu quả tốt trong việc cải thiện các vấn đề của bệnh Parkinson.


Mù lòa


Không giống như những hình thức khác của chứng rối loạn thị giác như loạn thị hay cận thị, mù lòa không thể chữa bằng kính tiêu chuẩn, kính áp tròng hay phẫu thuật. Thực tế, không có thuốc chữa trị cho người mù. Tuy nhiên, một bác sĩ ở bang Floria (Mỹ) đã tuyên bố tìm ra phương thức chữa bệnh mù lòa đó là tiêm vào mắt họ tế bào gốc lấy từ tủy xương. Bằng cách này, ông đã phục hồi thị lực cho hơn 100 bệnh nhân. Tính đến năm 2016, phương pháp tương tự đã được thực nghiệm lâm sàng tại Bệnh viện mắt Moorfields ở London, Anh. Các chuyên gia sử dụng một lớp polyester siêu mỏng để phân phối các tế bào gốc phía sau võng mạc của người bệnh.


HÀ VI (Theo suckhoedoisong)