09:08, 07/08/2016

Dịch sốt xuất huyết giảm

Hiện nay, bình quân mỗi ngày, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa điều trị từ 15 đến 20 ca mắc bệnh sốt xuất huyết.

Số ca mắc giảm hàng tháng


Hiện nay, bình quân mỗi ngày, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa điều trị từ 15 đến 20 ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH). Bác sĩ Nguyễn Đông - Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới tỉnh cho biết: “Thời điểm này năm ngoái, lưu lượng bệnh nhân SXH tại BV là 40, 50 bệnh nhân thì năm nay giảm gần 1/2”.

 

Kiểm tra lăng quăng tại huyện Khánh Vĩnh
Kiểm tra lăng quăng tại huyện Khánh Vĩnh


Tại BV Đa khoa khu vực Ninh Hòa, không còn cảnh bệnh nhân phải nằm 2, 3 người chung 1 giường hoặc nằm tràn ra sân như năm ngoái. Số ca điều trị tại đây bình quân mỗi tuần khoảng 10 ca.


Đến thời điểm này, toàn tỉnh ghi nhận hơn 3.260 ca mắc bệnh SXH. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, nếu tháng 1 toàn tỉnh ghi nhận 1.720 ca SXH, đến tháng 2 số ca mắc mới giảm gần 1/3 với 657 ca thì tháng 4, số ca mắc mới còn 201 ca, đến tháng 7 toàn tỉnh có khoảng 145 ca.


Có được kết quả trên là nhờ từ đầu năm đến nay, ngành Y tế phối hợp với chính quyền các địa phương, ban, ngành liên quan triển khai mạnh mẽ công tác phòng, chống dịch SXH trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, tổ chức các đợt phun hóa chất diệt muỗi khi dịch đang xảy ra và phun chủ động trước thời điểm bùng phát dịch; phát động các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, thu gom phế thải, dụng cụ có chứa nước mưa, trong đó tập trung vào các địa phương có nguy cơ cao; tích cực giám sát các trường hợp nghi ngờ SXH; xử lý kịp thời các ổ dịch; thành lập các đoàn kiểm tra dịch bệnh SXH tại tất cả các địa phương… Điều đáng nói, hoạt động này đã có sự vào cuộc của các cấp, ngành.

 

UBND tỉnh vừa có công văn chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác phòng, chống dịch SXH. Theo đó, Sở Y tế tiếp tục duy trì, triển khai mạnh mẽ chiến dịch diệt lăng quăng tại các khu vực có nguy cơ cao trên địa bàn tỉnh; tăng cường giám sát, nắm chắc các ổ dịch SXH hiện có và phát sinh; phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức phun hóa chất tại các ổ dịch; xác định các điểm nóng để tập trung nguồn lực, giải quyết triệt để, đảm bảo không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài. UBND các địa phương chỉ đạo và huy động các tổ chức chính trị, xã hội triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng phế thải, nơi sinh sản của muỗi để loại bỏ và tiêu diệt bọ gậy...

Ngoài ra, người dân cũng đã nâng cao ý thức và phối hợp cùng ngành chức năng triển khai có hiệu quả công tác phòng bệnh tại cơ sở. Bà Cao Thị Lia (tổ dân phố 1, thị trấn Khánh Vĩnh, huyện Khánh Vĩnh) cho biết: “Đầu năm, gia đình tôi có 2 người mắc SXH. Cán bộ y tế tới phun thuốc và hướng dẫn gia đình phải luôn dọn dẹp vườn, không cho lăng quăng phát triển bằng cách thường xuyên súc rửa các bể nước. Tôi đã thường xuyên làm theo hướng dẫn”.


Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch

 

Theo nhận định của ngành Y tế, tuy số ca mắc SXH giảm mạnh so với đầu năm nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bùng phát trở lại trong những tháng cuối năm. Bác sĩ Nguyễn Văn Hải - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cảnh báo: “Kết quả kiểm tra công tác phòng, chống dịch SXH ở các địa phương cho thấy, chỉ số côn trùng và mật độ muỗi ở nhà dân vẫn ở mức báo động, dù đang là mùa khô, các vật dụng phế thải xung quanh không chứa nước. Ngoài ra, nếu tháng 6 toàn tỉnh ghi nhận 81 ca mắc mới thì trong tháng 7, số ca mắc mới tăng lên 145 ca. Từ nay đến cuối năm là thời điểm mưa nhiều, khí hậu thuận lợi cho muỗi sinh sản. Vì thế, nguy cơ dịch bùng phát rất cao nếu chiến dịch diệt lăng quăng ở các địa phương triển khai đạt hiệu quả thấp, người dân lơ là trong việc tự diệt lăng quăng tại nhà”.


Để hạn chế sự bùng phát dịch SXH, hiện nay, ngành Y tế đang tích cực phối hợp với các địa phương và ban, ngành tiếp tục triển khai các hoạt động phòng, chống dịch như: phun hóa chất chủ động trên địa bàn tỉnh vào những tháng cao điểm ở tất cả địa phương; tiếp tục giám sát những xã, thôn, tổ có nguy cơ; giám sát các ổ dịch SXH và xử lý kịp thời; thực hiện tốt công tác điều trị để phòng ngừa tử vong; đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng cần tiếp tục tổ chức các đợt diệt lăng quăng và vận động người dân thường xuyên vệ sinh nơi ở, chủ động diệt muỗi, lăng quăng... bởi đây là biện pháp phòng, chống SXH hiệu quả nhất.


T.L