02:08, 26/08/2013

Cứu sống nhiều bệnh nhân

Qua khoảng 5 năm triển khai thực hiện, quy trình “Cấp cứu tối khẩn cấp” ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh đã cứu sống nhiều trường hợp “thập tử nhất sinh”.

Qua khoảng 5 năm triển khai thực hiện, quy trình “Cấp cứu tối khẩn cấp” ở Bệnh viện Đa khoa khu vực (BVĐKKV) Cam Ranh đã cứu sống nhiều trường hợp “thập tử nhất sinh”.


Nhiều bệnh nhân được cứu sống


7 giờ ngày 22-8, Khoa Cấp cứu - Hồi sức BVĐKKV Cam Ranh tiếp nhận sản phụ Phan Thị Ngọc Châu (30 tuổi, phường Cam Thuận, TP. Cam Ranh) trong tình trạng đau bụng dữ dội, da xanh tái, niêm mạc nhợt. Bệnh nhân (BN) được chẩn đoán đau chuyển dạ, đo tim thai phát hiện thai nhi bị suy tim thai cấp, có khả năng thai nhi sẽ bị tử vong nếu không được mổ cấp cứu nhanh. Trước tình trạng trên, bác sĩ (BS) trực cấp cứu phát lệnh áp dụng quy trình “Cấp cứu tối khẩn cấp” cho BN. Sau 5 phút nhập viện, BN được chuyển ngay đến phòng mổ và được mổ cấp cứu. Hơn 30 phút phẫu thuật, ê-kíp phẫu thuật đã cứu sống được cả mẹ lẫn con.  


Tương tự, sản phụ Nguyễn Thị Thành (38 tuổi, phường Cam Phúc Nam, TP. Cam Ranh) nhập viện ngày 6-8 trong tình trạng lơ mơ, đau bụng dữ dội, mạch yếu, huyết áp tụt, bụng gồng cứng. BN được chẩn đoán vỡ thai ngoài tử cung, mất nhiều máu. Trước tình trạng nguy kịch của BN, ê-kíp BS trực phát lệnh áp dụng quy trình “Cấp cứu tối khẩn cấp”. Sau 7 phút nhập viện, BN được mổ cấp cứu lấy khối thai đã vỡ. Ông Nguyễn Minh Khang - chồng của sản phụ Thành cho biết: “Vợ tôi bị đau bụng 2 ngày. Tôi có đưa vợ đi khám và siêu âm ở phòng khám tư nhưng không phát hiện được bệnh gì. Ngày 6-8, thấy vợ đau dữ dội và ngất xỉu nên gia đình đưa vào bệnh viện. BS nói vợ tôi bị vỡ thai ngoài tử cung nên đưa đi mổ ngay sau đó. Hiện tại, sức khỏe vợ tôi đã ổn định”.


Cũng nhờ áp dụng quy trình “Cấp cứu tối khẩn cấp”, ê-kíp BS của BVĐKKV Cam Ranh đã phẫu thuật kịp thời, cứu sống BN Mấu Lợi (xã Cam Thịnh Tây) bị tổn thương tim. BN nhập viện trong tình trạng lơ mơ, không đo được mạch và huyết áp, lồng ngực bên trái có vết thương đang chảy máu. Sau 10 phút nhập viện, BN đã được phẫu thuật cấp cứu và xuất viện sau 10 ngày điều trị…  

 

Các bác sĩ đang thực hiện một ca mổ theo quy trình “Cấp cứu tối khẩn cấp”.
Các bác sĩ đang thực hiện một ca mổ theo quy trình “Cấp cứu tối khẩn cấp”.


Phương án tối ưu cho những trường hợp khẩn cấp

 

Ông Lê Hữu Thọ - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, quy trình “Cấp cứu tối khẩn cấp” xây dựng được tinh thần phối hợp tốt, chặt chẽ giữa các vị trí của kíp trực, nhằm tranh thủ “thời gian vàng” để tiến hành cấp cứu cứu sống bệnh nhân ở một số trường hợp khẩn cấp. Quy trình này thể hiện được tính mới và đột phá.

Quy trình “Cấp cứu tối khẩn cấp” đã được BVĐKKV Cam Ranh triển khai khoảng 5 năm qua. Trong quá trình thực hiện quy trình này, bệnh viện đã cứu sống nhiều trường hợp vào viện trong tình trạng “thập tử nhất sinh” như: Vết thương lồng ngực gây tràn máu, tràn khí màng phổi, suy hô hấp cấp, vết thương tim gây chèn ép tim, chấn thương bụng kín vỡ tạng đặc, thai ngoài tử cung vỡ, xuất huyết ồ ạt gây choáng nặng… BS Nguyễn Hồng Quang - Giám đốc BVĐKKV Cam Ranh cho biết, nếu áp dụng đúng quy chế chuyên môn thì các trường hợp trên phải thực hiện hội chẩn, làm các xét nghiệm cận lâm sàng… Để hoàn tất quy trình phải mất ít nhất 45 phút BN mới được chuyển đến phòng mổ để phẫu thuật cấp cứu. Trong khi đó, có những trường hợp BN vào viện với tình trạng bệnh nặng, nguy kịch, cần phải được phẫu thuật cấp cứu nhanh, nếu không sẽ khó cứu sống được BN. Chính vì thế, bệnh viện đã xây dựng quy trình “Cấp cứu tối khẩn cấp”.  


So với quy trình chuẩn, quy trình này cho phép BS bỏ qua các giai đoạn như: Hội chẩn, làm các xét nghiệm cận lâm sàng theo quy chế chuyên môn bình thường. Ngay khi phát lệnh áp dụng quy trình “Cấp cứu tối khẩn cấp”, trong vòng 5 - 10 phút kể từ khi nhập viện, BN được chuyển thẳng từ phòng cấp cứu tới phòng mổ. Khi nhận được lệnh, các nhân viên trong hệ thống trực thuộc quy trình phải có mặt ngay tại phòng mổ để thực hiện phẫu thuật cấp cứu BN. Quy trình được áp dụng chủ yếu cho những trường hợp cấp cứu khẩn cấp, cần can thiệp phẫu thuật thuộc khoa Ngoại và khoa Sản. Thông thường, người phát lệnh thực hiện quy trình “Cấp cứu tối khẩn cấp” là BS trực cấp cứu hoặc BS trực khoa Ngoại, khoa Sản.


Theo BS Nguyễn Hồng Quang, quy trình này được bệnh viện áp dụng ở mọi thời điểm, đặc biệt là ngoài giờ hành chính - có ít nhân viên trực. Nguyên tắc áp dụng quy trình này, BS trực phải là người có nhiều kinh nghiệm, nhanh nhạy, khả năng chẩn đoán lâm sàng tốt, xử trí cấp cứu nhanh, chính xác. Ngoài ra, có sự phối hợp khẩn trương, đồng bộ của các khoa, phòng như: Phẫu thuật - Hồi sức, Sản, Ngoại, Huyết học -Truyền máu, Chẩn đoán hình ảnh, lực lượng bảo vệ và hộ lý.


THẢO LY