10:08, 23/08/2013

Thực trạng bệnh sốt rét

Ngày nay, bệnh sốt rét vẫn còn là một trong những vấn đề sức khỏe toàn cầu quan tâm. Bệnh sốt rét do ký sinh trùng Plasmodium gây ra và do muỗi Anophen trung gian truyền bệnh, muỗi này chủ yếu đốt vào ban đêm, lúc sáng sớm và lúc mặt trời lặn.

Ngày nay, bệnh sốt rét (SR) vẫn còn là một trong những vấn đề sức khỏe toàn cầu quan tâm. Bệnh SR do ký sinh trùng Plasmodium gây ra và do muỗi Anophen trung gian truyền bệnh, muỗi này chủ yếu đốt vào ban đêm, lúc sáng sớm và lúc mặt trời lặn.


Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh SR hiện lưu hành ở 108 quốc gia và lãnh thổ. Châu Phi có khoảng 208 triệu người mắc, châu Mỹ 1 triệu người mắc, khu vực Đông Địa Trung Hải 9 triệu người mắc và khu vực Đông Nam Á có 24 triệu người mắc. Tại Việt Nam, năm 2010 có gần 54.000 trường hợp mắc SR và 20 người chết do SR. Tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng SR là 0,19/1.000 dân. Từ năm 2000 đến nay, mỗi năm có từ 10 triệu đến 12 triệu người ở trong vùng SR lưu hành phải được bảo vệ bằng hóa chất diệt muỗi. Tỉnh Khánh Hòa trong thời gian gần đây, bệnh SR có xu hướng tăng cao. Tổng số bệnh nhân (BN) SR năm 2012 là 1.685 người, tăng 3,37% so với năm 2011; trong đó BN SR ác tính là 14 người, tăng 75% so với năm 2011 và 1 trường hợp tử vong do SR. Theo đánh giá của Trung tâm Phòng, chống SR - Ký sinh trùng - Côn trùng tỉnh, bệnh SR gia tăng là do người dân đi rừng, ngủ rẫy vẫn còn phổ biến tại một số địa phương, một số BN SR từ vùng khác đến, người từ vùng không có SR lưu hành đi vào vùng có SR lưu hành để xây dựng các công trình cầu đường, thủy điện, khai thác quặng, trầm kỳ, lâm, thổ sản đặc biệt là tại 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Tính đến cuối tháng 7-2013, toàn tỉnh có 681 người mắc SR, trong đó có 2 người mắc SR ác tính, 605 người xét nghiệm có ký sinh trùng SR, 415 người mắc SR thể P.falciparum, 145 người mắc SR thể P.vivax. 2 huyện có số người mắc SR cao nhất là Khánh Vĩnh 260 người, Khánh Sơn 163 người. Hai địa phương có số người mắc SR tăng đột biến và diễn biến phức tạp là thị trấn Tô Hạp huyện Khánh Sơn và xã Khánh Thượng huyện Khánh Vĩnh. Bệnh SR do ký sinh trùng Plasmodium gây ra và do muỗi Anophen trung gian truyền bệnh. Muỗi này chủ yếu đốt vào ban đêm, lúc sáng sớm và lúc mặt trời lặn. Muỗi Anophen có khoảng 420 loài khác nhau, vòng đời của muỗi Anophen trải qua 4 giai đoạn, muỗi đẻ trứng dưới nước nở thành bọ gậy, bọ gậy ăn các chất hữu cơ và động vật thủy sinh nhỏ sống trong nước qua 4 giai đoạn lột xác, sau đó phát triển thành lăng quăng, lăng quăng sẽ nở ra muỗi trưởng thành sau 1 - 2 ngày. Muỗi đực và muỗi cái sau khi nở sẽ hợp đàn giao cấu. Sau khi thụ tinh, muỗi cái sẽ bay đi tìm người hút máu để phát triển trứng. Muỗi cái có thể đẻ nhiều lứa, một lứa có thể đẻ từ 20 - 200 trứng tùy theo điều kiện bên ngoài. Nhiệt độ thích hợp cho muỗi sinh trưởng và phát triển là khoảng 20 đến 25 độ C. Vòng đời của muỗi phụ thuộc loài và nhiệt độ, thay đổi từ vài ngày đến khoảng một tháng. Sau khi đốt hút máu, muỗi bay tìm nơi nghỉ thường là ở ngoài nhà, bụi cây, khe, kẽ của rễ, thân cây, kẽ đất, các hốc gầm cầu hoặc những nơi khô ráo, tối, yên tĩnh trong nhà. Sau đó muỗi rời khỏi nơi trú ẩn và bay tìm nơi thích hợp để đẻ. Muỗi Anophen hoạt động từ khi mặt trời lặn đến khi mặt trời mọc.


Biểu hiện của bệnh sốt rét


Tùy thuộc loại ký sinh trùng mắc phải, tình trạng sức khỏe của người mắc, biểu hiện bệnh SR khác nhau. Thời kỳ ủ bệnh cho đến khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng đầu tiên là 9 - 30 ngày. Cơn sốt điển hình của bệnh SR qua 3 giai đoạn là rét run, sốt cao và vã mồ hôi. Một cơn sốt thường kéo dài từ 2 - 8 giờ, ngoài cơn sốt BN không có cảm giác bị bệnh. Đối với người bị SR lần đầu, kiểu cơn sốt điển hình không thường gặp mà thường có những triệu chứng đi kèm như nhức đầu, mệt mỏi, buồn nôn, đau cơ, rối loạn tiêu hóa làm chúng ta dễ nhầm với những bệnh khác như sốt xuất huyết, cúm, nhiễm siêu vi... Những BN SR thường xuyên sẽ có các triệu chứng thiếu máu mạn tính, da xanh, viêm mạc nhợt, chóng mặt, gan to, lách to, suy kiệt. Đối với những phụ nữ có thai bị SR dễ bị sảy thai, sinh non hoặc thai chết lưu. Một số trường hợp bị biến chứng tổn thương nhiều cơ quan, BN bị hôn mê, co giật, suy gan, suy thận, sốc, phù phổi, suy hô hấp và có thể tử vong nếu không điều trị kịp thời. Bệnh SR được chẩn đoán dựa vào yếu tố dịch tễ, biểu hiện cận lâm sàng và xét nghiệm tìm ký sinh trùng SR trong máu. Vì vậy những người sống hoặc có đi vào trong vùng SR lưu hành, khi bị sốt, hoặc có triệu chứng nghi ngờ SR nên sớm đến cơ sở y tế để được xác định chẩn đoán và điều trị kịp thời. Điều trị SR có hai mục đích là cắt cơn sốt, làm sạch ký sinh trùng, phục hồi sức khỏe BN và ngăn ngừa tái phát, ngăn ngừa sự lây truyền mầm bệnh qua cho người khác.


Biện pháp phòng bệnh


Hiện nay vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa SR, vì vậy việc phòng, chống muỗi truyền bệnh vẫn được xem là biện pháp hữu hiệu nhất. Các biện pháp tẩm màn, rèm bằng hóa chất, phun tồn lưu mặt trong tường vách độ cao từ nền nhà lên tới 2m, xoa kem xua muỗi, ngủ màn có tẩm hóa chất; thường xuyên phát quang bụi rậm quanh nhà để triệt phá nơi trú đậu của muỗi trưởng thành, khai thông cống rãnh để xóa bỏ các hố nước đọng, lấp các vũng nước để phá hủy nơi đẻ trứng của muỗi; vớt rong, rêu và cây cỏ trong ao, hồ... để làm mất nơi ẩn náu của bọ gậy, lăng quăng; làm nhà ở cách xa suối, sông, xa rừng; không nhốt trâu, bò dưới gầm sàn nhà ở, làm chuồng gia súc cách xa với nhà ở; thu xếp vật dụng trong nhà ngăn nắp, gọn gàng, bố trí nhà ở thoáng mát, sáng sủa làm cho muỗi không tìm được nơi trú đậu trong nhà. Hun khói xung quanh nhà ở; đốt hương xua diệt muỗi; mặc quần áo dài tay, đi bít tất vào ban đêm; bôi trên da nơi không có quần áo các loại thuốc xua muỗi (không nên bôi thuốc gần mắt, môi); vào ban đêm không nên ở ngoài nhà nếu không cần thiết; không nên ngủ ngoài hiên mặc dù trời nóng vì rất dễ bị muỗi đốt, nhất là khi ngủ không có màn. Cần ngủ màn cả ngày lẫn đêm, sử dụng lưới (kim loại, chất dẻo) che cửa sổ, cửa ra vào, các lỗ trống trên tường để ngăn cản muỗi bay vào nhà.


Khi nghi ngờ SR cần sớm đến các cơ sở y tế để phát hiện và điều trị kịp thời. SR là bệnh nguy hiểm, chúng ta cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, mỗi người cần tự bảo vệ sức khỏe bản thân mình và gia đình bằng những biện pháp phòng bệnh được ngành Y tế khuyến cáo.


Phạm Minh Sơn
Trung tâm Truyền thông GDSK Khánh Hòa