11:06, 26/06/2013

Cần có sự phối hợp từ nhiều phía

Dịch sốt xuất huyết ở Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đang bùng phát, nhưng ý thức vệ sinh phòng bệnh của bà con các dân tộc thiểu số hiện vẫn còn hạn chế.

Dịch sốt xuất huyết (SXH) ở Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đang bùng phát, nhưng ý thức vệ sinh phòng bệnh của bà con các dân tộc thiểu số hiện vẫn còn hạn chế. Chính vì vậy, việc phòng, chống bệnh SXH không chỉ là trách nhiệm của ngành Y tế mà cần có sự chung tay góp sức của chính quyền cơ sở và của mỗi người dân…   


Sốt xuất huyết bùng phát


Trong 2 tháng qua, thời tiết ở Khánh Vĩnh liên tục có mưa, muỗi sinh sản nhiều nên bệnh SXH đã bùng phát tại một số địa phương trên địa bàn huyện. Theo báo cáo của Đội Y tế dự phòng thuộc Trung tâm Y tế huyện Khánh Vĩnh, tính đến ngày 22-6, toàn huyện đã ghi nhận có 88 ca bệnh SXH đến từ 4 xã và 1 thị trấn. Đặc biệt, từ tháng 4 đến nay, dịch SXH đã bùng phát với 78 số ca mắc. Trong đó, thị trấn Khánh Vĩnh và xã Cầu Bà là nơi có số người mắc SXH cao nhất, chiếm 54 ca.

 

Bác sĩ Lê Phán - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Khánh Vĩnh: Bệnh  nhân mắc SXH ở Khánh Vĩnh trong 2 tháng gần đây liên tục gia tăng.  Hiện nay, chúng tôi đang tập trung xử lý nhằm khắc phục SXH ở xã Cầu Bà và thị trấn Khánh Vĩnh. Các biện pháp khảo sát tình hình dịch tễ, điều tra, phun tẩm hóa chất… cũng đã được triển khai. Tuy nhiên, điều quan trọng là phối hợp với chính quyền địa phương, vận động tuyên truyền cho người dân các biện pháp phòng bệnh trong gia đình, đặc biệt khi có đối tượng mắc bệnh ở trong cộng đồng và trong gia đình để người dân biết và xử lý đúng, hiệu quả.

Kinh nghiệm cho thấy, SXH thường phát sinh ở địa bàn đông dân cư, gần chợ có nhiều rác thải sinh hoạt như: Lốp xe, vỏ lon đồ hộp, nơi có nhiều cống rãnh, nước tù đọng, thiếu vệ sinh môi trường sống… Đây là điều kiện lý tưởng cho muỗi vằn gây bệnh SXH sinh sản, truyền bệnh. Tại thị trấn Khánh Vĩnh, trong 1 năm trở lại đây nhiều hộ dân đã đầu tư xây hồ để chứa nước mưa sử dụng lâu dài do lo ngại khi phải sử dụng nước sông, suối bị nhiễm bẩn từ nạn đào đãi quặng trái phép ở xã Khánh Thành. Qua điều tra dịch tễ, xử lý ấu trùng, Đội Y tế dự phòng của huyện và Trạm Y tế thị trấn đã phát hiện rất nhiều nhà dân có vật chứa có lăng quăng, ấu trùng muỗi và cả muỗi vằn truyền bệnh SXH…


Thông thường, khi đã có người mắc bệnh thì nguy cơ bùng phát dịch rất nhanh nếu không có biện pháp phòng, chống. Song hiện nay, đa số bà con vẫn còn khá bàng quan về bệnh SXH, không có ý thức để phòng tránh bệnh. Với bà con dân tộc thiểu số, do nhận thức hạn chế nên chỉ đến khi SXH bùng phát thành dịch, nhà nhà có người sốt phải vào nhập viện, lúc đó họ mới lo lắng...


Giải pháp cấp bách ngăn chặn sốt xuất huyết


SXH rất nguy hiểm và do chưa có thuốc trị đặc hiệu nên có thể gây tử vong nếu không phát hiện kịp thời. Vì thế, công tác phòng bệnh rất quan trọng. Để ngăn chặn dịch bệnh SXH đang bùng phát tại một số địa phương,   Đội Y tế dự phòng thuộc Trung tâm Y tế huyện Khánh Vĩnh đã phối hợp với các cơ sở y tế có số ca mắc SXH cao tổ chức phun thuốc, diệt muỗi, điều tra dịch tễ, xử lý ấu trùng, vệ sinh môi trường tại các khu dân cư, đặc biệt là nơi có ổ dịch. Bệnh viện Đa khoa huyện và các cơ sở y tế tích cực xét nghiệm, chẩn đoán sớm để kịp thời điều trị, không để bệnh nhân SXH bị biến chứng. Đến thời điểm này, Khánh Vĩnh chưa có ca tử vong vì bệnh SXH song dịch vẫn đang diễn biến phức tạp. Tại thị trấn Khánh Vĩnh và Cầu Bà dịch vẫn chưa giảm trong khi thời tiết ở Khánh Vĩnh vẫn liên tục có mưa, khí hậu ẩm ướt, tạo điều kiện cho các loài muỗi truyền bệnh sinh sản, trong đó có loài muỗi vằn truyền bệnh SXH.


Trong khi đó, công tác truyền thông phòng, chống dịch SXH hiện chưa được các địa phương của huyện quan tâm đúng mức. Người dân vẫn cứ lơ là, chủ quan chưa có ý thức vệ sinh môi trường sống ở khu dân cư. Vì thế ngay lúc này, bên cạnh công tác phòng, chống dịch của ngành Y tế, chính quyền địa phương, nhất là các địa bàn đang bùng phát sinh dịch SXH cần nhanh chóng đưa thông tin liên tục về dịch bệnh SXH lên hệ thống loa Đài Truyền thanh của xã để mọi người biết và có biện pháp vệ sinh phòng bệnh. Chính quyền cơ sở, các cơ quan đóng ở khu vực vùng có dịch cần tăng cường tuyên truyền mở cuộc tổng vệ sinh môi trường rộng khắp như: Phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, ao tù, y tế thôn bản cần tích cực hướng dẫn người dân diệt ấu trùng, bọ gậy, lăng quăng, dọn dẹp sắp xếp nhà cửa, công sở ngăn nắp, thường xuyên thay nước các lọ hoa, thả cá vào các bể, hồ đựng nước; súc rửa, cọ sạch các chum vại, lu thạp chứa nước… không để muỗi trú ẩn đẻ ấu trùng… sinh sản muỗi truyền bệnh SXH, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất số người mắc, tiến tới loại trừ SXH ra khỏi địa bàn.


KIM OANH