10:04, 27/04/2013

Trẻ sinh non và những nguy cơ hệ lụy

Hàng năm, trên thế giới có khoảng 4 triệu trẻ sơ sinh bị tử vong, trong đó khoảng 60 - 80% trẻ sơ sinh tử vong có liên quan đến sinh non. Tại Khánh Hòa, trung bình mỗi năm có gần 2.000 ca sinh non. Hiện nay, nhiều người vẫn còn chưa hiểu hết những nguy cơ mà trẻ sinh non dễ mắc phải cũng như cách chăm sóc sức khỏe cho trẻ.

Hàng năm, trên thế giới có khoảng 4 triệu trẻ sơ sinh bị tử vong, trong đó khoảng 60 - 80% trẻ sơ sinh tử vong có liên quan đến sinh non. Tại Khánh Hòa, trung bình mỗi năm có gần 2.000 ca sinh non. Hiện nay, nhiều người vẫn còn chưa hiểu hết những nguy cơ mà trẻ sinh non dễ mắc phải cũng như cách chăm sóc sức khỏe cho trẻ.


Bà mẹ mang thai tránh ăn đu đủ xanh


Theo bác sĩ (BS) Nguyễn Thị Phượng - Khoa Sản Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, trẻ sinh non là trẻ chào đời chưa đủ tháng, thai có thể chấm dứt từ 22 đến trước 37 tuần theo tiêu chuẩn quốc gia; vì vậy, sự phát triển về thần kinh và thị giác của trẻ chưa hoàn chỉnh. Tỷ lệ sinh non chiếm khoảng 5 - 15% trong các trường hợp sinh.


Có nhiều nguyên nhân sinh non như: Điều kiện sống của phụ nữ mang thai kém, lao động nặng trong quá trình mang thai, hoặc thai phụ dưới 16 tuổi hoặc trên 35 tuổi mới mang thai lần đầu, sản phụ hút thuốc lá có nguy cơ sinh non hoặc sản phụ có cân nặng, chiều cao quá thấp. Những người có tiền sử nạo phá thai hoặc sẩy thai tự nhiên nhiều lần, có tiền căn sinh non thì nguy cơ sinh non tái phát từ 25 đến 50%. Mặt khác, người mẹ có khối u, dị dạng ở tử cung, có bệnh mãn tính như: tim mạch, cao huyết áp, nhiễm trùng... gây hiện tượng sinh non. Những người có sang chấn trong quá trình mang thai sẽ có tỷ lệ sinh non cao. Chế độ ăn uống cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sinh sớm. Người mẹ mang thai tránh ăn đu đủ xanh, vì đu đủ có thể gây hiện tượng sinh non, đu đủ chín không có hại nhưng ăn nhiều không tốt, hạn chế đi du lịch...


Hiện nay, việc dự phòng từ phía sản phụ cần được tuyên truyền rộng. Theo BS Phượng, các bà mẹ có thể tự phát hiện dấu hiệu nguy cơ dọa sinh non như: đau bụng, ra máu, ra dịch âm đạo, đau lưng, rỉ ối, vỡ ối... mà chủ động đến cơ sở y tế sớm nhất để được hướng dẫn điều trị tại nhà bằng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý hoặc phải nhập viện để được can thiệp sớm...”.


Các bà mẹ mang thai nên tránh làm việc nặng, phải đi khám thai định kỳ, phải xét nghiệm phát hiện sớm các bệnh lý của người mẹ và những bệnh lý bất thường của thai nhi có thể đe dọa sinh non; đồng thời bổ sung axit pho lích thường xuyên. Dự phòng sinh non cần chú ý ở quý III thai kỳ. Những bà mẹ mang đa thai ít sinh đủ tháng, thường vỡ ối sớm, khoảng 10 - 20% sinh non.


20% trẻ sinh non mắc bệnh lý võng mạc


Trẻ sinh non thường có nguy cơ mắc một số bệnh tật như: Bệnh tim, suy hô hấp sau sinh, hạ đường huyết, rối loạn thân nhiệt, thiếu máu, bệnh lý võng mạc... Việc điều trị, chăm sóc, phục hồi cho trẻ sinh non là vô cùng khó khăn và tốn kém. Sự phát triển về sức khỏe và trí tuệ của trẻ sinh non cũng chậm hơn so với những trẻ sinh đủ tháng. Đặc biệt, nguy cơ mắc các bệnh lý võng mạc rất cao.

 

Bệnh lý võng mạc là một trong những căn bệnh để lại hậu quả nặng nề; nếu không điều trị, 90% bệnh nhân sẽ bị bong võng mạc dẫn đến mù vĩnh viễn. Khoảng từ 10 đến 30% số bệnh nhân được điều trị cũng có nguy cơ bong võng mạc và đối mặt với khả năng bị mù, do tiếp cận điều trị muộn. Bệnh này hầu như chỉ xảy ra ở trẻ sinh non, nhẹ cân và thở ô xy lúc mới sinh nếu lượng ô xy không được kiểm soát tốt. Biện pháp quan trọng nhất để phòng ngừa căn bệnh này vẫn là phòng ngừa nguy cơ sinh non.

BS Vĩnh Tuấn Huy - Khoa Nhi BVĐK tỉnh cho biết, đối với trẻ dưới 1kg, tỷ lệ mắc bệnh này 80 đến 85%. Trẻ từ 1 đến 1,5kg, tỷ lệ mắc bệnh 40%. Em bé càng ít tháng thì nguy cơ mắc bệnh càng cao. Đặc biệt bé sinh ra dưới 34 tuần rất dễ mắc bệnh.


Khó khăn hiện nay của ngành Y tế là chỉ có BVĐK tỉnh mới có đủ phương tiện và nhân lực để phát hiện sớm bệnh lý võng mạc ở giai đoạn sớm, còn hệ thống y tế tuyến dưới chưa thực hiện được. Trong khi đó, bệnh lý này không thể phát hiện bằng mắt thường, khi có biểu hiện ra ngoài thì đã quá muộn, không điều trị được. Đây chính là điều các bậc phụ huynh cần lưu ý, nếu sinh con thiếu tháng hoặc nhẹ cân, cần chủ động đưa trẻ đi khám tầm soát bệnh lý võng mạc.


Chị Trần Thị Kim Tuyến ở xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh ẳm đứa con mới hơn 1 tháng đến khám tại phòng khám Rop, Khoa Nhi BVĐK tỉnh với tâm trạng lo lắng: Lúc tôi sinh cháu thai mới chỉ được 33 tuần. Lần đi khám trước BS nói võng mạc chưa phát triển hoàn toàn, bây giờ tôi đưa cháu đi khám lại. BS nói võng mạc chưa phát triển bình thường có thể bị mù nên vợ chồng tôi rất lo. Chị Ngô Thị Kim Loan ở xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh cũng thấp thỏm khi BS bảo chị đưa con đi khám võng mạc vì chị sinh đôi ở tuổi thai 33 tuần, mỗi bé chỉ được 2,1 ký phải nằm lồng kính 10 ngày.


BS Trần Thảo Vi - Khoa Mắt BVĐK tỉnh chia sẻ: “Đối tượng cần phải tầm soát là cân nặng lúc sinh dưới 2.000g hoặc tuổi thai dưới 34 tuần tương đương 7,5 tháng thường kèm theo một số yếu tố nguy cơ như ngạt khi sinh, nằm lồng kính kéo dài hoặc một số bệnh lý nhiễm trùng kèm theo hoặc trẻ sinh đôi, sinh 3 nhẹ cân đều nằm trong diện tầm soát”.


Từ tháng 8-2012, được sự hỗ trợ của Dự án chào đón sự sống của Tổ chức Handicap Việt Nam, Khoa Nhi BVĐK tỉnh phối hợp với Khoa Mắt triển khai khám tầm soát bệnh lý võng mạc cho trẻ vào chiều Thứ hai hàng tuần. Từ khi triển khai đến nay, đã khám tầm soát cho khoảng 180 trẻ, phát hiện gần 30 trường hợp mắc bệnh. Trong số trẻ mắc bệnh có 10 trẻ được chuyển vào BV Nhi đồng 1 điều trị, hầu hết đều mang lại kết quả tốt; một số trường hợp phát hiện muộn nên không phục hồi hoàn toàn, chỉ ngăn ngừa được tình trạng mù lòa. Cháu Nguyễn Hoàng Long 9 tháng tuổi ở TP. Nha Trang là một trong những cháu bé may mắn được phẫu thuật điều trị bệnh lý võng mạc thành công.


Nguyễn Thị Kim Thủy, TP. Nha Trang, bà của cháu Long cho biết, bé sinh lúc thai mới hơn 7 tháng, được 1,5kg, nằm lồng kính 12 ngày. Ngày xuất viện, BS bảo đi khám Rop phát hiện võng mạc cháu không giãn nên chuyển viện vào BV Nhi đồng 1 để mổ. Giờ đây, mắt cháu đã nhìn thấy, đưa đồ vật cháu biết cầm, khi mình đứng từ xa gọi cháu nhìn và cười. May mà cháu được khám Rop sớm.


Cũng theo BS Vi, việc phát hiện sớm bệnh lý võng mạc và can thiệp kịp thời giúp giảm tỷ lệ mù vĩnh viễn ở trẻ. Khi trẻ đã được khám tầm soát thì việc tuân thủ chỉ định là vô cùng quan trọng...


DUY ANH THƯ